DN Đài Loan lót thảm mời trường nghề hợp tác đào tạo

Chương trình đào tạo kép trường và doanh nghiệp mới tạo nguồn lực bền vững, đúng nhu cầu doanh nghiệp cần và chương trình trường thiết kế.

Ông Chung Wen Cheng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp (DN) Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam 25 năm nay. Hiện có gần 5.000 DN đang đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, để phát triển bền vững, các DN Đài Loan cần bản địa hóa nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để hiện thực hóa điều này cần cầu có nối DN – nhà trường kết hợp đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ, kĩ năng nghề theo tiêu chuẩn. Có như thế nhà trường mới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, còn DN có đội ngũ nhân lực mình muốn. “Phía Đài Loan kiên trì mục tiêu này và thời gian tới nền kinh tế Việt Nam phát triển rất cần nguồn lực lao động trình độ cao, kĩ năng nghề nghiệp tốt”, ông Chung Wen Cheng, nhấn mạnh.

25 năm đầu tư với 5.000 doanh nghiệp, các doanh nghiệp Đài Loan muốn bản địa hóa nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Ảnh: PHONG ĐIỀN

25 năm đầu tư với 5.000 doanh nghiệp, các doanh nghiệp Đài Loan muốn bản địa hóa nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP. HCM cùng Tổng Cục trường Cục giáo dục nghề nghiệp Bộ LĐ- TB&XH tổ chức hai diễn đàn thúc đẩy hợp tác giữa DN – nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, kĩ năng nghề nghiệp cho người học. Trong đó, phía DN Đài Loan luôn rộng cửa đón các trường nghề, đại học hợp tác cùng đào tạo kĩ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, thông qua môi trường đào tạo kép kết hợp nhà trường và DN.

Cận cảnh một dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp Đài Loan. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Nói thêm về nhu cầu nguồn nhân lực của các DN Đài Loan tại Việt Nam, trong đó trọng tâm tại TP.HCM, Bình Dường và Đồng Nai, ông Ji Ming Yu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Nhất nói: “Công ty rất khó tuyển nhân sự tại Bình Dương, do các cơ sở đào tạo tại tỉnh này không đào tạo ngành này”.

Vị CEO này cho biết hiện DN Đài Loan đầu tư tại Bình Dương rất lớn, tuy nhiên rào cản ngôn ngữ, ít người biết tiếng Hoa khiến công ty hụt nguồn nhân lực. Từ đó, ông kiến nghị cần nhanh chóng thiết lập cầu nối DN Đài Loan với nhà trường tại Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hợp tác để cung ứng nguồn nhân lực có kĩ năng nghề nghiệp tốt cho các DN.

Với lợi thế về công nghệ, nhà máy sản xuất, các doanh nghiệp Đài Loan mong muốn thúc đẩy nhanh hợp tác với trường nghề để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Theo ông Ji Ming Yu để khắc phục tình trạng này, DN và nhà trường dựa trên các lợi thế riêng của mình cùng bắt tay hợp tác, sau đó vai trò nhà nước tổ thi tay nghề và giám định chất lượng tay nghề. Theo đó, những người đã được cấp chứng chỉ tay nghề đạt chuẩn đưa vào hệ thống dữ liệu nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó các DN sẽ tin tưởng, tuyển dụng rất an tâm.

Theo ghi nhận của phóng viên, dù phía Đài Loan đã nhiệt huyết đặt vấn đề này từ nhiều năm qua, nhưng các mô hình hợp tác vẫn còn trên các hội nghị và một số chuyến tham quan các nhà máy sản xuất. Thậm chí, ông Peter Wu, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, còn cam kết sẽ chi tiền để tổ chức thêm hội nghị để tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình hợp tác để không kéo rê thêm.

Hồi đáp những đề xuất từ phía DN Đài Loan, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục trường Cục giáo dục nghề nghiệp Bộ LĐ- TB&XH, khẳng định muốn nâng cao kĩ năng lao động cần liên kết nhà trường và DN. Tuy nhiên, sự hợp tác vẫn còn hạn chế. Ông Hùng cam kết sẽ thúc đẩy cho ra đời mô hình hợp tác kiểu mẫu để các Hiệp hội DN Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức tham khảo, trên tinh thần DN – nhà trường đàm phán với nhau.

Để hiện thực chương trình, phía doanh nghiệp Đài Loan luôn mở rộng cửa để đón sinh viên đến thực hành, học tập rèn kĩ năng nghề nghiệp. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Ông Hùng thông tin hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam khá đồ sộ với hơn 2.000 cơ sở đào tạo, trong đó có hàng chục trường đang đào tạo công nghệ cao, tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế. Ông Hùng phân tích cơ chế hợp tác DN – nhà trường sẽ có nhiều lợi ích như DN có nguồn nhân lực, nhà trường có nơi đưa sinh viên đến học hỏi rèn luyện, người học có môi trường để rèn kĩ năng tay nghề và thái độ làm việc.

Với vai trò "bà đỡ'' của chương trình hợp tác DN Đài Loan với nhà trường tại Việt Nam, bà Âu Quý Hy, Bí thư Giáo dục Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Loan, đánh giá lâu nay DN loay hoay với câu hỏi tìm nhân tài ở đâu và giữ nhân tài bằng cách nào? Từ đó, bà Âu Quý Hy lý giải câu hỏi này đã được đúc kết từ Đài Loan hàng chục năm nay, chỉ thiết lập chương trình đào tạo kép giữa nhà trường và DN mới tạo nguồn lực bền vững, đúng nhu cầu DN cần và chương trình trường thiết kế. Tính tương thích này đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm làm việc tại DN để nắm bắt tiến bộ công nghệ, hoạt động điều hành, qua đó truyền đạt tốt nhất cho người học.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/dn-dai-loan-lot-tham-moi-truong-nghe-hop-tac-dao-tao-954104.html