Dịu mát tình người... ở điểm thi vùng biên đặc biệt khó khăn

'Điểm đáng yêu, tuyệt vời nhất của học trò vùng cao, biên giới là nụ cười và sự tươi tắn, lễ phép. Thấy người lạ đi vào trường, chẳng biết là ai nhưng em nào em nấy chào thật to, cười thật tươi, có em còn khoanh tay... Thấy giơ máy ảnh, nhiều em giấu mặt đi, nhưng lại có em thả tim...'.

Nơi vùng biên nghèo, trong suốt những ngày thi vừa qua, HS được tặng bữa sáng: Một hộp xôi có ruốc, 1 chai nước, 1 hộp sữa và khăn lạnh. Ảnh: Trường Giang.

Nơi vùng biên nghèo, trong suốt những ngày thi vừa qua, HS được tặng bữa sáng: Một hộp xôi có ruốc, 1 chai nước, 1 hộp sữa và khăn lạnh. Ảnh: Trường Giang.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (Trưởng khoa Phát thanh, Truyền hình - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về những ngày làm công tác coi thi THPT quốc gia tại điểm thi ở xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La).

Học trò miền núi đi thi nhận được sự quan tâm của nhiều lực lượng trong xã hội. Ảnh: Trường Giang

Hồn nhiên học trò vùng cao

Là một trong những cán bộ, giảng viên các trường ĐH thực hiện nhiệm vụ của Kỳ thi THPT quốc gia 2019, cô Trường Giang có những cảm xúc đong đầy tại một địa bàn hết sức khó khăn. "Phải đến tận nơi mới thấy học trò vùng cao, nơi biên giới xa xôi trong sáng lắm! Tất cả đã nỗ lực cho một kỳ thi nghiêm túc, từ cán bộ, giảng viên ĐH làm nhiệm vụ coi thi, đến chính quyền địa phương, tình nguyện viên, người dân, thí sinh... đều thể hiện trách nhiệm cao với Kỳ thi ” - cô Giang nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (ngoài cùng, bên trái) và các nữ sinh ở Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La. Ảnh: Trường Giang.

Điều đọng lại trong cô giáo miền xuôi lên coi thi miền núi chính là sự hồn nhiên của học trò ở kỳ thi. “Không có sự “ăn- thua” nơi nụ cười trong sáng, thật thà của học trò Phiêng Khoài. Kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, không căng thẳng và phản ánh đúng tâm trạng của học trò, giáo viên nơi đây”- Cô Trường Giang kể- “Ngay khi mới bước chân tới điểm thi, các cán bộ, giảng viên ĐH đã xúc động vì học trò tíu tít quan tâm, hỏi chuyện và cả tâm sự một cách giản đơn, chân thực, ấm áp tình người: “Cô ở đâu đến ạ? Cô dạy ở trường nào? Em không đăng ký thi ĐH cô ạ, em chỉ cần tốt nghiệp rồi về làm nông, phụ giúp bố mẹ... ”

Học trò miền núi đến điểm thi. Ảnh: Trường Giang

Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) là một xã vùng biên đặc biệt khó khăn. Cô Trường Giang cho biết: Tại điểm thi Trường THPT Phiêng Khoài có 120 thí sinh dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trong đó chỉ có 19 HS đăng ký thi ĐH. 71 trong 120 HS là người dân tộc (Mông, Thái, Sán Dìu, Xinh Mun...), phần còn lại chủ yếu là HS có bố mẹ gốc Thái Bình, Hưng Yên lên đây phát triển vùng kinh tế mới...

“Hầu hết các em là con nhà nông, được ngành GD, chính quyền và các tổ chức xã hội ở địa phương động viên học hết THPT. Học lực của đa số HS tại điểm thi Phiêng Khoài chỉ ở mức trung bình và kém. Hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vấn nạn đeo bám, nan giải. Vì vậy, hiện tượng HS yêu đương, tảo hôn khá phổ biến. Nhiều em “kết hôn” (nhưng chưa đăng ký, chờ khi nào đủ tuổi mới ra xã làm thủ tục) vẫn tiếp tục đi học”- Cô Trường Giang kể.

Nam sinh miền núi được một cảnh sát giao thông quan tâm, phát bữa sáng. Ảnh: Trường Giang.

Kỳ thi của tình người...

Nếu như ở thành thị và nhiều khu vực thuận lợi khác, những ngày thi THPT quốc gia vừa qua tại nhiều điểm thi có đông phụ huynh đưa con đi thi, chầu trực, lo lắng,... thì ở vùng biên này nhịp sống vẫn diễn ra bình thường. Cô Trường Giang nhớ lại: “Học trò Phiêng Khoài tự đến điểm thi, tự về, hiếm thấy bóng dáng phụ huynh đưa con đi thi, hay đứng quanh điểm thi. Có thí sinh đến làm thủ tục muộn, quần áo lem luốc, chân tay lấm lem, hớt hải tìm phòng thi. Hỏi vì sao đến muộn, em nói: “Mải tra ngô”!”.

Nụ cười rạng rỡ của nữ sinh ở vùng cao Sơn La trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Trường Giang

Cô Trường Giang chia sẻ: “Khó khăn là vậy, nhưng bước vào thi HS rất nghiêm túc. Khi biết chúng tôi đến coi thi ở Sơn La, nhiều người bảo cẩn thận khi đi vào “điểm nóng”. Nhưng đến Phiêng Khoài, Yên Châu lại... mát rượi. Không khí trong lành, khí hậu mát mẻ. Chốn ăn nghỉ của giảng viên ĐH không có điều hòa, nhưng nóng đến mấy cũng chỉ cần quạt trần, nửa đêm chúng tôi phải vặn nhỏ quạt và đắp thêm chăn. Đặc biệt, vùng cao nơi đây “mát” từ tình người...”.

Thầy cô ở Yên Châu, Sơn La yêu thương và lo lắng cho học trò của mình. Đầu mỗi buổi thi, các thầy cô phân công nhau điểm danh, xem thí sinh nào chưa đến để gọi điện, đi đón... Không có HS nào vào thi muộn quá giờ quy định, bỏ thi là cả Hội đồng thi thở phào nhẹ nhõm. Có thí sinh bị tai nạn giao thông, tưởng phải bỏ thi, nhưng nhà trường đến tận gia đình động viên, cho mượn phòng trọ gần trường để HS ở lại trong các ngày thi. Nhiều thầy cô thuộc lòng hoàn cảnh, lý lịch của HS...

Các lực lượng xã hội cùng chung tay hỗ trợ thí sinh tại điểm thi. Ảnh: Trường Giang

Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên bữa sáng thường không đều, nhiều HS không có thói quen ăn sáng. Thương các em đến trường thi mà bụng đói, Đoàn thanh niên xã Yên Châu đã phối hợp với Đội cảnh sát giao thông đóng trên địa bàn chuẩn bị các suất ăn mỗi sáng cho các em trong suốt mấy ngày thi. Mỗi HS được phát một hộp xôi có ruốc, 1 chai nước, 1 hộp sữa và khăn lạnh.

Tình người ở điểm thi Phiêng Khoài khiến mỗi cán bộ, giảng viên ĐH đến từ nơi xa cảm thấy ấm lòng.

Thanh Tuấn (ghi)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/diu-mat-tinh-nguoi-o-diem-thi-vung-bien-dac-biet-kho-khan-4015232-v.html