Định kiến về giới tính khiến 240.000 bé gái ở Ấn Độ tử vong mỗi năm

Một nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, ước tính có khoảng 239.000 bé gái ở độ tuổi dưới 5 ở Ấn Độ tử vong mỗi năm do sự thờ ơ của người lớn, có liên hệ trực tiếp tới vấn đề phân biệt giới tính.

Ảnh minh họa.

Con số trên, tương đương với 2,4 triệu trường hợp tử vong tính trong vòng một thập kỷ qua, không bao gồm các trường hợp tử vong trước khi sinh nở.

"Sự phân biệt giới tính đối với các bé gái không chỉ dừng ở việc người lớn ngăn chặn các bé gái được sinh ra, mà còn bao gồm cả sự vô cảm trước những cái chết của những bé gái đã được sinh ra" - Christopher Guilmoto, đồng tác giả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y học Lancet, cho hay.

"Sự bình đằng về giới không chỉ là về quyền được tiếp cận dịch vụ giáo dục, quyền được tham gia lực lượng lao động hay đại diện chính trị. Nó còn là về sự chăm sóc, quyền được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và dinh dưỡng của các bé gái, và cuối cùng là quyền được sống" - ông Guilmoto nói.

Đây là bản báo cáo đầu tiên về số trường hợp tử vong có thể phòng tránh được của các bé gái dưới 5 tuổi theo cấp độ quận ở Ấn Độ, cho thấy chi tiết về tỷ lệ tử vong ở các bé nữ trên khắp 640 quận của nước này.

Để đưa ra được con số trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu dân số mà LHQ tổng hợp trên 46 quốc gia để tính toán về sự khác biệt giữa tỷ lệ tử vong ở các bé gái dưới 5 tuổi ở 5 khu vực không tồn tại tình trạng phân biệt giới tính trên thế giới , từ đó nghiên cứu về thực trạng ở Ấn Độ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng 29 trên tổng số 35 bang ở Ấn Độ có xảy ra tình trạng tử vong ở các bé gái dưới 5 tuổi. Tỷ lệ tử vong trung bình ở các bé gái có độ tuổi 0-4 ở Ấn Độ trong khoảng năm 2000-2005 là 18,5/1.000, tức tương đương với 250.000 ca tử vong mỗi năm.

Trong tổng số 1.000 trẻ em gái chào đời vào giai đoạn 2000-2005, trung bình có khoảng 19 trẻ bị tước đoạt mạng sống do những tác động từ thành kiến về giới tính. Ước tính, tư tưởng cổ hủ này cướp đi sinh mạng của khoảng gần 1/4 triệu bé gái mỗi năm và tính trong cả một thập kỷ, con số đó lên tới 2,4 triệu sinh mạng.

"Khoảng 22% trong tổng số các trường hợp tử vong ở các bé gái bắt nguồn từ sự phân biệt giới tính" - nghiên cứu của Viện Quốc tế phân tích các Hệ thống ứng dụng (IIASA), có trụ sở tại Áo, nói trong một tuyên bố.

Các nhà nghiên cứu thuộc IIASA còn nhận thấy rằng tình trạng tử vong ở các bé gái do phân biệt giới tính xuất hiện nghiêm trọng nhất ở miền Bắc Ấn Độ, nơi có 4 bang lớn nhất của nước này là Uttar Pradesh, Bihar, Rajasthan và Madhya Pradesh - chiếm tới 2/3 tổng số trường hợp tử vong ở bé gái dưới 5 tuổi.

Nghiên cứu cũng cho thấy các khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng này chính là khu vực nông thôn có tỷ lệ tiếp cận giáo dục thấp, mật độ dân cư và tỷ lệ sinh đẻ cao.

Đồng tác giả bản nghiên cứu mới, bà Nandita Saikia, một nhà nghiên cứu của IIASA, nói rằng con số thống kê trên đã chỉ ra sự cần thiết phải giải quyết vấn nạn phân biệt giới tính một cách triệt để, "khuyến khích sự phát triển xã hội và kinh tế vì lợi ích của phụ nữ Ấn Độ".

Nghiên cứu chỉ ra rằng rất nhiều trường hợp tử vong ở các bé gái dưới 5 tuổi xuất phát từ tâm lý trọng nam khinh nữ, khi mà các bậc cha mẹ ở Ấn Độ mong muốn sinh con trai hơn là con gái.

Nhóm nghiên cứu còn nhấn mạnh thành kiến giới tính, ghẻ lạnh trẻ em gái không đơn thuần tước đi cơ hội chào đời của các em, mà còn dẫn tới kết cục bi thảm, đó là hành động kết liễu sự sống đối với những trẻ đã được sinh ra.

"Tình trạng khả năng sinh sản bền vững giảm diễn ra ở miền Bắc Ấn Độ đã dẫn tới phân biệt giới tính sau khi sinh. Trừ khi tâm lý trọng nam khinh nữ được xóa bỏ, tình trạng lựa chọn giới tính con cái của các bậc cha mẹ vẫn sẽ tiếp diễn" - bà Saikia nói.

Dù bị coi là hoạt động bất hợp pháp, nhưng nhiều bậc cha mẹ Ấn Độ vẫn tìm đến các cơ sở y tế địa phương nhằm tìm cách can thiệp giới tính của con gái, điều dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới nghiêm trọng ở nước này.

Ấn Độ hiện là nước có tỷ lệ mất cân bằng giới cao nhất trên thế giới. Cứ 107 bé trai được sinh ra, chỉ có 100 bé gái. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ giới tính tự nhiên là 105 bé trai/100 bé gái.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/dinh-kien-ve-gioi-tinh-khien-240000-be-gai-o-an-do-tu-vong-moi-nam-tintuc404022