Định kiến và kiêu hãnh

Cứ vào dịp 8/3, chúng ta lại nói rất nhiều về giới nữ. Ở góc độ kinh tế, việc trao quyền cho giới nữ nhiều hơn trong các vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp, cũng được nói đến ngày càng nhiều hơn.

Có nghĩa rằng trong tiềm thức xã hội, đặc biệt ở một xã hội bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư duy Nho Khổng nghìn năm trước còn lại, vẫn có khái niệm xã hội và ngầm thừa nhận câu chuyện thiếu bình quyền.

Từ trái qua phải: Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk; Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet; Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH

Từ trái qua phải: Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk; Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet; Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH

Báo cáo khảo sát của Tập đoàn Boston năm 2017, cho thấy 25% trong số các Giám đốc điều hành (CEO) và thành viên Ban Giám đốc ở Việt Nam là phụ nữ. Với con số này, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo vượt xa Malaysia (14%), Singapore (10%) và Indonesia (6%). Như vậy, nữ giới đã và đang vươn lên nắm quyền kinh doanh chủ động ở Việt Nam, tiến bộ hơn so với một số quốc gia khác.

Trong một bài viết nhân ngày phụ nữ (20/10), bà Victoria Kwakwa nguyên Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN phân tích: “Những nỗ lực phấn đấu bình đẳng giới trong mọi xã hội, trong đó có Việt Nam, thường vấp phải những định kiến về giới—đó là những định kiến đã ăn sâu vào trong nền văn hóa, tôn giáo và chuẩn mực xã hội và khó có thể “thay đổi. Muốn thay đổi các chuẩn mực đó ta cần phải nhận biết, chấp nhận và tôn trọng khía cạnh văn hóa cũng như các cá nhân, và những tác động gây cản trở của các chuẩn mực đó. Thông thường, thay đổi sẽ xuất phát từ bên trong và diễn ra chậm chạp, nhưng chúng cũng đòi hỏi một chút sáng tạo và ý thức sẵn sàng chấp nhận cái nhìn mới”.

Có lẽ cũng vì vậy, nữ giới bình quyền, nắm quyền lãnh đạo, ngoài những nhân vật khởi nghiệp ở quy mô nhỏ, nhìn trên bình diện tập đoàn và các công ty lớn tư nhân, đang có tỷ lệ ngày càng cao so với khối kinh tế chủ đạo Nhà nước. Bởi ở các Tập đoàn tư nhân, rõ ràng, ý thức sẵn sàng chấp nhận cái nhìn mới diễn ra nhanh hơn.

Những nữ tướng như Mai Kiều Liên của Vinamilk, Nguyễn Thị Việt Nga của Dược Hậu Giang, cũng chỉ được thể hiện tài năng và quyền lực điều khiển con thuyền doanh nghiệp, khi doanh nghiệp từ ánh sáng cổ phần hóa bước ra.

Tại Tập đoàn Vingroup, vị trí Chủ tịch HĐQT vừa được trao cho một nữ tướng. Tập đoàn này cũng có nhiều tướng nữ ở các vị trí chủ chốt. Nhiều người cho rằng, điều này thể hiện tư duy sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận cái mới, trông cậy quyền biến ở sự mềm mại, khôn ngoan và khéo léo của phái nữ, bổ sung cho một hướng nhìn xa của ông Phạm Nhật Vượng.

Dù vậy, phải nói rằng không có nhiều tập đoàn có sự phổ biến của nữ ở các vị trí cấp cao như Vingroup. Càng chưa có nhiều chị Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet và HDBank, chị Cao Thị Ngọc Dung của PNJ hay chị Mai Thanh của REE….

Kinh tế Việt Nam vẫn đang cần đổi thay, và cần bắt đầu từ xóa bỏ định kiến cùng những chuẩn mực văn hóa, nói như bà Victoria Kwakwa. Chỉ có như vậy, giới nữ mới thực sự được quyền để kiêu hãnh tỏa sáng trên thương trường.

Lê Mỹ

Bạn đang đọc bài viết Định kiến và kiêu hãnh tại chuyên mục Tâm điểm của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dinh-kien-va-kieu-hanh-146239.html