DN Hàn khai thác mọi mặt thị trường Việt

Vốn đầu tư của các DN Hàn Quốc vào hệ thống bán lẻ thực phẩm tiếp tục lấn lướt trên thị trường, điều này cho thấy niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam không ngừng gia tăng.

Đầu năm 2018, nhãn hiệu GS 25 của Hàn Quốc mới mở những cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Thế nhưng chỉ sau vài tháng đến nay GS 25 đã phát triển lên vài chục cửa hàng. Tập đoàn GS Group chủ sở hữu chuỗi cửa hàng này có tham vọng trong 10 năm tới sẽ phát triển lên 2.500 cửa hàng ở Việt Nam.

Những món ăn của Hàn Quốc rất thu hút giới trẻ Việt

Trước đó, 2 nhãn hiệu siêu thị mini K-Mart và S-mart đã vào Việt Nam, nhưng chủ yếu phục vụ trong các khu đô thị có nhiều cư dân Hàn sinh sống tại Việt Nam. Tuy nhiên đến nay người ta có thể dễ dàng nhận thấy hai nhãn hiệu siêu thị mini này đã tràn ra phố thuê mặt bằng ở những vị trí bắt mắt nhất để thu hút người tiêu dùng Việt.

Có thể nói sản phẩm thực phẩm và cửa hàng tiện ích Hàn Quốc đến Việt Nam bằng chiến lược “văn hóa đi trước tiêu dùng theo sau” đã đạt được những thành công đáng kể. Hầu hết các tập đoàn bán lẻ như Lotte, Emart… đang muốn đầu tư xây dựng thêm tại TP.HCM mặc dù có những thông tin đâu đó có những siêu thị của họ kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tập đoàn thực phẩm và giải trí CJ cũng đang muốn bỏ ra hàng trăm tỷ won mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Tổng giám đốc GS25 Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam với số dân trẻ trung, tâm lý tiêu dùng rất nhanh nhạy, thị trường rộng mở là lợi thế cho kinh doanh bán lẻ.

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã phát triển ổn định qua các thời kỳ khó khăn và tiếp tục duy trì là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Các DN làm ăn tại Việt Nam tin môi trường kinh tế thuận lợi và nhu cầu về sản phẩm tăng là những yếu tố chính giúp tăng trưởng giao thương với các thị trường. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh cải thiện và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực theo lộ trình được xem như những điểm mạnh tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Còn với các DN Hàn Quốc, một trong những lý do khiến họ khai thác tốt thị trường Việt Nam là đã tận dụng rất tốt hiệp định thương mại tự do Hàn - ASEAN thông qua các tiếp cận từ cửa ngõ Việt. Hơn nữa, hoạt động đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam còn nằm trong chính sách hướng Nam của Chính phủ Hàn Quốc những thập niên gần đây.

Chưa kể trong khoảng 10 năm qua một làn sóng chuyển dịch đầu tư của các DN Hàn từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu tính theo lĩnh vực và nhà đầu tư vào Việt Nam thì đến nay Hàn Quốc đã có sự hiện diện đủ mọi lĩnh vực đầu tư và quy mô, hình thức góp vốn khác nhau.

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ của DN Hàn vào lĩnh vực bán lẻ mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho các DN trong nước. Theo đó, DN Việt có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng hợp tác, đưa sản phẩm hàng hóa Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, DN Việt còn có thể học hỏi kinh nghiệm quản trị, công nghệ từ các DN Hàn…

Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh cũng ngày một lớn dần với sự góp mặt của các DN Hàn và nếu không đủ sức, nguy cơ thua ngay trên sân nhà là hoàn toàn có thể. Muốn cạnh tranh và phát triển được, các DN Việt cần xây dựng chiến lược để nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng. Cần áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, hợp tác với các DN trong và ngoài nước để giảm dần sự phụ thuộc vào thế mạnh nhân công giá thấp mới có thể nắm bắt được các lợi ích một cách bền vững nhất.

KIM

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/dn-han-khai-thac-moi-mat-thi-truong-viet-78358.html