Định mệnh phù Chúa mở cõi của Đào Duy Từ

Đào Duy Từ (1572–1634) là danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chỉ tám năm phù Chúa, ông đã xây dựng địa thế quân sự và một quân đội hùng mạnh.

Tranh vẽ chân dung Đào Duy Từ.

Tranh vẽ chân dung Đào Duy Từ.

Cuộc đời của Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ vất vả từ khi ông bắt đầu lập thân. Và câu chuyện lập thân của ông không chỉ phản ánh tài năng cùng nỗi gian truân trong số mệnh của ông, mà còn phản ánh sự ngu xuẩn, hẹp hòi, cứng nhắc trong suy nghĩ của những người gọi là sỹ phu Đàng Ngoài, có trách nhiệm chọn người tài, thời bấy giờ.

Cái tên Đào Duy Từ, tên của một cậu bé sinh ra ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa, Đại Việt, con một ông Đào Tá Hán, một xướng ca bình thường nào đó, và bà Vũ Kim Chi tần tảo cũng bình thường nào đó, cái tên ấy cũng sẽ rất bình thường như tên cha mẹ cậu…

Nhưng định mệnh mở cõi của Đại Việt lại chọn ông, nên cái tên ấy, hay đúng hơn, cả con người ông lại trở nên phi thường. Ngay từ nhỏ ông đã thông minh phi thường, lầu thông kinh sử, hiểu biết nhiều lãnh vực.

Sử chép rằng, ông đi thi hương ở Thanh Hoa, nhưng quan Hiếu Ty thấy ông con nhà xướng ca, nên chiểu theo quy định của Triều đình vua Lê chúa Trịnh bây giờ, đã gạch tên, không cho thi.

Tranh vẽ cảnh Đào Duy Từ không được triều đình Đàng Ngoài cho dự thi.

Quả như cổ nhân thường nói: ‘’Trời cao thử thách để trao người tài sứ mệnh’’. Ngày nay ngẫm nghĩ, dù biết rằng lịch sử không bao giờ có chữ ‘’nếu’’, nhưng nếu như Đào Duy Từ tiên sinh mà đỗ đạt, ra làm quan cho triều đình vua Lê chúa Trịnh, thì ông sẽ làm gì để nên sự nghiệp của mình, cũng như nên ‘’sự nghiệp mở cõi vĩ đại của dân tộc?’’.

Nên cái sự hẹp hòi của triều đình vua Lê chúa Trịnh lúc bấy giờ, lại là tiền nhân duyên cho một định mệnh lớn lao hơn của Đào Duy Từ..

Đêm ngày nung nấu giúp Chúa Nguyễn.

Sách Đại Nam Thực Lục chép rằng: ‘’Ất Sửu, năm thứ 12 (1625), mùa đông, Đào Duy từ đến theo… Nghe tiếng Chúa yêu dân quý học trò, hào kiệt đều quy phục, quyết chí đi theo, bèn một mình vào Nam. Ở huyện Vũ Xương hơn một tháng, không ai biết cả. Nghe tin khám lý Hoài Nhân Trần Đức Hòa là người có mưu trí, được Chúa tin dùng, bèn vào Hoài Nhân, thác làm người ở chăn trâu cho phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy người biết rộng nghe nhiều, nói với Đức Hòa. Đức Hòa nói chuyện với, thấy không điều gì là không thông suốt, rất quý trọng, đem con gái gả cho. Duy Từ từng ngâm bài ‘’Ngọa Long cương’’ để ví mình /với Khổng Minh/. Đức Hòa thấy thế nói rằng: Đào Duy Từ là Ngọa Long đời nay chăng…’’. (Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007, trang 42)

Đinh Mão, năm thứ 14 (1627), tháng 3, chúa trịnh Tráng dẫn vua Lê đi, mượn tiếng xem xét địa phương, cho quân thủy bộ đều tiến, đánh Đàng Trong. Quân của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thắng trận.

Sử chép: ‘’Trần Đức Hòa nghe tin thắng trận, từ Hoài Nhân đến mừng. Chúa hỏi tình hình trăm họ ở Quảng Nam sướng khổ thế nào? Hòa thưa rằng: Chúa thượng rộng ra ân huệ, hiệu lệnh nghiêm minh, trăm họ ai chẳng an cư lập nghiệp’’. Chúa vui mừng. Đức Hòa ung dung lấy ra bài Ngọa Long cương ngâm từ trong tay áo ra tiến, nói rằng: ‘’Bài này do thày dạy học ở nhà tôi là Đào Duy Từ làm’’. Chúa xem thấy lạ, giục sai đi vời đến gặp.

Sau mấy ngày thì Đức Hòa cùng Duy Từ đến ra mắt. Lúc ấy Chúa mặc áo trắng đứng ở cửa nách chờ. Duy Từ nhìn thấy đứng lại không đi. Chúa tức thì áo mũ chỉnh tề, ra vời vào. Duy Từ rảo bước vào lạy. Cùng nói chuyện. Chúa rất vui lòng nói: ‘’Khanh sao đến muộn thế?’’. Tức thì trao cho chức Nha úy nội tán, tước Lộc Khê Hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính. Chúa từng vời vào trong bàn bạc. Duy Từ bày tỏ hết những điều uẩn súc trong lòng, điều gì biết đều nói cả. Chúa cho Đức Hòa là biết người, bèn trọng thưởng cho…’’ (Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007, trang 43)

Kỷ Tỵ, năm thứ 16 (1629), mùa đông, tháng 10, chúa Trịnh Tráng lại bàn chuyện đem đại binh vào đánh Đàng Trong. Nhưng bầy tôi Nguyễn Danh Thế hiến kế rằng, phong cho Chúa Nguyễn tước Quốc Công, sai khiến ra đánh giặc ở Cao Bằng. Nếu Chúa Nguyễn vâng mệnh mà ra thì ta lấy Đàng trong dễ như trở bản tay, còn nếu chống mệnh thì Đàng Ngoài có cớ mang quân đi đánh.

Sứ giả tới, Chúa Nguyễn bàn định cùng quần thần. Người bảo nhận, người bảo không.

‘’Đào Duy từ thưa rằng: Đây là họ Trịnh mượn sắc mệnh vua Lê để nhử ta., nếu ta nhận sắc mệnh mà không đến thì họ có cớ nói được, nếu ta không nhận sắc mệnh thì họ tất động binh. Việc hiềm khích ngoài biên đã gây thì không phải là phúc cho sinh dân. Huống chi thành quách ta chưa bền vững, quân sỹ chưa luyện tập, địch đến thì lấy gì mà chống? Chi bằng hãy tạm nhận cho họ không ngờ để ta chuyện việc phòng thủ, rồi sau dùng kế trả lại sắc, bấy giờ họ không làm gì được ta nữa.

Chúa khen phải, rồi hậu đãi sứ Trịnh và bảo về’’. (Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007, trang 44).

Tranh vẽ quân dân Đàng Trong đắp lũy.

Đắp lũy Trường Dục (huyện Phong Lộc, Quảng Bình)

Năm Canh Ngọ, năm thứ 17 (1630), mùa Xuân, Đào Duy Từ khuyên Chúa không nên nộp thuế cho họ Trịnh. Chúa tỏ ý lo ngại. Đào Duy Từ nói: ‘’Thần xin hiến một kế, theo kế ấy thì không phải nộp thuế, mà giữ được đất đai và có thể dựng nên nghiệp lớn’’.

Chúa hỏi kế gì. Duy Từ thưa rằng: ‘’Muốn mưu đồ sự nghiệp vương bá, cần phải có kế vạn toàn… Thần xin hiến bản vẽ, đem quân dân hai trấn đắp một cái lũy dài, trên từ chân núi Trường Dục, dưới đến bãi cát Hạc Hải, nhân thế đất mà đặt chỗ hiểm để vững biên phòng. Quân địch có đến cũng không làm gì được’’. Chúa theo kế ấy, bèn huy động đông quân dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng thì xong.

Chúa lại hỏi Duy Từ về kế trả lại sắc. Duy Từ thưa rằng: ‘’Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc vào trong, ngoài sắm đủ vàng bạc lễ vật, lấy tướng thần lại là Văn Khuông làm sứ đi tạ ơn. Thần xin nghĩ hơn mười câu vấn đáp để trao cho mang đi, tùy cơ ứng đối. Đem /mâm ấy/ tiến cho chúa Trịnh, rồi thừa cơ mà ra về. Làm thế thì họ Trịnh mắc kế của ta vậy’’.(Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007, trang 45).

Mọi việc sau đó quả diễn ra như ý ông dự liệu. Khi chúa trịnh mắc mưu, và Văn Khuông an toàn về Đàng Trong, Chúa đã mừng rỡ nói rằng: ‘’Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay’’.

Đắp lũy Nhật Lệ (Đầu Mâu hay trường thành Quảng Bình ngày nay)

Mùa thu tháng 9 năm 1630, Đào Duy Từ khuyên chúa đánh lấy nam Sông Gianh, tạo nên một địa thế chiến lược.

Di tích lũy Nhật Lệ, hay Đâu Mâu, hay trường thành Quảng Bình còn tới ngày nay.

Tân Mùi, năm thứ 18 (1631). Chúa sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi xem xét hình thế sông núi vùng sông Gianh. Sử chép: ‘’Khi về Duy Từ nói với Chúa rằng: ‘’Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ tới Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh; trong thì đắp lũy /như/ Trường Dục’’…

Di tích lũy Nhật Lệ còn tới ngày nay. Lũy được mệnh danh là Lũy không thể công phá.

Mùa thu, tháng 8 lũy Nhật Lệ đắp xong. Lũy cao 1 trượng 5 thước, ngoài đóng gỗ lim, trog đắp đất, làm năm bực, voi ngựa đi được, dựa núi men khe, dài hơn 3.000 trượng, mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Mấy tháng đắp xong lũy, thành một nơi ngăn chặn chia hẳn hai miền Nam Bắc. Lại đặt xích sắt chắn ngang các cửa biển Nhật Lệ (Đồng Hới ngày nay) và Minh Linh (cửa Tùng ngày nay).(Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007, trang 47-48).

Tiến cử người tài

Chúa cùng Đào Duy Từ đêm ngày mưu tính chống họ Trịnh, giữ bờ cõi. Duy Từ đêm ngày mong được người tài tiến dẫn giúp Chúa. Sử chép rằng: ‘’Một hôm Duy từ nằm mộng thấy một con hùm đen từ phương Nam vào, liền thúc quân vây bắt, bỗng hùm mọc đôi cánh, nhảy lên không bay múa. Tỉnh dậy, Duy Từ ăn mặc chỉnh tề, ngồi chờ. Chợt có người xã Vân Trai huyện Ngọc Sơn xứ Thanh Hoa là Nguyễn Hữu Tiến từ ngoài đến, mặc áo đen, cầm quạt lông, bái yết dưới thềm.

Duy Từ thấy dáng vẻ không phải người thường, hỏi thì xưng họ tên. Hỏi tuổi thì nói sinh năm Nhâm Dần. Duy Từ nghe mừng thầm, cho là ám hợp với mộng, bèn giữ lại cùng bàn bạc.

Hữu Tiến thông minh, khỏe mạnh, mưu lược. Duy Từ quý trọng lắm, đem con gái gả cho, rồi tiến lên, Chúa cho làm đội trưởng, coi thuyền Địch cần quân Nội thủy’’.(Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007, trang 48). Nguyễn Hữu Tiến, con rể ông, sau này trở thành một danh tướng của Đàng Trong.

Cổng vào đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ ở thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.(đất Tùng Châu xưa).

Ngoài ra, trong suốt 8 năm làm quan, theo giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy từ rất nhiều lần hiến kế cho Chúa trong việc tuyển quân, tổ chức, xây dựng quân đội hùng mạnh, và ra nhiều quyết sách cho người dân Đàng Trong tự do làm ăn buôn bán, phát triển công, nông, thương trong nước, và giao thương, học hỏi kỹ thuật, công nghệ cả với nước ngoài như với người Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha…

Đào Duy Từ cũng giúp Chúa trong việc xây dựng luật, định thuế khóa, làm sổ hộ tịch cũng như thống kê quản lý điền địa... Công lao với nhà Chúa, mà thực ra là công lao đối với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc, thực không bút nào tả hết.

Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ.

Sử chép: ‘’Giáp Tuất, năm thứ 21 (1634), mùa đông, tháng 10, nội tán Đào Duy Từ bệnh nặng, Chúa tới thăm. Duy Từ khóc và nói rằng: ‘’Thần gặp được thánh minh, chưa báo đền được chút đỉnh, nay bệnh ốm đến thế này, còn nói gì nữa’’, rồi chết, năm ấy 63 tuổi.

Chúa thương tiếc không nguôi, tặng là Hiệp mưu đồng đức công thần đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, đưa về táng ở Tùng Châu’’.(Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007, trang 50 -51).

Sau này, vào năm Gia Long thứ 5, Hoàng Đế Gia Long cho tòng tự tại Thái Miếu. Năm Minh Mệnh thứ 12, Hoàng Đế Minh Mệnh phong tước Hoằng Quốc Công, cho sửa sang phần mộ, xứng với công lao của một vị Quốc Công.

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/dinh-menh-phu-chua-mo-coi-cua-dao-duy-tu-3400956/