Định vị hạng sang cho nước mắm Việt

Thay đổi hình ảnh và kênh bán hàng đang rạo ra nhiều cơ hội mới cho nước mắm truyền thống của Việt Nam.

Vài năm gần đây, trong danh sách quà biếu tặng của người Việt đã xuất hiện những chai nước mắm truyền thống đẹp mắt, chất lượng làm hài lòng người sành ăn. Việc mua hàng cũng rất dễ dàng, có thể qua các trang thương mại điện tử hoặc mạng xã hội và dù chỉ mua một chai cũng được giao tận nơi. Sau nhiều nỗ lực giữ thị trường của doanh nghiệp, nước mắm truyền thống đã giành lại thị phần đáng kể trong giới trung lưu Việt Nam, bên cạnh đó là tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, việc đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn, độ an toàn và dinh dưỡng, quảng bá... đã làm tăng lòng tin, sự an tâm và tình cảm thân thuộc với nước mắm truyền thống thời gian qua.

Theo bà Ong Thị Kim Ngân, đại diện Nước mắm Thanh Hà (Phú Quốc), thương hiệu nước mắm được xuất khẩu sang châu Âu từ năm 1998, những năm gần đây chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh tại thị trường nội địa, không riêng Thanh Hà mà nhiều thương hiệu khác cũng vậy. “Khoảng 5 năm trước, chúng tôi xuất khẩu chiếm đến 90% sản lượng, đến nay, dù xuất khẩu vẫn tăng nhưng chỉ còn chiếm 60% sản lượng. Tuy vậy, để giữ được đà phát triển này, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải liên kết lại, không thể rời rạc như trước”, bà Ngân nói.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới, với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, nước mắm truyền thống hiện chỉ chiếm 30% thị phần tại Việt Nam. Định vị là sản phẩm cao cấp bằng cách đầu tư mạnh vào chất lượng và bao bì, tận dụng mạng xã hội và thương mại điện tử để bán lẻ hoặc hướng đến xuất khẩu, đây cũng là những cách mà một số thương hiệu nước mắm truyền thống đang làm và gặt hái thành công. Đầu tư mạnh nhất vào hình thức mẫu mã phải kể đến thương hiệu Nước mắm Tĩn (Phan Thiết).

Một tĩn (bình) gốm đẹp với quai xách dây thừng độc đáo đựng nửa lít nước mắm có giá 275.000 đồng. Các loại chai thủy tinh nửa lít cũng được thiết kế rất đẹp và bán giá thấp nhất là 110.000 đồng/chai. Dù đắt gấp nhiều lần các loại nước mắm trong siêu thị nhưng Nước mắm Tĩn vẫn tiêu thụ ổn định trong phân khúc người tiêu dùng trung lưu, đặc biệt là nhóm khách hàng trung niên thu nhập cao từng có tuổi thơ gắn với Nước mắm Tĩn, đặc sản Phan Thiết.

Link Nature Power là doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm thành công tại thị trường Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật. Ông Lê Bá Linh, thành viên sáng lập công ty này, kể chuyện một lần qua Mỹ, được giới thiệu đi thăm một hệ thống gồm 25 siêu thị hàng Việt. Ông ấn tượng vì rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp lớn Việt Nam đều có bán tại các siêu thị này. Khi đi ngang qua gian hàng nước mắm, ông Linh càng bất ngờ khi thấy có một nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc đang bán chạy số 1 trên Amazon cũng được bán tại đây. Ông chủ siêu thị hỏi ông Linh liệu có làm được sản phẩm nước mắm như thế này không và ông trả lời “có”, đó là năm 2008. Đến năm 2010, công ty ông Linh đưa sản phẩm sang Mỹ nhưng bị trả về, do phía Mỹ tuyên bố sản phẩm chưa đạt chất lượng.

Sau khi rút kinh nghiệm, Công ty cũng đã làm ra nước mắm đạt tiêu chuẩn chất lượng, vượt qua các đợt kiểm tra của Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) và được xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, tại đây, sản phẩm của Link Nature Power lại đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng Thái Lan. Đang xuất khẩu tốt, năm 2017 bỗng rộ lên thông tin chất Asen có trong nước mắm, khiến Công ty chuẩn bị ký hợp đồng xuất khẩu 100 container bị ngưng lại.

Ông Linh chia sẻ: “Bất trắc này đã bắt buộc lãnh đạo Công ty phải thay đổi và thương mại điện tử là một giải pháp. May mắn, năm 2018 Bộ Công Thương đã chọn những công ty đã từng xuất khẩu sang Mỹ để Amazon “xem mắt”. Khi mới lên sàn thương mại điện tử Amazon, chúng tôi xếp ở vị trí hơn 1.000, nhưng đến nay chúng tôi đã đứng ở vị trí số 1. Kết quả đó có được là do chúng tôi thuê hẳn một công ty riêng làm marketing, theo dõi và chăm sóc khách hàng. Cuối cùng chúng tôi đã thay đổi cách bán hàng, từ chỗ xưa nay chỉ hướng người tiêu dùng nước mắm là để chấm, hiện truyền thông theo cách nước mắm còn là gia vị, ướp, nấu. Kết quả thật bất ngờ khi người da trắng rất thích”.

Nước mắm truyền thống trăn trở là nước mắm truyền thống Việt Nam có tiếng trên thị trường thế giới nhưng thị phần xuất khẩu lại thuộc về Thái Lan. Ảnh: Thiên Ân

Một điều mà các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trăn trở là nước mắm truyền thống Việt Nam có tiếng trên thị trường thế giới nhưng thị phần xuất khẩu lại thuộc về Thái Lan. Trong khi đó, người Thái không sản xuất được nước mắm truyền thống như Việt Nam mà chỉ mua nước mắm cốt của Việt Nam để về chế biến.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Nước mắm Lê Gia (Thanh Hóa), cho rằng, để sản phẩm chinh phục được người tiêu dùng thế giới, cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường, tiếp đó tìm đến kênh phân phối để kết nối. Sau hơn 10 năm bước vào ngành nước mắm với số vốn ít ỏi và kinh nghiệm thương trường là số không, hiện Lê Gia xuất khẩu nước mắm truyền thống sang các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật với nhiều dòng sản phẩm như nước mắm cho trẻ em, nước mắm hạ thổ, nước mắm chắt từ ruốc muối..

Cẩm Tú

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/dinh-vi-hang-sang-cho-nuoc-mam-viet-3337998/