Định hướng hoàn thiện pháp luật kiểm soát thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh

Có hai điểm quan trọng cần được nhận thức một cách nhất quán và xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện pháp luật kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh (HCCT) .

Thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về cạnh tranh

Khoản 1 Điều 4 của Hiến pháp 2013 qui định: “Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật trong đó có pháp luật về kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh phải thể hiện đường lối, chính sách của Đảng.

Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) đã xác định “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có hai điểm quan trọng cần được nhận thức một cách nhất quán và xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện pháp luật kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để HCCT .

Thứ nhất là bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Thứ hai là thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Điều đó có nghĩa, việc kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá phải tôn trọng các qui luật của nền kinh tế.

Để có thể đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, một cách nhất quán Đảng cũng có quan điểm cần phải “tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế”.

Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 quan điểm chỉ đạo quan trọng của Đảng về cạnh tranh đó là “phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao để làm chủ thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, góp phần bảo đảm độc lập tự chủ của nền kinh tế”.

Đồng thời, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng cũng xác định “hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu”.

Từ tinh thần của hai văn kiện trên, trong quá trình hoàn thiện pháp luật cạnh tranh nói chung và pháp luật kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh nói riêng cần phải tuân thủ ba nguyên tắc sau:

Thứ nhất: Pháp luật kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh phải tuân thủ các nguyên tắc cạnh tranh và nguyên lý hoạt động của kinh tế thị trường.

Thứ hai: Pháp luật kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh phải nhằm mục tiêu xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ ba: Pháp luật kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh phải phù hợp với thông lệ chung của thế giới.

Sử dụng tư duy kinh tế

Khái niệm luật pháp có thể và nên được phân tích bằng cách sử dụng các khái niệm kinh tế, là tương đối gần đây, mặc dù Holmes đã đề xuất nó hơn một trăm năm trước”. Trong báo cáo của mình năm 2017, Bộ Công thương khi nghiên cứu các qui định của pháp luật cạnh tranh của các nước cũng đã nhận ra sự giao thoa giữa kinh tế học và pháp luật cạnh tranh.

Theo đó, Bộ Công thương đã nhận định “do mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật cạnh tranh và kinh tế học nói trên, các cách tiếp cận chủ đạo về pháp luật cạnh tranh trên thế giới không tránh khỏi chịu ảnh hưởng lớn của các học thuyết kinh tế mà các chuyên gia cạnh tranh, những người kiến tạo nên và thực thi pháp luật cạnh tranh, theo đuổi.

Trong nhiều tài liệu nghiên cứu quốc tế về nền tảng kinh tế học của cạnh tranh, người ta đề cập đến các cách tiếp cận chủ đạo như: trường phái dân túy (populist approach), trường phái Chicago và hậu Chicago (hay còn gọi là trường phái kinh tế tân cổ điển (neoclassical) bảo thủ và tự do), và trường phái sáng tạo (innovation).

Các trường phái này, do cách nhìn khác nhau về các vận động và đặc trưng của thị trường, có nhiều điểm khác biệt khá cơ bản, bao gồm về mục tiêu thực thi pháp luật cạnh tranh, phạm vi điều chỉnh, cách tiếp cận đối với quan hệ cộng tác/hợp tác giữa các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, nguồn gốc của sức mạnh thị trường, hành động của chính phủ/cơ quan cạnh tranh”.

Thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh là một trong những dạng thỏa thuận có tác động mạnh mẽ đến cạnh tranh và quyền lợi của người tiêu dùng. Kiểm soát các TTSDG để HCCT cũng đồng nghĩa Nhà Nước tiến hành hoạt động đánh giá những tác động đến tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng khi sản lượng bị cắt giảm, giá cả gia tăng trong tương quan so sánh với khía cạnh tích cực mà thỏa thuận này mang lại trong dài hạn như thống nhất hóa các tiêu chuẩn sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế và khu vực. Những phân tích này chỉ phát huy hiệu quả khi nó được đánh giá dưới khía cạnh kinh tế học.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, trong việc kiểm soát các TTSDG để HCCT pháp luật các nước cũng đã sử dụng các công kinh tế để phục vụ việc kiểm soát này. Có thể nói, chính sách khoan hồng là một trong những minh họa cho tính giao thoa giữa kinh tế học và pháp luật cạnh tranh.

Cũng chính vì vậy mà Bộ Công thương khi xác định chủ trương, đường lối chính sách và quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng luật đã xác định: “các quy định pháp lý về việc đánh giá sức mạnh thị trường hay kiểm soát tập trung kinh tế được xây dựng trên cơ sở các phương pháp phân tích, đánh giá về kinh tế. Trong quá trình xử lý các vụ việc cạnh tranh, bên cạnh những quy định pháp luật mang tính quy phạm cơ quan cạnh tranh cũng cần phải sử dụng các phân tích, đánh giá kinh tế phục vụ cho việc đánh giá vụ việc. Vì vậy, Luật Cạnh tranh 2004 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý”.

Bảo đảm tính tối ưu việc sử dụng các nguồn lực kinh tế trong khi vẫn đáp ứng tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường

Có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi xác định mục tiêu của Luật Cạnh tranh, tuy nhiên mục tiêu cơ bản mang tính phổ quát được thừa nhận một cách rộng rãi khi xây dựng Luật Cạnh tranh là thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sản xuất. Việc sử dụng các nguồn lực vừa là mục tiêu hướng đến của Luật Cạnh tranh nhưng đồng thời đó cũng là hệ quả của tự do cạnh tranh. “Dưới sức ép của cạnh tranh các doanh nghiệp buộc phải hoạt động hiệu quả hơn và đưa ra những lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với mức giá thấp hơn”.

Với tính cách là một bộ phận của pháp luật cạnh tranh, việc sửa đổi pháp luật về kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh cũng phải bảo đảm nguyên tắc này. Trong bối cảnh của một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới như Việt Nam, yêu cầu về tính hiệu quả của việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực kinh tế càng trở nên cấp thiết. Báo cáo của Ngân hàng thế giới và Bộ Công thương năm 2016 cũng ghi nhận về vai trò của việc phân bổ nguồn lực hiệu quả: “Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế, trong đó các lực lượng thị trường đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phân bổ nguồn lực… đã giúp đưa Việt Nam trong vòng 25 năm từ một nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình thấp”.

Cân bằng giữa mục tiêu bảo đảm sử dụng nguồn lực hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm tự do cạnh tranh là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng cũng như thực thi pháp luật cạnh tranh. Việc quá đề cao pháp luật cạnh tranh sẽ dẫn đến khả năng can thiệp quá sâu vào cạnh tranh, làm cho cạnh tranh bị bóp méo bởi hoạt động quản lý nhà nước. Nhưng trong trường hợp quá đề cao cạnh tranh sẽ ảnh hưởng đến tính hiệu quả của pháp luật cạnh tranh. Cho nên, trong quá trình xây dựng pháp luật cạnh tranh nói chung và pháp luật kiểm soát các TTSDG để HCCT nói riêng cần phải luôn ý thức cả hai khía cạnh bảo đảm tính tối ưu việc sử dụng các nguồn lực kinh tế và tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.

LS Phạm Hoài Huấn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dinh-huong-hoan-thien-phap-luat-kiem-soat-thoa-thuan-su-dung-gia-de-han-che-canh-tranh-169175.html