Đình Trọng phải phẩu thuật lần thứ 2 trong 1 năm

Việc Đình Trọng phải tiếp tục phẩu thuật lần thứ 2 trong 1 năm khiến người hâm mộ lo lắng cho tương lai của anh và đặt câu hỏi, Ban huấn luyện (BHL) có nên 'đốt cháy giai đoạn' để cho cầu thủ ra sân?

Đình Trọng sẽ tiếp tục phục hồi chấn thương hết năm 2020

Đình Trọng sẽ tiếp tục phục hồi chấn thương hết năm 2020

Như chúng ta đã biết, cuối tháng 6/2019, Đình Trọng phẫu thuật chấn thương đứt dây chằng chéo trước ở Singapore. Tháng 3/2020, anh phải quay lại Singapore tái khám. Tháng 8/2020, Đình Trọng mổ lại sụn ở đầu gối…

Như vậy, hơn 1 năm qua, Đình Trọng luôn phải vật lộn với chấn thương. Sau khi gặp chấn thương trong trận đấu với HAGL tại sân Pleiku, Đình Trọng đã được đưa sang Singapore phẫu thuật đầu gối. Nhiều người hy vọng anh sẽ kịp bình phục thi đấu tại SEA Games 2019.

Tuy nhiên, cuối cùng anh không thể tham gia cùng U22 Việt Nam tại SEA Games do chấn thương chưa bình phục hoàn toàn.

Tại VCK U23 châu Á, Đình Trọng tiếp tục được kỳ vọng. Tuy nhiên, đã có những tranh cãi liên quan đến khả năng bình phục của Đình Trọng trong một giải đấu có tính cạnh tranh cao như VCK U23 châu Á. Cuối cùng, Đình Trọng vẫn xuất hiện tại trận đấu cuối cùng của U23 Việt Nam.

Sau VCK U23 châu Á, Đình Trọng tiếp tục quá trình tập hồi phục tại Trung tâm PVF. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế kết luận rằng, đầu gối của anh gặp vấn đề liên quan đến sụn, cần phải phẫu thuật lại.

Đã có những lời khuyên đưa Đình Trọng sang Hàn Quốc phẫu thuật nhưng do những khó khăn về di chuyển do dịch Covid-19, Hà Nội FC quyết định tiến hành phẫu thuật cho Đình Trọng tại TP.HCM.

Sau ca phẫu thuật, Đình Trọng sẽ phải nghỉ thi đấu ít nhất hết năm 2020. Và tương lai để có phong độ tốt ở phía trước còn mơ hồ.

Đang ở đỉnh cao phong độ, Đình Trọng liên tiếp dính chấn thương

Ông Lê Tuệ Đăng - Giám đốc trung tâm Y sinh học thể thao tại Nha Trang và là chuyên gia đang hỗ trợ các phương pháp vật lý trị liệu sau chấn thương cho các cầu thủ cho biết: “Phải phát sinh ra tổn thương mới thì Đình Trọng mới cần tiến hành phẫu thuật lần 2.

Tôi nghĩ rằng trước đó, bác sỹ Singapore đã làm tốt trách nhiệm phẫu thuật cho Đình Trọng cách đây 1 năm về trước, từ việc giải quyết vào dây chằng chéo trước, sụn chêm đến dây chằng chéo sau rồi.

Vấn đề ở đây, vì những lý do khác nhau mà Đình Trọng trở lại sân cỏ sớm hơn lộ trình. Như chúng ta đã biết thì Đình Trọng tiến hành phẫu thuật vào cuối tháng 6/2019.

Đến giữa tháng 1/2020, Đình Trọng thi đấu trở lại: 36 phút trận gặp UAE, 53 phút trận gặp Jordan và 90 phút trận gặp Triều Tiên. Quá trình khi đó mới khoảng 7 tháng. Như thế là có phần vội vàng.

Tất nhiên, kể cả mới phẫu thuật đứt dây chằng 3 tháng hoặc ngay cả đứt dây chằng không phẫu thuật thì người ta vẫn đá được. Nhưng đá được và hậu quả ra sao thì đó mới là vấn đề. Nhưng với cầu thủ chuyên nghiệp, việc quay lại sớm có thể sẽ dẫn đến tái phát chấn thương hơn sau này”.

Bác sỹ Choi Ju Yong của các đội tuyển Việt Nam cũng từng chia sẻ: "Tôi có nhiều thời gian làm việc với các cầu thủ, từ cầu thủ nam đến cầu thủ nữ, từ các đội tuyển trẻ đến đội tuyển quốc gia.

Sau khi làm việc cùng các vận động viên nữ, tôi thấy họ có tâm trạng nóng vội hơn các cầu thủ nam. Các cầu thủ nữ rất mong nhanh chóng được hồi phục để ra sân.

Tôi đã giải thích rõ hơn cho các cầu thủ về từng quá trình phục hồi, lúc nào có thể hoặc chưa thể ra sân. Vấn đề y tế trong thể thao rất quan trọng. Tôi nghĩ dù nam hay nữ cũng nên được quan tâm và được điều trị kịp thời, như vậy các vận động viên sẽ có phong độ thi đấu tốt nhất".

Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/the-thao/dinh-trong-phai-phau-thuat-lan-thu-2-trong-1-nam-540592.html