Đìu hiu tuyến buýt đường thủy trên sông Sài Gòn

Sau 10 tháng đi vào hoạt động, tuyến buýt đường sông mà TP.HCM đang triển khai cho thấy, việc phục vụ đúng nhu cầu sinh hoạt, học tập, làm việc vẫn rất khó khăn, vì số lượng người sử dụng buýt đường sông vào mục đích du dịch, trải nghiệm, khám phá là chủ yếu.

Buýt đường sông, một loại hình vận tải công cộng mới xuất hiện ở TP.HCM

Chưa thật sự hiệu quả

Một ngày cuối tuần của tháng 8/2018, chúng tôi có mặt tại bến Bạch Đằng (quận 1), điểm đầu trên sông Sài Gòn để bắt đầu “trải nghiệm” tuyến buýt đường sông đầu tiên này. Khác với những hình ảnh ngày khai trương vào tháng 11/2017, lúc này vào khoảng 16 giờ 30 phút chiều, bến đón khách khá vắng; cả chúng tôi, khách chờ tàu và nhân viên bán vé, bảo vệ chừng hơn chục người. Cô nhân viên bán vé khá nhiệt tình hướng dẫn giờ tàu chạy cho khách, ghi nhận họ tên và số điện thoại khách hàng khá bài bản. Sau khi hoàn tất thủ tục mua vé, chúng tôi lên tàu du ngoạn.

Ngồi ở hàng ghế đầu trong khoang tàu, chúng tôi bắt chuyện với hai mẹ con hành khách lần đầu tiên đi buýt sông. Chị Nguyễn Thị Hải, giáo viên dạy ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho hay, tranh thủ chưa đến ngày khai trường năm học mới 2018 - 2019 nên chở con trai vào trung tâm TP đi du lịch buýt sông, trải nghiệm một loại hình du lịch miền sông nước. Chị Hải tâm sự: “Thấy phương tiện đường thủy này cũng thoáng, trên tàu rộng rãi và không chen chúc hay kẹt xe như đi đường bộ. Nhưng buýt sông hơi ít người đi nên khả năng giảm tải cho giao thông đường bộ chắc là chưa nhiều. Nhưng để du lịch thì thấy cũng hay hay, ngắm được TP từ dòng sông rộng”.

Do đây là tuyến buýt sông đầu tiên trên cả nước nên trong mùa hè này, người dân khắp nơi đổ về với sự háo hức, muốn thăm thú cảnh quan ven sông Sài Gòn, muốn đi một lần cho biết. Rất nhiều người từ những tình, thành khác đến mua vé rất sớm dù không có nhu cầu đi lại vào những khung giờ cố định khiến những hành khách có nhu cầu đi lại thực sự khó khăn trong việc mua vé đúng với nhu cầu sử dụng. Anh Lương Trí Thế (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) gần đây được bạn bè rỉ tai rằng ở TP.HCM có buýt đường sông vô cùng hấp dẫn. Ngày Chủ nhật, anh Thế dẫn con gái đến mua vé rất sớm để trải nghiệm buýt sông. “Dù chờ đợi để mua vé rất lâu nhưng đã đi xa 30km đến đây rồi thì cha con tôi phải nhất định đi cho bằng được, vì lâu lâu mới đi” - anh Thế nói.

Buýt đường sông chủ yếu phục vụ lượng hành khách đi tham quan, trải nghiệm, khám phá

Còn nhiều bất cập

Tuyến buýt đường sông trên sông Sài Gòn, do Công ty TNHH Thường Nhật làm chủ đầu tư. Tuyến buýt sông số 1 với điểm đầu là bến Bạch Đằng (quận 1), điểm cuối là bến Linh Đông (quận Thủ Đức), với chiều dài hơn 10km. Giá vé chặng đi qua 5 trạm là 15.000 đồng/lượt, khứ hồi hết 30.000 đồng. So sánh với thời gian di chuyển với buýt thường từ quận 1 đi quận Thủ Đức, dù cùng quãng đường di chuyển, nhưng đi buýt thường thời gian chỉ mất 25 phút, mặc dù trên đường đi, xe buýt dừng đón - trả khách ở gần 10 trạm và nhiều lần dừng đèn đỏ, trong khi tuyến buýt đường sông di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối hết gần một tiếng đồng hồ. Tổng thời gian đi lại thông qua buýt đường sông nhiều hơn 4 lần so với đường bộ cho một quãng đường 10km nên chỉ thích hợp với những hành khách không bị áp lực về thời gian, muốn đi tham quan, ngắm cảnh. Và như vậy, chỉ tính riêng về mặt thời gian, người dân ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh đi làm hàng ngày thì đi xe máy hoặc xe buýt, chứ không chuyển qua sử dụng buýt đường sông.

Không chỉ thế, nếu xét về hiệu quả kinh tế, việc di chuyển một chuyến cả đi lẫn về bằng buýt sông trong một ngày sẽ tốn của hành khách 30.000 đồng, trong một tháng sẽ “tiêu” hết 900.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi xe buýt, người dân chỉ mất từ 112.500 - 135.000 đồng/một tập 30 vé. Thống kê phía chủ đầu tư dự án, cho biết 70% hành khách sử dụng buýt đường sông là người dân TP.HCM muốn đi thử, 13% là khách du lịch nước ngoài, còn lại là khách vãng lai.

Sau lần khai trương tuyến vào cuối năm ngoái, đến nay các bến tàu vẫn vắng bóng hành khách. Khi hành khách đến trạm mua vé, ngoài quầy bán vé, vài băng ghế dài cho khách ngồi chờ thì nhà trạm không cung cấp thêm dịch vụ gì cho khách chờ tàu. Theo đó, các bến tàu không phục vụ các loại nước uống, đồ ăn. Trên tàu hầu như thiếu sọt rác, hành khách buộc phải treo rác trên những cửa kính, nhìn mất vệ sinh và thiếu mỹ quan…

Mặt khác, hiện nay tuyến buýt số 1 này chỉ mới dừng đón và trả khách được 5 điểm (dự kiến là 11 điểm), gồm: bến Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông nên sẽ bất tiện cho hành khách, vì muốn di chuyển ra đến bến sông bắt buộc phải sử dụng thêm các phương tiện khác. Đồng thời, thời gian giãn cách các chuyến trước với sau là quá dài (trung bình gần 2 giờ đồng hồ/chuyến), người đi tàu phải chờ lâu, có việc cần giải quyết thì sẽ bê trễ... Hiện tại, với số lượng vé bán ra một ngày hơn 1.000 vé và đang duy trì từ 16 đến 24 tuyến trong ngày, buýt đường sông vẫn chủ yếu phục vụ lượng hành khách đi tham quan, trải nghiệm hơn là sử dụng cho mục đích đi lại, sinh hoạt hàng ngày.

Việc phát triển các tuyến buýt đường sông được ngành chức năng TP.HCM đặt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông đường bộ, phát huy lợi thế hơn 1000km đường sông, được đánh giá có tiềm năng khai thác rất lớn. Trước mắt, về mảng du lịch, buýt đường sông đạt được những thành công nhất định, khi mở ra hình thức du ngoạn, thư giãn, trải nghiệm trên sông nước, ngắm cảnh quan TP.HCM, nhất là với du khách ngoại quốc. Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, việc sử dụng buýt sông làm phương tiện vận tải công cộng, giảm ùn tắc giao thông trên bộ vẫn cần nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực tế, bởi gần một năm qua người dân TP vẫn không sử dụng loại hình này để đi làm hàng ngày.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/diu-hiu-tuyen-buyt-duong-thuy-tren-song-sai-gon-1258166.html