DMZ: Nơi tên lửa va chạm K-pop

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều kết thúc tốt đẹp đang mở ra triển vọng hòa bình lâu dài trên bán đảo triều tiên sau 65 năm nhân dân hai miền luôn phải sống trong nền hòa bình mong manh khi chỉ có duy nhất hiệp định đình chiến được ký kết sau cuộc chiến tàn khốc 1950-1953.

Vết sẹo lâu dài

Khu phi quân sự (DMZ) phân chia bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia dường như không phải là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất. Hầu như mỗi ngày vẫn có nhiều du khách ghé thăm, trong khi các loại động vật như gấu đen hay sếu quý hiếm thả bộ thảnh thơi trong vùng đất mà không ai được phép gây ra bất kỳ xô xát nào.

Nhưng luôn có ngày tồi tệ và đáng buồn là có nhiều ngày như vậy. DMZ vừa là vùng đất thanh bình theo cách rất lạ lùng, lại vừa nỗi đau nhức nhối khôn nguôi của người dân bán đảo Triều Tiên.

Về mặt kỹ thuật, chiến tranh chưa kết thúc. Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ ký thỏa thuận đình chiến vào năm 1953, với DMZ được tạo ra như một bộ đệm hòa bình. Người dân bán đảo Triều Tiên tiếp tục trả giá đau đơn cho thỏa thuận ngừng bắn này, vì hàng ngàn gia đình vẫn bị chia rẽ, gần như không bao giờ có thể gặp lại thân nhân của họ.

Những gia đình này và bất kỳ ai khác hy vọng vào phép lạ sẽ đặc biệt chú ý đến những gì diễn ra tại DMZ cuối tháng 4. Vào 9h30 sáng 27/4 theo giờ Hàn Quốc (tức 7h30 phút theo giờ Việt Nam), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã bắt tay tại đường ranh giới phân định hai miền DMZ, chính thức mở màn cuộc gặp thượng đỉnh được cả thế giới chú ý theo dõi. Nếu trạng thái “hòa bình chính trị” được duy trì lâu dài, rất có khả năng DMZ sẽ hoàn toàn biến mất.

Vĩ tuyến 38

Khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ và Liên Xô cố gắng vẽ lại bản đồ địa chính trị, khi những “người bạn” ngày nào quay ra “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Điều đó bao gồm cả Hàn Quốc, vốn nằm dưới sự cai trị của đế quốc Nhật từ năm 1910.

Mỹ tiếp tục nắm giữ thủ đô Seoul (nằm ở vĩ tuyến 37,5 độ) trong tay. Đại tá Charles Hartwell Bonesteel III quyết định vẽ một đường thẳng, theo đúng nghĩa đen trên tấm bản đồ, lấy đường 38 độ Bắc làm ranh giới phân chia. Từ đó, lực lượng đế quốc Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 38 độ đầu hàng người Nga, còn những người phía Nam về dưới trướng Mỹ.

Tháng 6/1950, bán đảo Triều Tiên rơi vào cảnh khói lửa khi Triều Tiên đổ quân về phía Nam. Chiến tranh tạm chấm dứt năm 1953 với việc ký kết hiệp định đình chiến và hình thành DMZ, cắt ngang vĩ tuyến 38 độ.

Bên trong Khu vực an ninh chung (JSA)

Hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4 giữa Triều Tiên và Hàn Quốc diễn ra tại JSA, nơi các binh sĩ của hai nước đối mặt trực tiếp. Nơi đây còn được gọi là Panmunjom (Làng Đình Chiến), thuộc quyền kiểm soát của Liên Hợp Quốc.

Trong JSA có một nơi được gọi là Bridge of No Return (Cầu Không trở lại), nơi trao đổi tù nhân được tiến hành sau chiến tranh Triều Tiên. Lần cuối cùng nó được sử dụng cho mục đích như vậy là năm 1968, khi thủy thủ đoàn tàu USS Pueblo bị Triều Tiên bắt giữ được thả ra.

Khi không họp hành, JSA chào đón hàng triệu khách du lịch. Theo Independent, du khách chỉ được phép tham quan khi mặc quần áo “đứng đắn” (không jeans rách, không quần da bó sát, không sandal) và phải ký vào “giấy chấp nhận rủi ro” khi có thể bị thương hoặc tử vong do các hành động từ phía bên kia.

Independent viết: Ở “điểm tận cùng”, mỗi nước nắm giữ một cánh cửa phân chia một nửa bán đảo. Bên trong, những người lính tinh nhuệ mỗi bên, với sự cảnh giác cao độ, bảo vệ cái bàn ở trung tâm. Khách du lịch có thể đi bộ xung quanh, có thời gian xâm nhập lãnh thổ Triều Tiên “một cách chớp nhoáng”. Thường khách từ bên Hàn Quốc sang, nhưng cũng có một lượng khách nhỏ từ Triều Tiên được đến tham quan trong tour du lịch do nhà nước kiểm soát.

Lại gần nhau

Hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4 tại DMZ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc diễn ra sau phiên ngoại giao nhanh chóng đáng ngạc nhiên. Chỉ mới vài tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong Un còn đang “khẩu chiến” với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đe dọa bằng những màn thử tên lửa được quảng bá là có khả năng với tới Mỹ. Cả hai không tiếc lời khi dùng những ngôn từ hằn học nhất để chỉ trích nhau, như “dotard” (chỉ những kẻ lẩm cẩm) hay “Little Rocket Man” (xuất xứ từ bài hát của Elton John với góc nhìn từ một phi hành gia từ từ mắc kẹt ngoài không gian vũ trụ, và được đưa vào từ điển tiếng lỏng với giải thích là chỉ những kẻ thích gây gổ, dội bom sang nhà khác).

Sự lắng dịu phần nào trên bán đảo Triều Tiên phần lớn nhờ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tích cực theo đuổi đàm phán với người hàng xóm, trong đó bao gồm cả Thế vận hội mùa đông 2018 diễn ra hồi tháng hai trên lãnh thổ Hàn Quốc. Đây được xem là thông điệp hòa bình Seoul gửi tới Bình Nhưỡng và ngược lại. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn trực tiếp làm “bồ câu đưa thư” chuyển giùm thông điệp từ nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến Tổng thống Trump vào tháng 3, bày tỏ mong muốn đàm phán giữa hai bên. Sau đó, Giám đốc CIA Mike Pompeo còn đến Triều Tiên để gặp Kim.

Ông Kim Jong Un tuyên bố sẽ đình chỉ thử nghiệm vũ khí. Nhưng điều đó không đủ điều kiện “phi hạt nhân” theo yêu cầu của Mỹ và Hàn Quốc. Do đó, Mỹ theo dõi chặt chẽ hội nghị thượng đỉnh liên Triều để biết thêm thông tin về chính xác kế hoạch của Kim, trước khi có cuộc họp thực sự giữa Trump và Kim. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai người đứng đầu Mỹ-Triều.

K-pop trên DMZ

Kể từ năm 1962, Hàn Quốc đã liên tục dùng phương pháp tuyên truyền qua loa phóng thanh trên khắp DMZ, bao gồm tin tức, dự báo thời tiết và các thông điệp tuyên truyền khác. Nhưng không âm thanh nào thể hiện sự giàu có và tự do của miền Nam nhiều hơn K-pop. Và chính quyền Seoul muốn Triều Tiên “nếm thử”.

Các chương trình phát sóng phần lớn cho lính Triều Tiên đóng quân trong và xung quanh DMZ. Nhưng cũng có thể tiếp cận những ngôi làng gần biên giới. Trong thời gian tốt đẹp giữa hai nước, Hàn Quốc sẽ quay trở lại màn “tấn công” đặc sắc này. Bởi năm 2016, khi hai lính Hàn Quốc bị thương do mìn ở biên giới, chương trình đã bị đình trệ.

Trong các bài hát được phát sóng, có những bài như Bang Bang Bang của Big Bang hay Heart của IU. Mỗi bài hát tấn công vào trái tim người nghe theo cách riêng.

Trước hội nghị 27/4, Hàn Quốc một lần nữa ngừng phát thanh.

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/dmz-noi-ten-lua-va-cham-k-pop-81199.html