Đình nơi lưu giữ nếp làng

Cái cảm giác nhớ thương nó dội về nhiều nhất trong tôi đó là ký ức về chiều 30 Tết sân đình được quét dọn sạch sẽ. Bên trong đình các đồ thờ tự được lau chùi sáng bóng. Cột đình ở phía ngoài được dán những đôi câu đối hồng điều. Tiếng trống nổi lên, các cụ trong làng lần lượt ra đình để làm lễ tất niên.

Đêm 30, trong đình đèn nến được thắp sáng. Giao thừa, tiếng chuông chùa đã ngân vang, tiếng trống đình đã gióng từng hồi. Tiếng pháo bắt đầu nổ hết đợt này tiếp đến đợt khác. Các cụ lần lượt làm lễ. Sau khi cúng lễ, tính số người có mặt mà sắp xếp thành mâm và chia thành phần.

Cỗ có xôi gà, oản quả, bánh, mứt. Cỗ bàn do nhà đăng cai đảm nhiệm. Cỗ sắp đặt 4 người một mâm. Phần ăn không hết được gói mang về gọi là thừa lộc Thánh. Các cụ ngồi chuyện trò, ăn uống khoảng 4, 5 tiếng mới xong để còn kịp về nhà xông đất, tới nhà còn chưa trông rõ mặt người. Tiếp đến mồng 2 và mồng 3 ở đình vẫn làm lễ, sớm từ 3 giờ đến 5 giờ sáng mới xong. Con trai tuổi từ 18 trở lên có thể được ra đình dự, cỗ bàn cũng làm như ngày hôm trước.

Trong 3 ngày Tết mọi người trong làng mang ra đình vàng hương, trầu rượu, xôi gà, oản quả để lễ thánh rồi để lại biếu ông từ một ít. Khi lễ bái thường có bánh pháo mang theo để đốt, tiếng pháo nổ ran, xác pháo đỏ rực như hoa đào. Trong mấy ngày Tết, xác pháo ở thềm đình ngập kín cả bàn chân.

Qua ngày Tết đến mồng 7 tháng Giêng là ngày khai hạ. Ngày mồng 7 là ngày nhập tịch các cờ quạt y môn và diềm màn đều được treo lên, bài vị được phong áo.

Các lễ hội, cúng tế đầu xuân được tổ chức tại đình làng.

Các lễ hội, cúng tế đầu xuân được tổ chức tại đình làng.

Ngày 13 tháng giêng tính sổ, các cụ trong làng họp nhau tại đình để công bố việc chi thu hàng năm và số tiền còn lại trong quỹ. Hoặc những thiếu sót gì trong năm qua và công việc gì cần phải làm trong năm tới. Chưa biết thiếu đủ ra sao? Ngày 18 tháng giêng làm lễ Thượng nguyên ở chùa. Trong chùa tụng kinh từ sáng đến tối. Ở nhà mẫu thờ các cô, các cậu thì tối đến lên đồng đến tận đêm khuya. Nhà chùa có mời các cụ trong làng và giai đinh từ 18 tuổi trở lên ra chùa dự.

Nhà chùa làm cỗ chay, nhiều món ăn trông tưởng như giò, như chả, những món nấu tưởng như có thịt có cá nhưng chỉ là đỗ xanh, lạc, vừng…, các món chè xôi, oản quả, ăn cũng ngon lành, lạ miệng. Ngày 12 tháng 2 ở đình làm lễ. Lễ vật là mâm xôi, con gà. Ngày 3 tháng 3 việc làng lễ vật là mâm xôi, cái thủ, ai ra dự ăn xong đều có phần mang về.

Ngày 1 tháng 4 làm lễ kỳ yên còn gọi là lễ vào Hè hay là lễ cầu mát để cúng quan ôn và chúng sinh. Lễ vật bầy ở sân đình. Trên bàn thờ đặt 7 chiếc mũ giấy, trông tựa như mũ Bình thiên, tượng trưng cho 7 ngôi sao gọi là Thất tinh. Mũ này làm khá cầu kỳ, có trở thêm giấy trang kim hình rồng chầu mặt nguyệt và đính mặt kính xung quanh. Cạnh đó có 5 chiếc mũ đơn giản hơn có 5 màu: xanh, trắng, đỏ, tím, vàng tượng trưng cho 4 phương và nơi trung tâm gọi là ngũ hành. Có 5 lá cờ giấy to bằng chiếc chiếu. Một con voi đen bằng giấy có quản tượng ngồi trên to bằng người thật, làm bằng các loại giấy màu.

Đình làng- biểu tượng văn hóa lâu đời của người Việt.

Một con ngựa bạch kèm thêm một mã phu dắt ngựa đầu chít khăn đội nón, to bằng người ngựa thật. Một thuyền rồng có quan quân ngồi trong, quân ở ngoài giữ mái chèo, bên trong có chiêng trống và súng thần công đầy đủ. Thuyền và người thì trông nhỏ hơn nhiều, mười hình nhân nam áo dài màu, quần trắng, đầu chít khăn, vai đeo chàng mạng, mười hình nhân nữ áo dài màu xanh đỏ, quần đen, chít khăn vành dây, vai đeo chàng mạng, nhỏ hơn người thật đôi chút. 10 con trâu đen và 10 con bò vàng to bằng con chó. Một nong đầy quần áo chúng sinh. Những thân cây chuối cắt thành từng khúc đặt trên bó vàng hoa để thay bát hương. Lễ vật có vàng, hương, hoa quả, oản, chuối, vải, xoài! Thịt lợn để sống nguyên con, mỗi phe góp vào một con. Vài ván xôi, mâm bồng để oản xếp từng chồng 2 mâm đựng bỏng bộp, bánh đa, khoai, cơm nắm, nồi ba mươi cháo. Lòng dồi thái ra từng miếng được bày trên đĩa, món gỏi cá, những con cá mè thật to làm thật sạch, chùi bằng giấy bản, lạng ra từng miếng, ăn kèm với các loại lá như lá sung, lá đinh lăng, lá mơ tam thể chấm với dấm bỗng chưng với đường, gia vị muối ớt hạt tiêu.

Thường mỗi phe làm một lợn, cũng có năm 2 phe chung nhau mổ 1 bò. Khi thầy cúng mở sách ê a đọc từng trang, tay cầm dùi gõ trên chiếc tiu nghe đều đều như tiếng mõ. Tiếp đến là cắt giải 100 đồng tiền chinh, trộn lẫn trong 1 thúng gạo. Lần lượt bốc đồng tiền ở trong thúng gạo đưa đi, đưa lại qua dưới lưỡi dao bầu. Đến khi bốc hết 100 đồng tiền đếm xem bao đồng sấp, đồng ngửa, rồi chọn 2 đồng đặt vào trong đĩa gieo quẻ để xin âm dương và vái vài vái.

Cụ Nguyễn Bá Đạm năm nay đã 99 tuổi

Thầy cúng đứng giữa chiếu, tay trái chống cạnh sườn, tay phải cầm bó đuốc giả như chiếc bút viết lên trên không, dọc ngang quay bốn phía, rồi miệng hô âm binh thần chú. Mọi người kẻ đứng, người ngồi vái liên hồi. Tiếng trống, tiếng thanh la gõ càng to. Bó đuốc hướng về phía trước, thầy hô mấy câu dõng dạc: “Hỡi quân tướng ta ơi! Tiệc đã xong rồi, xem mau mau ngả mũi quay thuyền”. Thế là mọi người đã chuẩn bị quay thuyền ngược về một hướng.

Thầy hô tiếp: “Đông Nam Tào, Tây Bắc Đẩu, quan quân chuẩn bị đội hình tiến bước cho nhanh thẳng đường mà chạy”. Khi thầy ném mạnh bó đuốc ra phía trước, thế là cả đoàn thuyền bè, voi ngựa mũ mảng hình nhân chạy thục mạng ra thẳng phía bờ sông. Tiếng trống, tiếng thanh la thúc giục liên hồi, tiếng hiệu, tiếng tù và thi nhau thổi. Ngựa voi được xếp thành đống châm lửa đốt, ngọn lửa đỏ rực cả góc trời. Tiếng nứa nổ lốp đốp, tàn bay tản mạn rơi khắp mọi nơi. Một lúc lâu ngọn lửa nhỏ dần, những tàn tro ở trên cao cũng từ từ rơi xuống. Xong đó mọi người quay ra dọn dẹp khênh thịt, bưng xôi. Phe nào về giáp ấy. Lúc đó mới bắt đầu chia phần và ăn uống...

Giờ đây tôi ở tuổi ngót Bách Niên, nhưng tất cả những ký ức về đình Quan Nhân vào dịp lễ tết, là những ký ức vẹn nguyên không thể mờ phai cùng năm tháng cuộc đời...

Nguyễn Bá Đạm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/dinh-noi-luu-giu-nep-lang-612865/