Dịp đặc biệt để sẻ chia yêu thương

Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay được nghỉ nhiều ngày, nhưng nhiều sinh viên không chọn cách đi chơi, đi du lịch hoặc trở về quê. Họ chọn lựa chọn tình nguyện đăng ký các hoạt động thiện nguyện, về những miền quê xa xôi còn khó khăn để giúp đỡ người dân. Với họ, tuổi trẻ là để sẻ chia và trải nghiệm những yêu thương.

Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay được nghỉ nhiều ngày, nhưng nhiều sinh viên không chọn cách đi chơi, đi du lịch hoặc trở về quê. Họ chọn lựa chọn tình nguyện đăng ký các hoạt động thiện nguyện, về những miền quê xa xôi còn khó khăn để giúp đỡ người dân. Với họ, tuổi trẻ là để sẻ chia và trải nghiệm những yêu thương.

Sinh viên đội mưa, đội nắng đổ bê-tông ở sân trường tiểu học Tu Nương.

Sinh viên đội mưa, đội nắng đổ bê-tông ở sân trường tiểu học Tu Nương.

Vượt hơn 160 km đường rừng núi, chiếc xe khách mon men qua từng đoạn đường dốc giữa rừng Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trong xe, tiếng hát đồng thanh vang của nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng xua tan đi cái mệt mỏi của đường dài. “Vai chen vai hát bài ca tình nguyện, bao anh em cùng nhau chung ý chí. Nguyện khắc ghi lời Người, dù bốn phương xa vời, nơi đâu cần, có thanh niên… ”. Đây là năm thứ 19 các bạn sinh viên của Đội Công tác xã hội trường Đại học sư phạm tổ chức chương trình “Hành hương về nguồn” để đến với những vùng quê khó khăn ở Quảng Nam và TP Đà Nẵng giúp đỡ người dân. Năm nay, làng Tu Nương, xã Trà Tập, Nam Trà My là địa điểm các bạn thực hiện.

Vượt cả trăm cây số, đoàn xe tình nguyện dừng ở địa phận thôn 4, xã Trà Tập. Hơn 50 tình nguyện viên tiếp tục mang vác hàng hóa, xi-măng, sách vở để tiếp tục lội bộ cả cây số đến điểm trường Tu Nương. Nằm trên vách núi chênh vênh, quanh năm mây mù bao phủ. Người dân sống trong những mái nhà sàn, cuộc sống hết sức khó khăn. Bạn Nguyễn Thị Hà, Đội trưởng đội tình nguyện cho hay, trong thời gian 3 ngày 2 đêm, các bạn sẽ tiến hành đổ 70m2 bê-tông sân trường tiểu học Tu Nương, phát quang, dọn dẹp vệ sinh khu vực điểm trường mầm non Tu Nương; vui chơi cùng trẻ nhỏ. Đội còn đặc biệt chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc để giao lưu và tặng nhiều suất quà cho trẻ em nghèo vượt khó, gia đình có người già neo đơn trong chương trình. Ngoài ra, để giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, sinh viên, Đội còn tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Trà Tập để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã có công với đất nước. “Mặc dù thời tiết không ủng hộ, ngày nắng đổ lửa, chiều mưa như trút nước nhưng chúng mình vẫn cố gắng hoàn thành mọi phần việc trong kế hoạch. Chương trình kết thúc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi thành viên của Đội và người dân mảnh đất Tu Nương”, bạn Hà chia sẻ.

Cũng giống như những bạn trẻ ở trên, Nhóm Hand in hand tập hợp sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng đã lựa chọn thôn Tơ Pơơ, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam để làm chương trình tình nguyện dịp lễ. Nhóm cũng lựa chọn điểm trường ở Tơ Pơơ để làm khu vui chơi giải trí, tủ đựng sách, tổ chức văn nghệ và dạy các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho các em nhỏ. Chương trình thực hiện trong 3 ngày, để có kinh phí hoạt động, các bạn sinh viên đã lên kế hoạch từ nhiều tháng trước và gây quỹ hoạt động bằng cách bán kẹo, quyên góp ve chai, bán hoa…

Sinh viên CLB Công nghệ thực phẩm tặng quà cho công nhân môi trường.

Không có điều kiện tổ chức những chuyến đi dài ngày, những hoạt động đông người như những đội, nhóm tình nguyện khác, câu lạc bộ Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa- Đại học Đà Nẵng đã lựa chọn cách chia sẻ gần gũi hơn. Đêm 30-4, các bạn đã tỏa ra nhiều ngả đường để tặng 40 phần quà cho các cô chú lao công, cùng với đó là những người có hoàn cảnh khó khăn và người vô gia cư ở trung tâm TP Đà Nẵng. Bước ra từ 1 câu lạc bộ học thuật nhưng với sự thấu hiểu và chia sẻ trước những khó khăn, vất vả của những người lặng thầm vì thành phố xanh, sạch đẹp. Bạn Thanh Hùng, thành viên câu lạc bộ chia sẻ, những phần quà này tuy nhỏ những đó là cả tấm lòng của chúng em. Chỉ mong sau khi nhận được những phần quà này các cô chú sẽ vơi đi chút mệt nhọc và cảm thấy vui vẻ hơn để tiếp tục công việc. Chúng em rất biết ơn và sẽ chia sẻ trách nhiệm bảo vệ cảnh quan, môi trường sống cùng những công nhân vệ sinh, để công việc của họ bớt gian nan, vất vả hơn và để thành phố của chúng ta sạch đẹp hơn.

Chị Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện nay ở Đại học Đà Nẵng có rất nhiều câu lạc bộ trực thuộc Hội sinh viên của các trường thành viên. Mỗi câu lạc bộ có một mục đích, hoạt động riêng như học tập, tình nguyện, kỹ năng. Dù có bản sắc riêng nhưng đó là nơi tập hợp thanh niên, sinh viên và là môi trường để sinh viên phát triển toàn diện các kỹ năng. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè hay dịp nghỉ lễ, nhiều câu lạc bộ vẫn tranh thủ thời gian này để tổ chức hoạt động tình nguyện, chia sẻ khó khăn với người dân ở mọi nơi.

Bằng cách nào đi chăng nữa, xã hội luôn ghi nhận và trân trọng những hành động thiện nguyện đáng quý. Đây không chỉ là những chuyến đi trải nghiệm của tuổi trẻ mà còn là hành trình của sự yêu thương, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội.

M.VINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_242408_dip-dac-biet-de-se-chia-yeu-thuong.aspx