Đinh Ngọc Diệp, những bà mẹ không sinh ra điều bất hạnh

'Những bà mẹ không sinh ra điều bất hạnh', tôi cứ ám ảnh câu thơ này trong bài 'Bến cá chiều' của nhà thơ xứ Thanh, Đinh Ngọc Diệp, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Câu thơ buộc tôi phải nghĩ trên nhiều phương diện, bởi nói như nhà thơ xứ Nghệ, Thạch Quỳ: 'Tiếng ngoài lời, thơ ở ngoài thơ'.Tập thơ 'Hành trình chọn' của ĐND, Nxb Hội Nhà văn 2019, chọn lọc của 5 tập'Hành trình'.

Trước hết, là sinh ra những bà mẹ và bà mẹ sinh ra. Sinh ra là phụ nữ, là sinh ra những người có thiên chức làm mẹ. Đó là một thiên chức vĩ đại. Oái oăm thay, cuộc sống luôn có những điều ngược lại. Có thể con gái cũng bất hiếu với đấng sinh thành đấy, không cứ con trai đâu. Và, ở thế hệ kế tiếp, cũng có thể có những đứa con hư, ngoài mong muốn. “Bà mẹ” theo nghĩa hẹp của gia đình là thế. Bà mẹ theo nghĩa rộng, nghĩa bóng là Tổ quốc cũng không khác. Lớp này lớp khác, cha trước con sau cùng ra công thêu dệt mà thành non sông, gấm vóc. Tuy nhiên, cũng không thiếu những đứa con phản trắc, làm đau lòng “người mẹ Tổ quốc”.

Câu thơ “Những bà mẹ không sinh ra điều bất hạnh”, đã giúp tôi, hiểu thêm rằng: tiếp cận với thơ Đinh Ngọc Diệp phải bằng nhiều “lát cắt” khác nhau. Bởi thơ ông, luôn nặng nỗi niềm nhân thế: ...Tôi có những chiều tha thẩn dọc bến sông/ Biển ở gần thôi/ Nhấp nhổm những người chờ mua cá/ Giữa nhập nhoạng càng mong con tàu cuối (...) Những vực xoáy - con thuyền không trở lại/ Người đang yêu sẽ nói câu gì/ Người bỏ lỡ tình yêu sẽ nói câu gì/ Những bà mẹ không sinh ra điều bất hạnh... (Bến cá chiều).

Cho đến nay nhà thơ Đinh Ngọc Diệp đã xuất bản 6 tập thơ, đều có tên chung là “Hành trình” chỉ khác nhau về thứ tự xuất bản: “Hành trình”, “Hành trình 2”... đến “Hành trình 5” và “Hành trình chọn” (năm 2019).

Đinh Ngọc Diệp là người xứ Thanh mà tôi trân quý. Anh sống lặng lẽ, gần như “nhút nhát”, khép nép bên lề cuộc sống, chỉ khi đến với thơ, tắm mình với thơ, Đinh Ngọc Diệp mới trở nên dữ dội như sóng biển Sầm Sơn. Nhiều khi tôi nghĩ, anh giống như rau má xứ Thanh, mọc âm thầm lặng lẽ trên cánh đồng, gò bãi, bỗng một ngày trở thành đặc sản.

Dân dã như vậy, anh muốn hiền lành nhưng cuộc sống thì không. Cuộc sống cứ vỗ vào trái tim Đinh Ngọc Diệp làm trang thơ anh luôn nhức nhối. “Đinh Ngọc Diệp đã bộc lộ rất rõ cái nhạy cảm của mình khi chứng kiến những thay đổi của đời sống” (Phạm Khang: Hành trình qua những lát cắt đời sống). Tôi đồng ý với nhận xét này của nhà thơ Phạm Khang.

Những tứ thơ trong “Vết xước”, “Đám tang”, “Quả trứng thơ”, “Quán gội”, “Bức tranh”, “Đòn gánh tre và con đường tiếp vận”, “Những tấm lưng lấm cát Mỹ Khê”... cho thấy, trái tim Đinh Ngọc Diệp luôn đập nhịp với cuộc sống, bị rung chấn ngay bởi những điều nhỏ nhất: “...Cát Mỹ Khê trắng ngàn đời vẫn trắng/ Giày viễn chinh từng in dấu đến rồi đi/ Rồi trở lại bình yên như khách/ Tấm lưng lăn tròn lấm cát Mỹ Khê (...) Mẹ chẳng ước thời gian quay lại/ Núi đá xa kia chẳng vĩnh viễn trên đời/ Bầy con mẹ trở về góp nên gương cát ấy/ Ôm trọn tấm lưng trần gần gũi xa xôi (Những tấm lưng lấm cát Mỹ Khê). Thế giới đã hội nhập, thay đổi, kẻ thù hôm qua hôm nay đã là bạn cùng nắm tay hòa bình. Để có cái nắm tay ấy, để “tấm lưng trần lấm cát Mỹ Khê” phải đánh đổi bằng một hành trình máu và nước mắt. Thế nhưng, trước cái hiện thực ấy, tiếng vọng của quá vãng, của những “tấm lưng trần gần gũi xa xôi” vẫn không mất đi trong anh. Đó là những tấm lưng “sống trên cát, chết vùi trong cát”, là hình ảnh những người lính “vùi mình trong cát”, mật phục, nghi binh trước giờ nổ súng. Quá khứ luôn có mặt trong hiện tại và nhắc nhở tương lai.

Với Đinh Ngọc Diệp “Máu thời gian/ thành vũng dưới chân tường” (Bức tranh).

Nhà thơ Phạm Khang rất có lý khi nhận xét về thơ Đinh Ngọc Diệp: “Đinh Ngọc Diệp và những lát cắt của đời sống... Tôi nghĩ về một lát cắt phẳng, ở đó đã hội tụ đủ vô vàn ý niệm và những định lý, định đề, những va đập không thể cưỡng lại được của đời sống và sự nhầm lẫn, ngộ nhận của con người. Thơ anh không tránh khỏi sự mâu thuẫn bắt buộc này qua sự vật vã đau đớn”.

“Sự vật vã, đau đớn” theo cách nói của Phạm Khang, dễ nhìn ra qua các “hành trình” gần đây như “Hành trình 4”, “Hành trình 5”, “Hành trình chọn”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo năm 2017 khi nhận được tập “Hành trình 4” không giấu được vui mừng khi nhận xét về Đinh Ngọc Diệp: “Thơ anh có nhiều thi ảnh lạ và cấu tứ chặt, gây bất ngờ cho người đọc. Không rậm lời. Tình nén lạnh. Và cái nhìn cuộc sống nhọn và sắc. Nhưng đôi khi những chi tiết bất ngờ lại gây nhiều xúc động”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc còn sống nổi tiếng về sự tinh tế khi thẩm thơ và phát hiện cái mới trong trùng trùng thơ phú. Nhận xét của ông hoàn toàn thuộc về phạm trù trách nhiệm của thi sỹ đàn anh trước những người làm thơ lớp sau. Ông không ngần ngại gọi Đinh Ngọc Diệp là nhà thơ của đá và biển.

Ngoài thế sự, thân phận, cũng như bao nhà thơ khác, Đinh Ngọc Diệp cũng có mảng thơ tình. Nếu như mảng thơ thế sự của anh người ra dễ gặp những hình ảnh nghệ thuật sắc lạnh, găm ngọt ngào vào trái tim người đọc thì mảng thơ tình Đinh Ngọc Diệp, dù là tình yêu quê hương đất nước hay tình yêu lứa đôi dễ gặp những thi ảnh đẹp: “Bông hoa cuối của mùa thu sót lại/ Ai hái vào nơi cửa sổ phòng anh?” (Hoa cúc vàng mùa thu).

Là người "nhút nhát", ngay cả trong tình yêu nên Đinh Ngọc Diệp ngoài đời cũng như thơ là người thiệt thòi. Ngoài 30 tuổi anh vẫn chưa dám ngỏ lời yêu ai, sợ người ta khổ vì mình. Thánh thiện đến thế. Anh chỉ nhận được “bông cúc cuối mùa” khi mà “sương muối” đã về, người ta đã xúng xính với loài hoa khác? “Đường xa, đường xa em đi một mình/ Chỉ để lại bông cúc vàng lặng lẽ/ Anh đi suốt một thời tuổi trẻ/ Hoa cúc vàng nào dễ gặp đâu em”... (Hoa cúc vàng mùa thu). Rõ ràng là chờ đợi, chung thủy với “bông cúc vàng”, các loài hoa khác dẫu đẹp, đúng mùa vẫn“không quen”. Tâm tưởng chỉ nhớ về “chấm vàng”: em là “bông cúc vàng” và anh cũng chỉ chờ như thế, với hy vọng mãnh liệt “một chấm” thôi thì cũng từ hai phía.

Thời gian không chờ đợi, dẫu “Ngày trở lại khiến lòng ai se thắt/ Em với anh tần ngần bên khóm cúc/ Mà bông hoa muộn màng duy nhất đã qua lâu”. Quy luật trời đất là như thế. Đời hoa có hạn, vẻ đẹp xuân thì có thời. Nhưng vẻ đẹp của hồn hoa thì bất biến. Khi họ gặp nhau: “Bông cúc bỗng hiện về đột ngột/ Hương hoa xưa giây phút tỏa thơm đầy” (Hoa cúc vàng mùa thu).

Buồn thế là cùng. Thủy chung thế là cùng. Trái tim nhà thơ luôn “để ngỏ”, dẫu nghiệt ngã, khắc nghiệt, không công bằng với anh như khi nhớ đến mùa thu ấy, bông cúc vàng ấy, “thu ấy cứ đầy lên”. Người ta bảo sẽ có mối tình thứ nhất, thứ hai, thậm chí thứ n. Nhưng tôi tin, trong trái tim thi sỹ Đinh Ngọc Diệp chỉ có một tình yêu DUY NHẤT với “bông cúc vàng” cuối mùa thu. Thơ tình Đinh Ngọc Diệp tự sự, nhạc điệu buồn.

Quán xuyến, “xâu lõi” thơ Đinh Ngọc Diệp là sự “tìm” đến tận cùng. “Vạn niên thanh máu của tổ tiên chạy rần rần trong bọc nước/ ta nhìn cây với con mắt bão hòa ánh sáng/ không thấy gì trong đêm/ lại nhìn ban ngày với con mắt bão hòa bóng tối/ không thấy có ai đang chăm chút cho mình” (Gọi nguồn). Đinh Ngọc Diệp muốn đi đến tận cùng, nơi có “nguồn” dù là thế sự hay tình yêu. Ông mắc nợ bản ngã, muốn bộc lộ tận cùng.

Ngô Đức Hành

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dinh-ngoc-diep-nhung-ba-me-khong-sinh-ra-dieu-bat-hanh-77399