Định hướng sáng tác cho thế hệ kế cận: Kinh nghiệm từ lớp trước

Tuy số lượng tác phẩm của giới văn học, nghệ thuật Thủ đô những năm gần đây tăng mạnh, nhất là của tác giả mới, nhưng còn thiếu vắng tác phẩm có tính cách tân, định hướng thị hiếu công chúng và có sức lan tỏa trong xã hội. Phóng viên Báo Hànôịmới đã ghi lại một số ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ tên tuổi ở Hà Nội, mong truyền cảm hứng cho thế hệ kế cận có nhiều tác phẩm giá trị, xứng tầm.

Những kinh nghiệm của thế hệ đi trước rất bổ ích đối với văn nghệ sĩ trẻ. Ảnh: Thụy Du

Nhà thơ Vũ Quần Phương:
Thực địa là nơi khơi nguồn sáng tác

Tác phẩm hay về Hà Nội phải bảo đảm 4 yếu tố: Trữ tình lịch sử, tinh tế trang nhã, trữ tình trí tuệ và nhân văn. Muốn đạt được 4 yếu tố đó, người viết cần có hiểu biết rộng và sâu về Hà Nội. Đấy là kết quả của một quá trình tìm hiểu Hà Nội trên thực địa. Tôi tự lấy làm tiếc vì đã không ý thức được việc này từ khi ít tuổi, nhưng dù ở tuổi nào thì sự bắt đầu vẫn có ích và còn kịp. Chính thực địa là nơi khơi nguồn sáng tác tốt.

Sự thành công của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là bắt nguồn từ công việc này. Sinh thời, ông nói với tôi rằng, khi dạy học, gặp chi tiết nào thuộc Hà Nội, ông đều đến tìm hiểu thực địa, xem thực tế thế nào, có giống trong sách hay như người ta nhắc tới không? Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện tiêu biểu của đất nước, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, nơi tiếp nhận những giá trị nhân loại.

Hà Nội đang chuyển mình từng ngày, có những thứ người viết tưởng biết rồi, nhưng thực tế lại rất bất ngờ. Cái bất ngờ ấy tạo sự mới mẻ trong sáng tác. Vì thế, các tác giả chuyên ngành khác nhau cùng đi thực địa, hiệu quả sẽ cao hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc:
Thống nhất thị hiếu thẩm mỹ giữa nghệ sĩ và khán giả

Sáng tác văn học, nghệ thuật nói chung và sáng tạo sân khấu nói riêng luôn phụ thuộc vào thị hiếu thẩm mỹ của tác giả. Trước mỗi sự vật, hiện tượng, nhờ thị hiếu thẩm mỹ mà mỗi tác giả lại cảm thụ khác nhau, dẫn đến đánh giá, thể hiện nông, sâu khác nhau trên tác phẩm của mình. Đó chính là yếu tố quyết định thành công của tác giả, tác phẩm.

Chẳng hạn, cùng phản ánh cuộc sống Hà Nội đương thời, nhưng kịch của Lộng Chương luôn đậm tính trào lộng, sâu cay; kịch của Tào Mạt chứa đựng tư tưởng, nội dung lớn đằng sau những câu chuyện dung dị; kịch Lưu Quang Vũ lại đầy chất dự báo… Thị hiếu thẩm mỹ của tác giả được bắt nguồn từ “trời cho”, “đời cho”, “thầy cho”, “cơ hội cho” và lớn dần lên, hoàn thiện trong quá trình tiếp thu, tiếp biến và sáng tác.

Mặt khác, thị hiếu thẩm mỹ của tác giả luôn phải quan hệ thống nhất với thị hiếu của khán giả. Sự thống nhất càng cao, thì nghệ thuật sân khấu càng phát triển sôi nổi. Mỗi tác giả cần khẳng định cái “tôi” trong sáng tác và khéo léo điều chỉnh để cái “tôi” ấy phù hợp với khán giả, đem lại thú vị và thậm chí là định hướng được công chúng.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh:
Làm nghệ thuật từ rung động trái tim

Để có tác phẩm hay, với kinh nghiệm của người hơn 60 năm làm nghề, tôi cho rằng phải sáng tác từ rung động của trái tim, không theo đơn đặt hàng, không phụ thuộc vào thời điểm. Tôi tự hào mình làm nhiều phim về Hà Nội được khán giả yêu mến, như “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt” và hiện đang làm “Hoa nhài”. Tất cả đều ra đời từ trăn trở, thôi thúc của bản thân. Mỗi người sáng tác nên đặt cảm xúc của mình lên trên hết, đừng chờ đợi được “cho”, được “cấp”.

Tuy nhiên, muốn tạo được tác phẩm nghệ thuật hay, tác giả phải đi, quan sát, nắm bắt hiện thực và nung nấu phản ánh hiện thực ấy, khi nào đủ độ chín thì tự khắc ý tứ, câu chữ, phương pháp sẽ bật ra. Chẳng hạn như nhà văn Marquez - tác giả tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”, là một người viết hư cấu giỏi. Ông nói: “Thực sự không có câu nào tôi viết ra mà không có cơ sở hiện thực. Lời khuyên của tôi dành cho người viết trẻ là hãy viết những gì xảy ra với mình. Bao giờ cũng dễ khi kể một câu chuyện mình được nghe, đọc, thấy ở đâu đó”.

Trở lại với bộ phim mới nhất của tôi là “Hoa nhài”, lấy cảm hứng từ câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ở đây, tôi muốn khẳng định chất nhân văn của người Hà Nội từ những gì tôi thấy ở xung quanh, như thầy giáo về hưu dạy nhạc cho trẻ khiếm thị, anh thợ cắt tóc, người dân từ nông thôn lên thành phố mưu sinh… Tôi tin là phim sẽ khiến người xem xúc động.

Nhà thơ, nhạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến:
Phát huy tinh thần cách tân mạnh mẽ

Các chuyên ngành trong văn học, nghệ thuật luôn có quan hệ mật thiết với nhau. Đầu ra của truyện ngắn, tiểu thuyết không chỉ là sách in, mà còn là kịch bản phim, kịch bản sân khấu. Thơ cũng là chất liệu tốt cho âm nhạc, hội họa. Ngược lại, âm nhạc, mỹ thuật cũng tạo cảm hứng cho thơ, văn. Đã có rất nhiều tác phẩm chất lượng ra đời từ những mối duyên như thế. Bản thân tôi cũng sáng tác nhiều bài thơ và phổ thành ca khúc.

Các bạn trẻ hiện nay rất giàu năng lượng. Tôi thích các sáng tác của họ, vì chúng có hơi thở đương đại. Tuy nhiên, không ít nhà văn, nhà thơ trẻ bây giờ viết thiếu tính bác học, thiếu sự nghĩ ngợi về mặt tu từ. Chúng tôi cách đây một phần tư thế kỷ đã có một cuộc cách tân lớn trong sáng tác, vô cùng khốc liệt, để tìm ra phương pháp cho bản thân, cho thế hệ mình. Các tác giả trẻ bây giờ cũng thế, cần có tinh thần cách tân mạnh mẽ. Bởi, trong thời đại bùng nổ thông tin, nếu người sáng tác không tạo ra tác phẩm khác biệt, có màu sắc của ngày hôm nay, có sự tích lũy từ ngày hôm qua, thì dễ bị chìm lấp.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/940703/dinh-huong-sang-tac-cho-the-he-ke-can-kinh-nghiem-tu-lop-truoc