Định vị kinh tế Đà Nẵng 10 năm tới

Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế Đà Nẵng tới năm 2030 là hợp phần quan trọng trong Quy hoạch tổng thể TP tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045 được thực hiện bởi tư vấn Surbana Jourong (Singapore). Theo đó, tại hội thảo kinh tế xã hội vừa được UBND TP Đà Nẵng tổ chức, Surbana Jourong đưa ra bản thiết kế để lấy ý kiến lãnh đạo TP, các chuyên gia nhằm kịp thời xem xét, sửa đổi.

Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế Đà Nẵng tới năm 2030 là hợp phần quan trọng trong Quy hoạch tổng thể TP tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045 được thực hiện bởi tư vấn Surbana Jourong (Singapore). Theo đó, tại hội thảo kinh tế xã hội vừa được UBND TP Đà Nẵng tổ chức, Surbana Jourong đưa ra bản thiết kế để lấy ý kiến lãnh đạo TP, các chuyên gia nhằm kịp thời xem xét, sửa đổi.

Logistics là một trong 4 cụm Đà Nẵng cần tăng cường phát triển để thay đổi cơ cấu kinh tế.

Logistics là một trong 4 cụm Đà Nẵng cần tăng cường phát triển để thay đổi cơ cấu kinh tế.

Đà Nẵng đặt ra yêu cầu với đơn vị tư vấn khi thiết kế chiến lược phát triển kinh tế TP phải xác định mô hình, thể chế, cơ chế vận hành để trở thành một đô thị lớn theo hướng sinh thái, sáng tạo, thông minh, hạ tầng hiện đại, đồng thời là đô thị cảng biển có sức cạnh tranh quốc tế. Từ yêu cầu đó, Surbana Jourong đưa ra tầm nhìn phát triển kinh tế Đà Nẵng dựa trên nền tảng công nghệ thông minh với các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao và du lịch, dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ thông tin, sản phẩm nông nghiệp và hàng hải công nghệ cao. Cụ thể, đại diện Surbana Jourong, ông Sree cho biết, Đà Nẵng cần thay đổi cấu trúc phát triển, đưa dịch vụ công nghệ số và CNTT mở rộng để chiếm tỷ trọng lớn trong dịch vụ tài chính và thương mại; dịch vụ hậu cần cần được phát triển mạnh mẽ hơn với công nghệ thông minh, tích hợp cơ sở vận tải đường bộ, tàu hỏa, sân bay, biến cảng; gia tăng áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp mới. Để gia tăng các lĩnh vực này TP cần chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực tư nhân tham gia.

Surbana Jourong cũng đưa ra 3 kịch bản phát triển Đà Nẵng tới 2045, trong đó nếu tăng trưởng vững chắc 8,7% (GDP hơn 33 tỷ USD), vừa phải 9,9% (GDP hơn 43 tỷ USD), tích cực 11,8% (GDP hơn 65 tỷ USD). Để có kịch bản tăng trưởng tốt nhất theo Surbana Jourong dân số Đà Nẵng phải đạt khoảng 2,4 triệu người vào năm 2045 (theo yêu cầu Nghị quyết 43), còn nếu tăng dân số tự nhiên chỉ đạt khoảng 1,65 triệu người. Như vậy, dân số nhập cư trở nên quan trọng. Ông Sree cho biết, tăng năng suất lao động và di cư là yếu tố quan trọng cho duy trì tăng trưởng bền vững của Đà Nẵng. Từ thực tế này, các ngành để tăng trưởng trong tương lai của Đà Nẵng phải chuyên sâu về công nghệ, lực lượng lao động phải thành thạo về kỹ thuật với năng suất cao hơn, môi trường sống ở Đà Nẵng cần tốt hơn để thu hút một lượng lớn tài năng nước ngoài, lao động, cư dân ưu tú từ các địa phương khác...

Ngoài tăng dân số thì chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng cường dịch vụ cũng là yếu tố giúp kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng tích cực. Surbana Jourong đề xuất 4 cụm có thể nâng cấp thay đổi cơ cấu gồm du lịch, hậu cần, công nghiệp hàng hải, các dịch vụ CNTT và kỹ thuật số. Trong đó, cụm hậu cần tập trung vào kho cảng khô, giao nhận hàng hóa, dịch vụ tài chính, dịch vụ an ninh, giao thông vận tải, cơ sở vật chất sân bay bến cảng. Cụm công nghiệp hàng hải tập trung vào vận chuyển sửa chữa tàu biển, dịch vụ hàng không cảng biển, các dịch vụ hỗ trợ dầu khí. Đặc biệt, trong cụm CNTT Surbana Jourong đề xuất mở rộng lĩnh vực từ phân tích dữ liệu, dịch vụ tài chính, sản xuất CNTT và truyền thông, công nghiệp dịch vụ nhà hàng khách sạn... chứ không đơn thuần chỉ thiết kế phần cứng, phần mềm. Với các cụm phát triển cùng giải pháp phù hợp, Surbana Jourong tin tưởng GDP Đà Nẵng sẽ đạt được 15 tỷ USD vào năm 2030 và 65 tỷ USD vào năm 2045.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là lĩnh vực Surbana Jourong đề xuất cần tập trung phát triển trong thiết kế chiến lược kinh tế Đà Nẵng tới năm 2030.

Góp ý về bản thiết kế chiến lược, chuyên gia Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, 4 lĩnh vực trọng tâm định hình tương lai Đà Nẵng mà đơn vị tư vấn đề xuất cần tập trung nguồn lực phát triển hoàn toàn phù hợp. Tuy vậy, ông Thiên cho rằng, Đà Nẵng phải là một cực phát triển đại diện cho khu vực với các điều kiện khác biệt 2 đầu đất nước chứ không phải là điểm bổ sung cho TPHCM, Hà Nội như tư vấn đề cập. Ngoài ra, chuyên gia Trần Đình Thiên cũng cho rằng, đơn vị tư vấn cần bổ sung giải pháp thu hút nguồn lực trình độ cao về Đà Nẵng; giải pháp quản lý đô thị tiên tiến; giải pháp liên kết giữa các lĩnh vực tạo thành chuỗi giá trị gia tăng. TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trụ cột du lịch cần được định vị rõ hơn trong chiến lược phát triển Đà Nẵng. Trong đó cần lưu ý đến chất lượng du lịch thay vì số lượng, tập trung vào du lịch xanh, mang giá trị truyền thống.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, để thực hiện hiệu quả Nghị Quyết 43 của Bộ Chính trị, bên cạnh việc TP đang phối hợp với các bộ ngành T.Ư nghiên cứu đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, thì TP cũng đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung tới năm 2030, tầm nhìn 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế tới năm 2030. Bản thiết kế này cần xác định tầm nhìn, định hướng, mục tiêu phát triển tổng thể kinh tế của TP khoảng 10 năm tới để tạo động lực cho TP có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, đơn vị tư vấn cần hình thành hệ thống quan điểm cơ bản để TP chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt qua các giai đoạn phát triển.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_207418_dinh-vi-kinh-te-da-nang-10-nam-toi.aspx