Diplomat: Hải quân Nga là mối đe dọa thực sự với NATO

Tạp chí Diplomat viết, Nga tăng cường sức mạnh của Hải quân trong những năm 2000 và bây giờ là tàu ngầm Nga đặt ra một mối đe dọa thực sự đối với các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo đó, do sự phát triển tích cực của công nghệ và sự ra đời các tàu ngầm hiện đại, đội tàu ngầm Nga đang lấy lại vị trí đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ, và là mối đe dọa thực sự đối với NATO.

Đội tàu ngầm Nga đang lấy lại vị trí đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ và là mối đe dọa thực sự đối với NATO. (Ảnh: RIA)

Đội tàu ngầm Nga đang lấy lại vị trí đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ và là mối đe dọa thực sự đối với NATO. (Ảnh: RIA)

Các tác giả cho rằng, tiềm lực quân sự của Nga đã được cải thiện đáng kể từ năm 1991 nhờ những cải cách trong hiện đại hóa và tài chính, cũng như kết quả của việc chuyển đổi sang vũ khí công nghệ cao. Tất cả những điều này, cùng với nhau đã làm tăng khả năng của tàu ngầm hạt nhân.

“Vào năm 1991, Liên Xô có hơn 200 tàu ngầm trong biên chế, trong đó có khoảng 60 chiếc mang tên lửa đạn đạo hạt nhân. Sau 10 năm, chỉ còn 64 tàu ngầm còn hoạt động, nhưng từ đầu những năm 2000, sự xuống cấp bắt đầu được giải quyết. Đó là do tình hình kinh tế trong nước khởi sắc và ngân sách quốc phòng gia tăng”, Diplomat cho biết.

Những cải tiến có thể nhận thấy rõ trên các tàu ngầm Dự án 955 Borey. Trong khi công việc chế tạo và đưa vào hoạt động con tàu đầu tiên Yuri Dolgoruky mất 16 năm, thì chiếc thứ 4 trong lớp này là “Hoàng tử Vladimir” đã được bàn giao cho hạm đội chỉ sau 6 năm.

Thêm 4 tàu ngầm như vậy hiện đang ở các mức độ xây dựng khác nhau. Ngoài ra, ấn phẩm lưu ý rằng, các tàu ngầm lớp này được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava hiện đại hơn. Đồng thời, trong 7 năm qua, 8 chiếc tàu ngầm diesel-điện của Dự án 636.3 “Varshavyanka” đã được đưa vào hoạt động cùng khoảng thời gian.

Trong khi đó, Dự án 885 “Yasen” tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ thứ tư, đã chứng tỏ bước tiến đáng kể trong lĩnh vực giảm tiếng ồn âm học, hệ thống tích hợp và trang bị vũ khí. Theo dữ liệu của Hải quân Mỹ, con tàu đầu bảng trong lớp này là “Severodvinsk” là tàu ngầm tấn công có khả năng chiến đấu cao nhất mà Nga từng chế tạo.

Đồng thời, tàu ngầm thế hệ thứ 5 cũng đang được phát triển và đưa vào hoạt động tổ hợp “Poseidon”. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, bước phát triển đáng kể nhất là sự ra đời của tên lửa tấn công tầm xa “Kalibr”, lắp đặt trên các tàu ngầm Nga.

Trước đó, vào tháng 1/2021, Tổng giám đốc Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV), ông Boris Obnosov cho biết, đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đối với ngư lôi điện đầu tiên được chế tạo ở Nga thời hậu Xô Viết, theo đó, các mẫu sản xuất hàng loạt đã được đưa vào biên chế cho Hải quân Nga.

“Trong năm 2020, chúng tôi đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đối với ngư lôi điện đầu tiên của Nga. Giờ đây, các mẫu ngư lôi điện mới đầu tiên đã được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga”, ông Obnosov nói.

Ông Obnosov nhấn mạnh rằng thời Liên Xô đã sản xuất những loại ngư lôi như vậy nhưng chúng có đặc tính kỹ chiến thuật kém hơn. “Tàu ngư lôi điện vượt trội đáng kể so với các mẫu của phương Tây về độ ồn, phạm vi hoạt động, độ sâu khi lặn và phạm vi phát hiện mục tiêu bằng hệ thống tự hành”, Tổng giám đốc KTRV giải thích.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/hai-quan-nga-thuc-su-de-doa-nato-277119.html