Định Yên mùa dệt chiếu

Những ngày này, làng nghề dệt chiếu truyền thống xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp (được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia 9-2013) tất bật bước vào mùa dệt chiếu. Cả làng nghề rộn rã hẳn lên bởi âm thanh vang vọng của những khung dệt thô sơ bằng gỗ cho đến chiếc máy dệt chiếu tự động.Chiếu Định Yên nổi tiếng đẹp và bền, giữ được nét riêng, đã tạo ra thương hiệu chiếu Định Yên nổi tiếng hàng trăm năm nay.

Khung dệt chiếu truyền thống thường có hai người: Một người ngồi dệt dập khung dạo và một người chuồi sợi.

Hiện, Định Yên có 620 máy dệt chiếu, 62 máy may bìa chiếu, 2 máy se chỉ, 2 máy lau bóng sản phẩm với 431 hộ dân sinh sống bằng nghề dệt chiếu. Hằng năm, làng nghề sản xuất được khoảng 1,5 triệu chiếc chiếu các loại, với tổng doanh thu khoảng 90 tỷ đồng. Ngoài những hộ dân dệt chiếu truyền thống bằng khung dệt, tại Định Yên đã thành lập được một Hợp tác xã và 3 tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, thu hút hàng chục nghìn lao động nhàn rỗi ở địa phương và những vùng lân cận có việc làm cho thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hoa, ở ấp An Lợi (Định Yên) có thâm niên hơn 40 năm kinh nghiệm làm chiếu cho biết, bà chỉ thích dệt chiếu thủ công. Công việc ấy tưởng chừng như đơn điệu nhưng đã ăn sâu vào máu thịt của bà. Đây cũng là công việc mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình bà đã bao lâu nay. Bà Hoa chia sẻ: "Bình quân mỗi ngày, 2 người dệt được hơn 4 chiếc chiếu. Với giá 25.000 đồng/chiếc, trừ chi phí thu nhập bình quân cũng được 100.000 đồng. Tuy nguồn thu không cao nhưng bù lại bán được số lượng nhiều, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó nên góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Quan trọng hơn, nghề này tạo việc làm lúc nông nhàn, đặc biệt là khơi dậy tiềm năng du lịch miệt vườn của địa phương".

Giờ đây, làng chiếu Định Yên, cảnh người ngồi đan chiếu không còn nhiều, thay vào đó là máy móc công nghệ tiên tiến. Số lượng chiếu làm ra ngày một tăng, sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng so với dệt truyền thống không thua kém là mấy. Nhờ cơ giới hóa nên năng suất dệt chiếu tăng lên đáng kể, trung bình 1 người làm được 10 chiếc chiếu/ngày. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, ấp An Khương (xã Định Yên) cho biết, trước đây dệt chiếu bằng thủ công truyền thống thu nhập thấp, sản xuất số lượng ít, tốn nhiều sức lực nên chị bỏ nghề dệt chiếu làm việc khác. 4 năm qua, chị được hỗ trợ vay vốn mua máy dệt nên ngoài việc đồng áng, thời gian rảnh rỗi là chị dệt chiếu.

Chị Lệ cho biết: Dệt chiếu bằng máy vừa nhanh, vừa cho ra nhiều sản phẩm hơn, buổi tối cũng có thể dệt, rất tiện lợi. Bên cạnh đó, khi có hợp tác xã và tổ hợp tác dệt chiếu, người dân yên tâm hơn do không phải ra chợ bán chiếu lẻ như trước đây, sản phẩm chiếu được giao cho hợp tác xã bán. "Để đầu ra ổn định, người dệt chiếu nơi đây đều tâm huyết trong mọi quá trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm bền đẹp, mẫu mã đa dạng, hình thức bắt mắt" - chị Mỹ Lệ nói.

Còn ông Phan Văn Bé Tư, Chủ nhiệm Hợp tác xã chiếu Thanh Bình cho biết thêm: Trước đây, chiếu Định Yên chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, chiếu Định Yên còn có mặt tại thị trường Cam-pu-chia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất ngày càng phát triển của người dân trong làng nghề.

Hàng trăm năm qua, làng chiếu Định Yên không chỉ để lại giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia quý báu, mà còn giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, để nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất chiếu bằng máy thay vì dệt thủ công, làm mất tính hấp dẫn của sản phẩm, đặt làng nghề trước nguy cơ mai một theo thời gian...

Theo ông Mai Thành Lập, Chủ tịch UBND xã Định Yên: Để bảo tồn làng chiếu Định Yên theo hướng phát triển kinh tế thị trường gắn với xây dựng nông thôn mới, Đồng Tháp đã công nhận 4/4 ấp (thuộc xã Định Yên) là làng nghề dệt chiếu và đầu tư hơn 6 tỉ đồng xây chợ chiếu khang trang (năm 2011).

Các hợp tác xã, tổ sản xuất chiếu ở Định Yên hướng dẫn bà con sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm chiếu Định Yên và đẩy mạnh xuất khẩu với số lượng lớn nên lợi nhuận khá cao. "Để bảo tồn, phát huy giá trị để làng nghề phát triển trong điều kiện mới, Định Yên tập trung xây dựng kế hoạch là khôi phục phiên chợ chiếu ma đêm, gắn với xây dựng tour - tuyến, đưa khách du lịch tham quan làng nghề làm chiếu thủ công nhằm quảng bá thương hiệu chiếu Định Yên; đồng thời điều chỉnh phù hợp hỗ trợ làng nghề phát triển..." - ông Lập chia sẻ.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dinh-yen-mua-det-chieu/