Định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ, Việt Nam đã tích cực đưa nạn nhân các vụ mua bán người tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này, cộng đồng xã hội, gia đình, người thân, người quen biết, hàng xóm của các nạn nhân cần là tác nhân quan trọng giúp họ trên con đường tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, phải có sự định hướng công việc để những nạn nhân này có thể tự mưu sinh, kiếm sống, nuôi bản thân.

Các nạn nhân của tội phạm mua bán người được lực lượng đánh án của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP và BĐBP Lạng Sơn giải cứu ngày 18-8-2020. Ảnh: Lê Đồng

Các nạn nhân của tội phạm mua bán người được lực lượng đánh án của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP và BĐBP Lạng Sơn giải cứu ngày 18-8-2020. Ảnh: Lê Đồng

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 – 2020), có gần 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng nam giới, trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, mua bán nội tạng...

Bà Dương Thị Ngọc Linh cho rằng: Qua báo cáo của các đơn vị chức năng, những nạn nhân của nạn mua bán người trở về thường chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần. Nhiều trường hợp nạn nhân mất trí nhớ, mang thai ngoài ý muốn, nghiện rượu, ma túy hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... Vì vậy, họ dễ gặp sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh, thậm chí ngay cả trong gia đình của họ, điều đó khiến các nạn nhân mua bán người khó hòa nhập cộng đồng. Do đó, chúng ta cần phải có những biện pháp tuyên truyền không chỉ riêng cho nạn nhân, mà còn cả cộng đồng xung quanh nạn nhân để họ có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với các nạn nhân.

Theo số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2012 đến nay, có khoảng 7.500 nạn nhân của tình trạng mua, bán người đã được giải cứu, tiếp nhận; gần 90% nạn nhân trong số họ là phụ nữ, trẻ em. Sau khi tiếp nhận, 100% nạn nhân đều được lực lượng chức năng như: Công an, BĐBP, chính quyền địa phương cấp huyện, xã gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ để các nạn nhân ổn định tâm lý, sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định. Tuy nhiên, việc để các nạn nhân thực sự tái hòa nhập cộng đồng cũng gặp vô vàn khó khăn bởi không phải nạn nhân nào cũng có thể can thiệp hoặc giúp đỡ. Nhiều người trong số này mang trong mình căn bệnh xã hội, hoặc bệnh tật như án tử treo lơ lửng trên đầu thì hành trình tái hòa nhập của họ cũng không phải thực sự dễ dàng như người ta vẫn nghĩ. Cùng với đó, hầu hết những nạn nhân mua bán người đều là những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Do đó, họ khó có thể đến bệnh viện để điều trị dứt điểm những căn bệnh xã hội hoặc bắt đầu cuộc sống mới của mình...

Chị Cấn Thị Bảo Hoa, sinh năm 1975, quê tại Long An - một nạn nhân của vụ án mua bán người được giải cứu năm 2015 cho biết: “Là người trong cuộc, tôi thấu hiểu hoàn cảnh mà các nạn nhân gặp phải. Hầu hết nạn nhân của nạn mua bán người là những người có cuộc sống hướng ngoại, tất cả những gì họ muốn là mọi cái phải thật dễ dàng. Họ dễ dàng tin, dễ dàng trao gửi, thậm chí còn rất thiếu những kỹ năng sống, thiếu hiểu biết xã hội. Cũng không loại trừ có một số còn ham chơi hơn ham làm, việc trở thành nạn nhân là một cái cớ khiến họ buông xuôi cuộc sống hơn. Vì vậy, ngay sau khi được giải cứu, việc trở thành gái mại dâm hoặc sa vào những tệ nạn khác với họ đơn giản vô cùng”.

Chính vì vậy, khi đánh giá hiệu quả của các Trung tâm phục hồi nhân phẩm cho các nạn nhân bị mua bán, các tham vấn viên tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng, việc nạn nhân nữ dễ sa đà vào các quan hệ liên quan đến tình dục đôi khi rất dễ hiểu. Việc làm công cụ để giải quyết nhu cầu tình dục thời còn ở trong động mại dâm, hoặc làm vợ tất cả đàn ông trong một gia đình khi còn ở bên Trung Quốc khiến họ thấy việc quan hệ tình dục như một sự đánh đổi tất yếu. Chính vì thế, khi được giải cứu và trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, họ rất dễ dàng sa ngã.

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần phòng ngừa từ gốc của nạn mua bán người, kêu gọi xã hội cùng chung tay hành động xây dựng môi trường sống an toàn cho mỗi người dân, hội viên phụ nữ. Nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người đã được tổ chức tại cộng đồng, ở miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các hoạt động tư vấn cho phụ nữ có ý định di cư, kết hôn với người nước ngoài, trực tiếp hỗ trợ nạn nhân, xây dựng các mô hình truyền thông về phòng chống mua bán người phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về đã được triển khai. Tại Nghệ An, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Con Cuông đã xây dựng, vận hành Câu lạc bộ “Lá chắn”; Câu lạc bộ “Phòng chống mua bán người”... Những câu lạc bộ này đã góp phần tích cực trong tuyên truyền, vận động và bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ khỏi những vụ mua bán người đang tiềm ẩn.

Để đưa các nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy vai trò lãnh đạo, nhất là cấp cơ sở để nâng cao hiệu quả tham mưu và trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo 138 ở địa phương trong việc chỉ đạo, triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tiếp tục triển khai Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa bàn, các đối tượng có nguy cơ cao; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để can thiệp, định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ kịp thời các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định số 09/2013/NĐ-CP về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người như: Cung cấp các nhu cầu thiết yếu, trợ giúp về y tế, tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, vay vốn sản xuất... cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Thương Huyền

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dinh-huong-nghe-nghiep-ho-tro-tai-hoa-nhap-cong-dong-cho-nan-nhan-mua-ban-nguoi-post435813.html