Định ra giá với Nga nhưng Ukraine chưa có át chủ bài

Tân Tổng thống Ukraine định dùng luật pháp quốc tế để dọa Nga, ép ngồi vào bàn đám phán, Moscow nói sự thật phũ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã bắt đầu tiết lộ về những bước đi buộc Nga ngồi vào bàn đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Donbass - miền đông đất nước.

Ukraine mang sự việc ở eo biển Kerch để đòi đàm phán với Nga

Ukraine mang sự việc ở eo biển Kerch để đòi đàm phán với Nga

Theo sáng kiến của ông Zelensky, bước đầu tiên cho thấy thiện chí của Nga trong việc muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine là Moscow nên thực hiện theo các yêu cầu của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhằm giải quyết cuộc xung đột trên eo biển Kerch hồi tháng 11/2018.

Ông Zelensky nhận định rằng: "Việc Nga tuân thủ phán quyết của ITLOS có thể là tín hiệu đầu tiên từ ban lãnh đạo Nga thực sự sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột ở Donbass - miền Đông Ukraine. Do đó, Nga có thể tiến tới khai thông bế tắc trong thương lượng với Ukraine... Hãy xem con đường Điện Kremlin sẽ lựa chọn".

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Olena Zerkal tham dự phiên điều trần của Tòa ITLOS hôm 25/5 vừa qua, nhận định rằng, các yêu cầu của ITLOS là “dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga không thể vi phạm luật quốc tế mà không bị trừng phạt”. Bà Zerkal hy vọng Nga sẽ nhanh chóng thực hiện phán quyết này.

Tuy nhiên, Moscow đã cho thấy bài mặc cả của ông Zelensky không có hiệu quả.

Bộ Ngoại giao Nga và Đại sứ quán Nga tại Đức đã có những bình luận liên quan đến phiên tòa của ITLOS hôm 25/5 vừa qua.

Theo văn bản được Đại sứ quán Nga tại Đức gửi tới phiên tòa, được đăng trên trang điện tử chính thức của Tòa án này, xét từ quan điểm của Moscow, tòa không có thẩm quyền xem xét vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng khả năng viện dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 để giải quyết sự việc ở eo biển Kerch đã bị loại trừ.

"Như Nga nhiều lần khẳng định, các tuyên bố của cả Nga và Ukraine, khi ký và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, đã loại trừ khả năng sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước đối với sự cố ngày 25/11/2018 ở eo biển Kerch", Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

Bộ Ngoại giao Nga lần nữa nhấn mạnh hành vi “vô trách nhiệm” của các thủy thủ Ukraine trong sự việc tháng 11 năm ngoái.

Nga đã không cử đại diện tới phiên điều trần của Tòa án ITLOS, nhấn mạnh tòa án này không có thẩm quyền để xem xét vụ kiện nói trên.

“Vụ việc đã có thể không xảy ra nếu luật pháp Nga liên quan đến giao thông đường thủy trong khu vực được tuân thủ. Chúng tôi kêu gọi phía Ukraine sẽ hành động đúng như thế trong tương lai”, bình luận từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Ngày 25/5, ITLOS đã ra yêu cầu Nga thả thủy thủ và tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ ở eo biển Kerch.

Người đứng đầu Tòa án này Paik Jin-Hyun đã nhận định rằng, các thẩm phán đã quyết định rằng Nga phải "lập tức" thả 3 tàu và các thủy thủ của Ukraine, cho phép họ được trở về quê hương.

Đáng chú ý, kết luận cuối cùng của Tòa án không cho rằng cần phải yêu cầu Nga ngừng truy tố hình sự thủy thủ và không khởi xướng vụ án mới.

Quang cảnh phiên tòa.

Tranh chấp về vụ việc này diễn ra từ ngày 25/11/2018, lực lượng tuần duyên Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu chiến của hải quân Ukraine cố tình tìm cách vượt qua eo biển Kerch để vào biển Azov. Moscow cáo buộc các tàu Ukraine di chuyển nguy hiểm và bất chấp lệnh dừng lại của giới chức Nga.

Toàn bộ 24 thủy thủ đoàn của 3 tàu chiến đều mang quốc tịch Ukraine và bị phía Nga truy tố tội xâm phạm lãnh hải trái phép. Nếu bị kết tội, các thủy thủ này có thể đối mặt với mức án 6 năm tù giam.

Ukraine phủ nhận việc các tàu nước mình xâm phạm biên giới Nga. Tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko gọi vụ bắt giữ tàu và thủy thủ Ukraine là hành động gây hấn và yêu cầu thả họ ngay lập tức.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp trả rằng vụ việc là sự khiêu khích có chủ ý do chính quyền Ukraine dàn dựng.

Moscow cho rằng Ukraine đã cố tình tiến hành vụ đụng độ nhằm kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức quân sự phương Tây vào biển Azov. Đặc biệt, sau vụ đụng độ này, ông Poroshenko đã lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu Quốc hội áp đặt thiết quân luật trong vòng 60 ngày. Sự gấp rút này của ông Poroshenko vào thời điểm đó được cho rằng, nhằm đưa đất nước vào tình trạng chiến tranh, không thể tiến hành bầu cử và nghiễm nhiên tiếp tục trở thành Tổng thống.

Tuy nhiên, không có cuộc tấn công quân sự nào của Nga vào các vùng lãnh thổ của Ukraine sau đó, khiến ý đồ của ông Poroshenko bị phá sản.

Việc đặt tầm quan trọng của sự việc ở eo biển Kerch lên mức chiến thuật nhằm ép Nga ngồi lại bàn đàm phán về giải quyết khủng hoảng ở Donbass cho thấy quan điểm không có gì khác biệt giữa ông Zelensky và cựu Tổng thống Petro Poroshenko trong quan hệ với Nga.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dinh-ra-gia-voi-nga-nhung-ukraine-chua-co-at-chu-bai-3380754/