Định hướng giáo dục trong tương lai như thế nào?

Hội thảo giáo dục quốc tế SEED & SPARK SUMMIT với chủ đề 'Định hướng giáo dục trong tương lai là gì?' đã diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia giáo dục thế giới. Trong hội thảo, các diễn giả đề xuất những phương pháp giáo dục tập trung vào thúc đẩy khả năng sáng tạo và hội nhập của người học đã được nghiên cứu, thực nghiệm.

Ảnh: Thành Hoa

Tiến sĩ Stephanie Pace-Marshall, Chủ tịch sáng lập và nguyên Chủ tịch Học viện Toán học và Khoa học của Bang Illinois (Mỹ), cho rằng tương lai của thế giới hoàn toàn phụ thuộc vào con em của chúng ta. Vì vậy, nền giáo dục cần xác định được tương lai của mình ở đâu và cần thay đổi những gì để chuẩn bị kiến thức cho thế hệ sau.

Nền giáo dục cần một diện mạo mới tạo ra phương pháp mới, với nhiệm vụ làm cho các em thấy được tiềm năng của bản thân mình, vì các thay đổi trên thế giới đang bắt nguồn từ bản thân mỗi con người.

Giáo sư Claudia Giudici, Chủ tịch của Reggio Children (Ý), dưới góc độ của nhà tâm lý học và nhà giáo dục ông cho rằng dù các nhà giáo dục có tìm kiếm phương pháp mới nào cũng phải lấy người học làm trọng tâm. Trẻ em có cách tạo nên quá trình học hỏi cho riêng mình nên phương pháp giáo dục lấy các em làm trọng tâm sẽ có thể khai phá toàn bộ những tài năng, năng lực khác biệt, bản sắc riêng biệt của từng em, giúp chúng mạnh dạn khẳng định năng lực cá nhân.

Phương pháp giáo dục Reggio Emilia đang được thực hiện nhiều nơi trên thế giới nhắm đến mục tiêu truyền cảm hứng cho trẻ con mỗi ngày. Trong đó, mỗi môn học được thiết kế như một môi trường và không gian để các em khám phá và học hỏi, qua đó được thể hiện ngôn ngữ của riêng mình về hình ảnh, âm nhạc, chuyển động... Các em không chỉ học về kỹ thuật chơi các loại hình nghệ thuật đó mà còn giao tiếp với chính bản thân mình và biết bộc lộ nội tâm.

Ông Filippo Chieli, chuyên gia xưởng nghệ thuật thuộc Tổ chức Nghiên cứu Mầm non và Mẫu giáo nói phương pháp Reggio Emilia mang âm nhạc, nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống hàng ngày của trẻ em ở những không gian khác nhau của trường học và ở các thời điểm khác nhau trong ngày sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của các em. Khi trẻ em sáng tác và chơi nhạc cùng nhau, các em sẽ phải cùng làm việc chung, giúp nhau lên ý tưởng cho bài trình diễn, thảo luận giải quyết vấn đề, qua đó học được cách hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết các khó khăn hay mâu thuẫn phát sinh và cùng học tập.

Ông Per Havgaard, Giám đốc sáng kiến cấp cao của tổ chức LEGO, tin rằng mỗi đứa trẻ đều có khả năng học, và nhiệm vụ của người lớn là tạo điều kiện và bối cảnh để trẻ em có thể học. Tuy nhiên, ngay cả người lớn cũng thích chơi đùa thì tại sao không trao vào tay trẻ em những công cụ học tập là các trò chơi?

Ngày càng có nhiều bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng một số phần trong não bộ sẽ sáng hơn, làm việc hiệu quả hơn khi người ta được vui chơi. Quá trình hình thành nên các kỹ năng học tập khi chơi lắp ráp hình đã được Lego Foundation và những đối tác của mình đã nghiên cứu là nhận thức, giải quyết vấn đề, sáng tạo, khả năng thể hiện, khả năng kiểm soát cảm xúc, kiểm soát stress... cũng như tự đánh giá kết quả. Bên cạnh đó, kỹ năng vận động trí tưởng tượng cũng tham gia vào quá trình này.

Vui chơi trong học tập còn xây dựng được môi trường cạnh tranh nhưng cũng giúp các em hiểu rằng thất bại đều có thể xảy ra với mọi người thì các em sẽ không sợ thất bại và quyết tâm làm lại nhiều lần, thậm chí 100 lần.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280607/dinh-huong-giao-duc-trong-tuong-lai-nhu-the-nao.html