Disney hết thu lợi từ chuột Mickey
Sau khi trở thành tài sản công, phiên bản đầu tiên của Mickey Mouse (1928) có thể duy trì sức sống thông qua các sản phẩm sáng tạo của cộng đồng.
Ngày 1/1, nhân vật hoạt hình huyền thoại Mickey Mouse chính thức thuộc phạm vi công cộng sau thời gian dài nằm dưới quyền kiểm soát của công ty Walt Disney. Theo đó, chú chuột biểu tượng sẽ mất bản quyền tại Mỹ và một số quốc gia khác.
Phạm vi công cộng (public domain) là trạng thái của thông tin hay tác phẩm sáng tạo khi không còn bị bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ. Các thông tin hay tác phẩm sáng tạo này được coi như một phần của văn hóa và di sản tri thức chung, bất cứ ai cũng có thể sử dụng và thu lợi.
Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với công chúng, theo The Verge.
Sự kiện đáng mong chờ
Sau gần một thế kỷ từ khi ra đời, Mickey Mouse chính thức không còn thuộc quyền sở hữu của Disney.
Tuy nhiên, không phải mọi phiên bản chuột Mickey đều thành tài sản công, mà chỉ áp dụng cho phiên bản đầu tiên của nhân vật hoạt hình này trong phim Steamboat Willie (1928) và phiên bản kịch câm trong Plane Crazy (1928).
Dù vậy, đây là sự kiện mà nhiều công dân Mỹ mong đợi trong nhiều thập kỷ, trở thành dấu mốc đáng nhớ đối với lĩnh vực truyền thông, giải trí của quốc gia này.
Phiên bản đầu tiên của chuột Minnie (Minnie Mouse) cũng lọt vào danh sách trở thành tài sản công.
Bên cạnh chuột Mickey, Trung tâm Nghiên cứu Tài sản công của Trường Luật Duke (Mỹ) công bố một danh sách bao gồm các tác phẩm đã hết hiệu lực bảo vệ bản quyền, bao gồm các sản phẩm nghệ thuật từ năm 1923, như tiểu thuyết Lady Chatterley’s Lover của D.H. Lawrence, vở kịch Peter Pan của J.M. Barrie, sách thiếu nhi House at Pooh Corner của A. A. Milne...
Sống mãi với thời gian
Luật bản quyền xung quanh Mickey Mouse, một nhân vật hoạt hình vẫn liên tiếp xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác, tương đối phức tạp.
Phiên bản được công nhận là tài sản công không bao gồm những thay đổi quan trọng về tạo hình chú chuột sau này, điển hình là phiên bản "phù thủy tập sự" Mickey trong phim Fantasia (1940).
“Ngoài ra, bạn không thể tạo ra một sản phẩm về Mickey Mouse, rồi gán nhãn nó là một tác phẩm hay hàng hóa bán lẻ chính thức của Disney, do Mickey Mouse là nhãn hiệu (trademark) đã đăng ký của công ty này”, Jennifer Jenkins, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài sản công Trường Luật Duke, đưa ra giải thích.
Trở thành tài sản công cộng là đích đến cuối cùng của tất cả tác phẩm nghệ thuật. Đây là một sự thỏa thuận nhằm công nhận lợi ích của việc cho phép nghệ sĩ, nhà sáng tạo kiểm soát thu lợi từ tác phẩm của họ trong thời gian ngắn hạn. Về dài hạn, mọi người có thể tự do xây dựng dựa trên ý tưởng gốc.
Đây cũng là phương pháp duy trì sức sống cho các tác phẩm nghệ thuật, hình tượng nhân vật mang tính huyền thoại. Sau khi thuộc về công chúng, những biểu tượng này tiếp tục đời sống qua các bản sao, biến thể khác nhau.
Chính Disney cũng đã dựa vào điều này để tự do thực hiện các bộ phim hoạt hình chuyển thể từ truyện cổ tích, vốn thuộc về công chúng, như Snow White (Bạch Tuyết) hay Cinderella (Lọ Lem).
Ấy vậy, công ty giải trí Mỹ đã trì hoãn 20 năm trong việc đưa Mickey Mouse trở thành tài sản công tại Mỹ nhờ Luật gia hạn thời hạn bản quyền Sonny Bono 1998. Nhiều người chế nhạo điều luật này bằng cách gọi là “Đạo luật bảo vệ Mickey Mouse”.
Dù sao, sau một thời gian dài, nhân vật hoạt hình huyền thoại này chính thức trở thành tài sản công cộng, là biểu tượng mới của Luật Bảo vệ bản quyền mở rộng, tiếp tục thực hiện những sứ mệnh mới.
Nguồn Znews: https://znews.vn/disney-het-thu-loi-tu-chuot-mickey-post1452518.html