Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Chiều 7/6, tại Nhà Quốc hội, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên họp thứ nhất.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu lập pháp và đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là đề án rất quan trọng, là nền tảng, định hướng cho công tác lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới và liên quan đến trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị. Thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Bộ Chính trị, ngày 28/5/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Đảng đoàn Quốc hội ký ban hành Kế hoạch số 2293-KH/ ĐĐQH 14 về xây dựng Đề án, Quyết định 2294-QĐ/ĐĐQH14 về việc thành lập Ban Soạn thảo xây dựng Đề án.

Để sớm triển khai kế hoạch, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tổ chức phiên họp thứ nhất để thảo luận, thông qua Kế hoạch triển khai công việc của Ban Soạn thảo, phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Soạn thảo, đề cương Đề án và đề cương báo cáo của các cơ quan.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành báo cáo tóm tắt một số công việc đã triển khai nhằm phục vụ xây dựng đề án, trình bày dự thảo đề cương Đề án và dự thảo đề cương báo cáo dành cho các cơ quan tổ chức.

Theo đó, dự thảo đề cương Đề án, dự thảo đề cương báo cáo của các cơ quan tổ chức gồm 4 phần.

Một là đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ giai đoạn triển khai, thi hành Hiến pháp từ 2013 đến nay, tập trung làm rõ thực trạng hệ thống pháp luật, những kết quả đạt được, tồn tại, bất cập trước yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước, xây dựng hoàn thiện bộ máy nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Khái quát các kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; kết quả sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp; đánh giá tình hình lập và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm liên quan đến lĩnh vực cụ thể của các cơ quan, tổ chức.

Hai là căn cứ và nguyên tắc chỉ đạo xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, xác định cụ thể nội dung trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng cần được thể chế hóa, những quy định của Hiến pháp và các nghị quyết của Quốc hội cần tiếp tục được cụ thể hóa và các yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng pháp luật để điều chỉnh. Đồng thời, đề xuất cụ thể các nguyên tắc chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Ba là, định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV là trọng tâm, cốt lõi của Đề án và báo cáo của các cơ quan, tổ chức. Trên cơ sở kết quả đánh giá tình hình và định hướng, nguyên tắc chỉ đạo, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phân công phụ trách, các cơ quan, tổ chức tập trung đề xuất định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong đó, xác định cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ xây dựng pháp luật cần phải ưu tiên thực hiện, dự kiến danh mục các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong từng lĩnh vực.

Bốn là, tổ chức thực hiện đề án, đề xuất các giải pháp thực hiện, tiến độ thực hiện, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, căn cứ kế hoạch và đề cương báo cáo, Ban cán sự đảng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các ủy ban của Quốc hội và viện nghiên cứu lập pháp sẽ chỉ đạo tổ chức, xây dựng báo cáo của cơ quan, tổ chức mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, khối lượng công việc nhiều trong khi thời gian gấp gáp đòi hỏi các cơ quan hữu quan được giao nhiệm vụ cùng chung tay, phối hợp chặt chẽ, phát huy trách nhiệm, sớm vào việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung của dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Soạn thảo, dự thảo đề cương Đề án và đề cương Báo cáo Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Các thành viên Ban Soạn thảo cũng lưu ý việc xây dựng kế hoạch triển khai công việc bảo đảm thực hiện đúng thời hạn, tiến độ theo yêu cầu, các bước triển khai thiết thực, hiệu quả. Cần làm rõ trách nhiệm và lộ trình thực hiện của các chủ thể tham gia, quy định rõ nhiệm vụ của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, bổ sung thêm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.

Cũng có ý kiến cho rằng các đề cương Báo cáo Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV dành cho các cơ quan, tổ chức còn khá giống nhau, chưa thể hiện được đặc trưng của các cơ quan.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết và nội hàm, yêu cầu đặt ra của Đề án; phân biệt rõ Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có cụ thể như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ trước đây hay quy định chung như Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị cần lưu ý đến các căn cứ để tránh trùng lặp, lãng phí, trong đó lưu ý đến nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và các Nghị quyết của đại hội trước chưa làm xong; nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Kết luật số 83-KL/TW và Kết luật 84-KL/TW, một số chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, một số đề án như Đề án mô hình tòa án, Đề án kiểm soát quyền lực, các nghị quyết của Quốc hội và các vấn đề phát sinh thực tiễn…, đồng thời, cần làm rõ mức độ ràng buộc và hình thức văn bản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng cần có nòng cốt của Tổ Biên tập để giúp cho Ban Soạn thảo hoàn thiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ; tổ chức thêm hội nghị hội thảo để tăng cường thảo luận lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đề án.

Kết luận nội dung phiên họp, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ thách thức lớn nhất hiện nay là thời gian, do đó, các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương vào việc, hoàn thiện các văn bản để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/dinh-huong-chuong-trinh-xay-dung-phap-luat-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-xv/433991.vgp