Đinh Lạc (Lâm Đồng): Giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Là một xã có nhiều dân tộc anh em sinh sống - sự đan xen hòa quyện các yếu tố văn hóa này đã tạo cho Đinh Lạc (huyện Di Linh, Lâm Đồng) có một không gian văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng. Bởi vậy, việc giữ gìn và phát huy vốn di sản văn hóa cồng chiêng đang đặt ra cho địa phương những nhiệm vụ quan trọng và bức thiết.

Dưới sự chỉ dạy của nghệ nhân K’Tiếu các thành viên của CLB Cồng chiêng thôn Duệ đã tham gia giao lưu biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng tại các dịp lễ Tết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Dưới sự chỉ dạy của nghệ nhân K’Tiếu các thành viên của CLB Cồng chiêng thôn Duệ đã tham gia giao lưu biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng tại các dịp lễ Tết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ Cồng chiêng của thôn KaoKuil vào một ngày cuối tháng 3. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng K’ Tiếu, những chàng trai, cô gái của câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Duệ trong các bộ đồ dân tộc truyền thống, mỗi người một loại nhạc cụ đưa chúng tôi đắm say vào không gian văn hóa đậm chất của đồng bào Tây Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đinh Lạc Trương Quốc Phương cho biết: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đã chỉ rõ “di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới”. Như vậy việc giữ gìn và phát huy vốn di sản văn hóa cồng chiêng đang đặt ra cho địa phương những nhiệm vụ quan trọng và bức thiết.

Xã Đinh Lạc đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên thông qua việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng với 48 học viên tham dự. Lớp học được chia thành 8 đội cồng chiêng, 4 đội cồng chiêng nữ, 4 đội cồng chiêng nam. Người truyền dạy do chính các nghệ nhân Cồng chiêng của xã đảm nhận.

Để các học viên được thể hiện khả năng của mình, đồng thời được giao lưu học hỏi, xã đã tổ chức các đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng vào năm 2018- 2019, mỗi lần có khoảng 300 nghệ nhân tham dự, với hàng nghìn lượt người ở các nơi về dự. Cùng với đó được sự quan tâm, tạo điều kiện của huyện Di Linh, các thành viên của lớp Cồng chiêng thường xuyên được tham dự các liên hoan văn hóa các dân tộc Tây Nguyên của tỉnh Lâm Đồng, tạo cơ hội giao lưu học hỏi giữa các nghệ nhân, nhất là các nghệ nhân trẻ tuổi có cơ hội trau dồi chuyên môn kỹ năng đánh chiêng, múa xoang; Địa phương xây dựng được đội ngũ nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng có chất lượng, biết thành thạo các bài chiêng để truyền dạy cho học viên.

Những nỗ lực của xã đã góp phần quan trọng xây dựng nên những hạt nhân nòng cốt, hình thành những đội cồng chiêng ở thôn Duệ và thôn KaoKuil. Đặc biệt, địa phương đã thành lập và ra mắt Câu lạc bộ cồng chiêng, đây là cơ sở nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Mục tiêu của địa phương đối với 02 thôn đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là: “Người người biết sử dụng cồng chiêng, nhà nhà lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống này”…

Là người con của đồng bào Tây Nguyên không chỉ biết thành thạo 7 bài chiêng truyền thống của dân tộc Koho Sre Tây Nguyên, nghệ nhân K’Tiếu còn am hiểu về bộ chiêng, nghe và thẩm định chiêng. Ông còn trực tiếp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho các thành viên của câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Duệ, xã Đinh Lạc.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân K’Tiếu không giấu được những xúc động chia sẻ: Là người con của đồng bào Tây Nguyên, từ nhỏ ông đã nghe, thưởng thức và lớn lên cùng với tiếng cồng, chiêng của đồng bào mình. Tình yêu với bộ môn nghệ thuật cồng chiêng trong ông quá lớn, cùng với sự già đi của tuổi tác, nghệ nhân K’Tiếu thấy sự cần thiết phải truyền đam mê của mình cho những thế hệ trẻ, để bản thân các em hiểu và yêu hơn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đồng bào mình, từ đó có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa này.

“Với tôi, chỉ cần thấy các bạn trẻ hào hứng, chịu khó học hỏi là mọi vất vả đều tan biến. Sau khi lớp học kết thúc, các em đã biết đánh các bài chiêng và diễn tấu một số bài chiêng thông dụng. Từ đó, các em không chỉ lưu giữ được nét văn hóa truyền thống mà còn tự tin, tham gia vào các hoạt động văn nghệ thôn xóm, địa phương. Đó chính là thành công lớn nhất của người truyền dạy”.

Nghệ nhân K’Tiếu (thứ 7 từ phải sang) cùng lãnh đạo xã Đinh Lạc chụp ảnh cùng các thành viên câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh.

Theo già làng K’Tiếu: Tiếng chiêng muốn vang phải thế nào, muốn rèn phải ra sao thì người chỉnh chiêng không chỉ nắm vững về kỹ thuật chỉnh mà còn phải làm bằng tình yêu, sự đam mê với chiêng. Bởi chỉ có tình yêu chiêng đắm say mới làm sống dậy được hồn chiêng, tạo nên sự độc đáo, khác biệt trong mỗi dáng hình, giọng điệu của chiêng.

Không chỉ dạy thực hành, nghệ nhân K’Tiếu còn tỉ mỉ giảng giải về cội nguồn và vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng, giúp thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân K’ Tiếu cho biết: Các bộ cồng chiêng tại Tây Nguyên được xem như tài sản vô giá của dân làng. Khi mua về, nó chỉ mới là tài sản chứ chưa phải là nhạc cụ, vì thế rất cần những bàn tay, khối óc của các nghệ nhân chỉnh chiêng. Vai trò của họ không thể thiếu trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, có thể nói rằng không có họ thì không có nghệ thuật cồng chiêng.

Với những nỗ lực của mình nghệ nhân K’Tiếu đã truyền dạy cho 157 học viên đánh thuần thục nhạc cụ cồng chiêng của đồng bào mình. Hiện nay bên cạnh truyền dạy cồng chiêng cho các cháu, bản thân tôi cũng không ngừng luyện tập, mỗi lần có dịp giao lưu cồng chiêng với xã khác, các huyện trong tỉnh nghệ nhân K’ Tiếu đều học thêm được cách đánh hay, các bài khấn ý nghĩa.

Nghệ nhân K’Tiếu vinh dự được Sở Văn hóa tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận nghệ nhân cồng chiêng; bản thân ông cũng dành được nhiều giải thưởng khi tham gia các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng do tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Năm 2019 xã Đinh Lạc đã hoàn tất thủ tục để đề nghị công nhận nghệ nhân K’ Tiếu là nghệ nhân ưu tú.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc Trần Quốc Phương, để thực hiện được việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trong thời gian sắp đến địa phương Đinh Lạc tiếp tục mong nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện để địa phương làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng: Hỗ trợ cơ sở vật chất (kinh phí hoạt động, cồng chiêng, trang phục truyền thống, xây dựng khu bảo tồn...), giao lưu học tập...; Đồng thời địa phương Đinh Lạc cũng xác định tiếp tục chủ động xây dựng các kế hoạch truyền dạy cồng chiêng hàng năm, kế hoạch giao lưu văn hóa cồng chiêng và giao lưu văn hóa các dân tộc trên địa bàn xã Đinh Lạc.../.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dinh-lac-lam-dong-giu-gin-phat-huy-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-582730.html