Đình làng chốn thị thành

Hà Nội đã và đang phát triển để xứng tầm khu vực. Song ẩn trong sự phát triển là những giá trị văn hóa tín ngưỡng mà tổ tiên để lại. Đây là những hồn cốt để tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng của Hà Nội.

Đình Kim Ngân là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa di sản của Thủ đô. Ảnh: Minh Phương

Đình Kim Ngân là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa di sản của Thủ đô. Ảnh: Minh Phương

Những “khoảng nghỉ” quý giá trong đô thị

Khu phố cổ hiện nay vẫn còn lưu giữ danh sách của gần 70 ngôi đình, chiếm một tỷ lệ lớn trong số 112 công trình tôn giáo tín ngưỡng đã từng có tại đây. Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc, các ngôi đình trong khu phố cổ phản ánh yếu tố lịch sử của một khu đô thị có nguồn gốc nông thôn – nông nghiệp. Hà Nội là tập hợp chung của các làng xã. Tên các phố của Hà Nội xưa chính là tên của các làng xã do các gia đình cùng nghề thủ công tạo nên.

Ví dụ, phố Hàng Gai là đa số do các gia đình làm lưới gai đánh cá. Phố Hàng Đồng là đa số các gia đình làm đồng… Và ở mỗi khu phố này, người dân sẽ lập một ngôi đình chung thờ thành hoàng làng hoặc ông tổ nghề. Những ngôi đình làng đã này trở thành một phần không thể thiếu trong không gian của các cộng đồng làng nghề quần tụ với nhau trong suốt nhiều thế kỷ ở Thủ đô.

Chức năng chính của các ngôi đình trong khu phố cổ là thờ thành hoàng – vị thần bảo hộ cho người dân trong khu vực. Có nhiều ngôi đình thờ chính các vị thần được tôn vinh là Thành hoàng của kinh thành Thăng Long như thần sông Tô Lịch, thần rừng Thiết Lâm.., lại có những ngôi đình thờ nhân thần là các vị vua, vị quan hay những người có công cai quản, trị vì đất nước như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, vua Lê Lơi, đại thần Nguyễn Trung Ngạn hay tướng quân Trần Lựu ở đình Thanh Hà…

Ngoài ra, phần lớn các ngôi đình được lập ra để thờ tổ nghề của các làng nghề tứ trấn lên đất kinh thành để lập nghiệp. Đến nay, còn rất nhiều ngôi đình thờ tổ nghề nổi tiếng vẫn còn giữ được như đình Hàng Quạt (thờ tổ nghề quạt), đình Lò rèn (thờ tổ nghề rèn), đình Kim Ngân (thờ tổ nghề vàng bạc), đình Phả Trúc Lâm (thờ tổ nghề da), đình Hoa Lộc Thị (thờ tổ nghề nhuộm vải), đình Hà Vĩ (thờ tổ nghề sơn), đình Tú Thị (thờ tổ nghề thêu), đình Trang Lâu (thờ tổ nghề mộc), đình Hàng Thiếc (thờ tổ nghề thiếc), đình Kiếm Hồ (thờ tổ nghề vôi), đình Hài Tượng (thờ tổ nghề giấy), đình Nhị Khê (thờ tổ nghề tiện)… Các ngôi đình thờ tổ nghề đó đã trở thành ngôi nhà chung, nơi kết nối hội tụ những người cùng họ tộc, cùng quê góp phần tăng thêm tính gắn kết của các mối quan hệ cộng đồng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn – giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, tuy về mặt chức năng thì các ngôi đình trong khu phố cổ vẫn thờ thành hoàng, thờ tổ nghề, là nơi kết nối những giá trị truyền thống của cộng đồng nhưng cũng có thể nhận thấy về mặt vóc dáng qui hoạch kiến trúc cũng như cấu trúc không gian của những ngôi đình này lại có những đặc điểm hết sức khác biệt so với những ngôi đình truyền thống ở các vùng quê Bắc Bộ. Dễ nhận ra về cơ bản các ngôi đình đều không có hồ nước cũng như sân đình rộng rãi trước mặt.

Do đặc điểm của đô thị nên các ngôi đình thường có hình ống đặc trưng, diện tích hạn chế với mặt tiền thường nhỏ hẹp đã làm biến đổi cấu trúc của ngôi đình truyền thống một cách đáng kể. Không những bị thu hẹp về quy mô, giản lược về cấu trúc mà nghệ thuật kiến trúc, trang trí của các ngôi đình làng trong phố cổ cũng không quá đặc sắc ở mức tuyệt tác như nhiều ngôi đình ở miền quê (như đình Bảng, đình Tây Đằng, Chu Quyến). Tuy nhiên, các ngôi đình vẫn giữ được hồn cốt của nghệ thuật chạm khắc dân gian truyền thống.

Không gian gắn kết cộng đồng

Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc cũng như những giá trị hữu hình về mặt vật thể còn có thể thấy được những giá trị phi vật thể quý giá từ những ngôi đình trong khu phố cổ. Đó là giá trị lịch sử của những ngôi đình này đã minh chứng cho sự hình thành và phát triển của một vùng đất Kinh kỳ sầm uất, trên bến dưới thuyền của kinh thành Thăng Long xưa.

Hà Nội vốn là kho sử sống, trong đó mỗi ngôi đình nơi 36 phố phường chính là những pho sử di sản mang đến cho hiện tại, tương lai sự gắn kết cộng đồng. Đặc biệt hơn như nhắc nhở mỗi chúng ta, dù nơi đây, dù mảnh đất này có biến thiên về cấu trúc xã hội, kiến trúc, văn hóa ra sao thì vẫn còn đó những ngồi đình cho ta tưởng nhớ đến công lao trời biển của tiên tổ, của các bậc tiền nhân lập làng, lập phố.

Những ngôi đình thờ tổ nghề còn mang một ý nghĩa văn hóa truyền thống độc đáo khi phản ánh được hầu hết các làng nghề thủ công xưa. Chúng như những gạch nối lịch sử hết sức quan trọng để chúng ta có thể hiểu được mối liên hệ từ quá khứ đến hiện tại, cho chúng ta có một cái nhìn toàn cảnh xuyên suốt chiều dài lịch sử của đô thị ngày hôm nay…

Một tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, chính quyền Thành phố Hà Nội đã quan tâm cải tạo, trùng tu hết sức công phu đình Kim Ngân, đình Quán Đế… Đình Kim Ngân hiện giờ là một “địa chỉ đỏ” về văn hóa – du lịch của Thủ đô khi thường xuyên là nơi tổ chức những hoạt động văn hóa di nghệ thuật như hát chầu văn, triển lãm thư pháp, triển lãm nghệ thuật sắp đặt…

Đình Quán Đế hiện giờ là trung tâm cung cấp thông tin về di sản trong phố cổ. Những ngôi đình này thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu về giá trị văn hóa của Thủ đô. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã từng khuyến cáo bảo tồn di sản văn hóa mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì bảo tồn sẽ không bền vững. Di sản văn hóa không chỉ đem lại nguồn lợi khi phát triển du lịch bền vững, mà còn đưa giá trị văn hóa, hình ảnh, đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dinh-lang-chon-thi-thanh-102581.html