Định hướng phát triển lâu dài cho thị trường lao động

Phát triển thị trường lao động đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực... là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thị trường lao động Việt Nam được hình thành, phát triển chính thức từ năm 1986 đến nay, từng bước đã tạo được khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên, chất lượng việc làm ngày dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Thị trường lao động Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập

Thị trường lao động Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập

Tuy nhiên, so với nhu cầu, đòi hỏi của phát triển kinh tế, thị trường lao động vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: chất lượng việc làm, chất lượng lao động ở nước ta còn thấp. Đặc biệt, tình trạng thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới là thách thức rất lớn, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới; có sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế, mặc dù số lượng lao động không có việc làm lớn nhưng một số ngành nghề, địa phương không tuyển được lao động;…

Trước những thách thức đang đạt ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành xây dựng Đề án "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" và Đề án "Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động". Tại Hội thảo khoa học xin ý kiến về hai đề án này, đề cập đến định hướng về phát triển thị trường lao động, cũng như tính cấp thiết của việc xây dựng hai đề án trong việc xây dựng thị trường lao động, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Vũ Trọng Bình - cho biết, Đề án "Hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030" được đánh giá là đề án có tính chất tổng quan, chiến lược nhằm đưa ra các giải pháp để định hướng phát triển lâu dài cho thị trường lao động hướng tới xây dựng thị trường hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, tỉnh/thành phố, ngành kinh tế, nghề nghiệp… Qua đó, từng bước tạo sự đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, trên quan điểm Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ thông qua việc xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường lao động, đề án cũng đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể để phát triển thị trường lao động đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế và huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động lành mạnh.

Đối với Đề án "Nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động", theo đại diện Cục Việc làm là đề án có tính thực nghiệm cao nhằm phát triển một hệ thống dự báo cung - cầu lao động với những sản phẩm có tính khoa học, đầy đủ những thông tin về cung, cầu lao động cơ bản, kịp thời phục vụ điều hành quản lý nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, của vùng và của từng địa phương.

Đồng thời, sản phẩm dự báo cung, cầu cũng đặt ra yêu cầu đó là phải kịp thời cung cấp các thông tin cho các cơ sở giáo dục đào tạo phục vụ công tác lập kế hoạch, chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin để giúp người lao động và gia đình định hướng và quyết định những vấn đề về đào tạo, việc làm trong tương lai; giúp doanh nghiệp lựa chọn địa điểm, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

Theo đó, các nhóm giải pháp xoay quanh sự phát triển đồng bộ của 5 yếu tố cơ bản, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển phương pháp, mô hình dự báo; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; củng cố, thống nhất bộ máy tổ chức thực hiện và tuyên truyền, truyền thông.

Tham gia, góp ý kiến cho Đề án "Nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động", Hiệu trưởng Trường đại học Marketing TP. Hồ Chí Minh - TS Nguyễn Văn Hiến - cho rằng, cần có sự kết nối giữa trường đào tạo và doanh nghiệp. Đồng thời, dự báo nguồn lao động phải gắn với quy hoạch từng nhóm ngành nghề, để không thừa, thiếu lao động từ đó bảo đảm sự liên thông, minh bạch về thông tin.

Thực tế, đến nay dù năng suất lao động Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận, song thị trường lao động vẫn còn những bất cập. Chất lượng lao động phổ thông chiếm tỷ trọng cao so với lao động đã qua đào tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. “Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề chưa đồng bộ điều này đã tạo ra sự mất cân đối về cung - cầu rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng đề án và đưa ra những mục tiêu cụ thể vô cùng cần thiết” - TS Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, việc xây dựng Đề án quốc gia về năng lực dự báo nguồn nhân lực vô cùng quan trọng. Bởi, thực tế việc dự báo chính xác về nguồn nhân lực không chỉ điều tiết hợp lý về cung - cầu mà còn giúp các trường đào tạo có thêm thông tin để từ đó có những định hướng trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và chuẩn bị chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thị trường lao động quốc tế trong thời gian tới.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dinh-huong-phat-trien-lau-dai-cho-thi-truong-lao-dong-148894.html