Định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội

Ngày 29-7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), thời gian qua, chính sách trợ giúp xã hội đã giúp xã hội đổi mới nhận thức về trợ giúp xã hội, nhìn nhận trợ giúp xã hội không chỉ là công cụ hỗ trợ thực hiện quyền của người dân, mà là đầu tư phát triển. Cùng với đó, chính sách trợ giúp xã hội đã từng bước mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đến năm 2020 hỗ trợ 3,2 triệu đối tượng. Trong đó, đã tính đến ưu tiên các nhóm khó khăn như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật. Đồng thời, chính sách đã điều chỉnh chế độ phù hợp với nhu cầu của người hưởng lợi, phù hợp điều kiện kinh tế và hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, từ năm 2000 đến 2015 đã 4 lần điều chỉnh mức hưởng và hệ số...

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống trợ giúp xã hội chưa toàn diện, tính linh hoạt thấp, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình mới. Mức chính sách còn thấp, chưa phù hợp; một số địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện chính sách, đề án; một số chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, hiện nay chưa ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp thanh toán trong thực hiện chính sách. Đội ngũ cán bộ, nhân lực làm về công tác xã hội còn thiếu và chưa thật sự chuyên nghiệp; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp còn thiếu, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý. Công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội còn bất cập, nhất là cơ chế khuyến khích về miễn giảm thuế, thuê đất, cấp đất, khung giá dịch vụ để khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội.

Với quan điểm bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển; hướng đến trợ giúp xã hội phải đa dạng về mô hình, toàn diện cả về vật chất và tinh thần phù hợp với vòng đời con người, đại diện Cục Bảo trợ xã hội cho biết, trong thời gian tới, chính sách trợ giúp xã hội sẽ đổi mới theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chính sách như sửa Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, ban hành bổ sung chính sách chưa được thể chế hóa như chính sách về công tác xã hội, chính sách về cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội…; nâng mức chuẩn, mở rộng đối tượng hưởng theo hướng ưu tiên khó khăn, hướng đến phổ cập đối tượng, tích hợp chính sách, hệ thống tổ chức thực hiện...

Hiện nay, UNDP tại Việt Nam đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình chung về phát triển hệ thống trợ giúp xã hội. Mục tiêu của chương trình là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống an sinh xã hội bao trùm và tích hợp nhằm thúc đẩy giải quyết các rủi ro theo vòng đời và tăng cường phát triển nguồn nhân lực. Chương trình sẽ tăng cường kết hợp giữa sàn an sinh xã hội phổ cập do ngân sách nhà nước tài trợ và bảo hiểm xã hội có đóng góp nhằm khắc phục các rủi ro theo vòng đời. Cùng với đó, chương trình sẽ giải quyết đồng thời nhiều mục tiêu chính sách như mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội; đảm bảo quyền được hưởng trợ giúp xã hội cho trẻ em, người khuyết tật, người lớn tuổi, cải cách hệ thống quản lý và giải quyết chế độ, chính sách; kết hợp nhiều cơ chế tài chính, huy động kinh phí từ nguồn tiền đóng bảo hiểm xã hội và phân bổ từ ngân sách nhà nước.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/dinh-huong-doi-moi-chinh-sach-tro-giup-xa-hoi-629361