Định hướng âm nhạc trong giới trẻ

Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Cùng với dòng chảy của thời gian, thị trường âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều thể loại, như: Pop, ballad, bolero, R&B, rock… Để giới trẻ tiếp nhận dòng nhạc chính thống, mang đậm bản sắc dân tộc và lành mạnh, cần phải có định hướng đúng đắn và kịp thời.

Nỗi lo với "nhạc thị trường"

Nhạc trẻ hiện nay đang trong xu hướng phát triển và có nhiều thay đổi, với sự bùng nổ của các ca khúc mang tính tự phát cao. Nhiều "ca sĩ, nhạc sĩ" tên tuổi lạ lẫm xuất hiện khi tài năng còn hạn chế. Trong khi đó, thị hiếu âm nhạc của giới trẻ cũng dễ dãi hơn so với trước đây, nhiều người nghe nhạc theo “trào lưu”.

Những năm gần đây, vì mải chạy theo thị trường mà nhiều ca khúc mất đi tính nghệ thuật và gây ảnh hưởng xấu tới thị hiếu âm nhạc của một bộ phận giới trẻ. Nhiều hiện tượng âm nhạc nổi lên bằng cách mua vui cho mạng xã hội như Lệ Rơi, Tùng Sơn… trở thành trào lưu rẻ mạt cho một bộ phận giới trẻ học theo…

 Một tiết mục âm nhạc truyền thống phục vụ giới trẻ.

Một tiết mục âm nhạc truyền thống phục vụ giới trẻ.

Từ khi thị trường âm nhạc Việt Nam xuất hiện dòng nhạc teen thì thể loại này thường xuyên ngự trị trên internet, rồi nhanh chóng lên sàn diễn. Với những ca từ dễ dãi, kết hợp với việc ăn mặc hở hang, uốn éo trên sân khấu, các "ca sĩ" ở thể loại này thi nhau lũng loạn nghệ thuật bằng các vụ lùm xùm lẫn scandal, như: Hát nhép, ăn mặc sexy để câu khán giả hay tung ra những sản phẩm mà nhiều người cho là “thảm họa” âm nhạc... Sau những vụ scandal, khán giả “nóng mặt” trong khi hình ảnh của các "ca sĩ" này xuất hiện với tốc độ chóng mặt ở khắp nơi, kèm theo đó là giá “cát sê” tăng vù vù.

Với xu hướng thưởng thức âm nhạc như hiện nay, liệu những tác phẩm âm nhạc mang tính dân tộc, dân gian truyền thống có bị giới trẻ và xã hội lãng quên không? Đây là một câu hỏi đáng để những người làm công tác văn hóa-nghệ thuật trăn trở và tìm kiếm câu trả lời.

Đưa âm nhạc chất lượng đến khán giả trẻ

Chính bởi sự mai một cái đẹp trong thị hiếu âm nhạc của giới trẻ Việt hiện nay, việc định hướng phong cách nhạc cho họ là điều rất cần thiết. Nhận thức được điều đó, nhiều chương trình âm nhạc hay đã và đang được lên sóng, phần nào khơi dậy tinh thần dân tộc, giáo dục âm nhạc truyền thống cũng như định hình lại phong cách âm nhạc cho khán giả yêu nhạc, nhất là thế hệ trẻ. Có thể kể đến các chương trình: Giai điệu tự hào, Sao mai điểm hẹn, Sing my song, Bài hát Việt… Qua các chương trình này, phần nào giúp các bạn trẻ nhận thức được giá trị của âm nhạc để thêm yêu gia đình, quê hương, đất nước qua từng giai điệu, lời ca.

Thế hệ trẻ là thế hệ tiếp nối truyền thống, âm nhạc dân tộc muốn đứng vững trong đời sống một phần cũng nhờ các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ yêu nhạc cũng đã ý thức được trách nhiệm đó để nghe và sáng tác nhạc có sức nặng hơn. Ngoài các ca khúc mang chủ đề tình yêu thì vẫn có những ca khúc “hit” được sáng tác từ chính các bạn trẻ Việt. Có thể kể đến ca khúc “Việt Nam ơi”, được khán giả gọi là “bài hát quốc dân”. Bài hát đã khơi niềm tự hào chiến thắng của người dân Việt Nam, gắn liền với những trận thắng huy hoàng trên sân cỏ. Tác giả của bài hát là một chàng trai có tên Minh Beta còn khá trẻ nhưng có nhận thức chính trị tốt. Anh từng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Mục đích khi sáng tác là để truyền tải năng lượng tích cực tới mọi người. Tôi nghĩ nó đã làm được sứ mệnh đó”.

Để âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ nhiều hơn, việc cần làm là phải giáo dục từ trong nhà trường, gia đình, từ các buổi sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. Các chương trình, cuộc thi hát về nhạc truyền thống cũng rất cần thiết để khơi dậy nhiệt huyết trong mỗi em. Mới đây, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về thanh niên Việt Nam chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024. Đó là một cách làm hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống trong thanh niên. Bên cạnh đó, còn có dân ca của các vùng, miền nên cần tổ chức các câu lạc bộ dân ca để thế hệ trẻ có trách nhiệm lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp nhằm đánh giá, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ca khúc mới trước khi đưa đến công chúng; chú trọng khâu kiểm duyệt để sàng lọc và đào thải những tác phẩm âm nhạc chất lượng kém, nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó, chúng ta cần tôn vinh kịp thời các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc và có giải pháp đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với công chúng nhằm nâng cao thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay.

Bài và ảnh: LÊ CÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dinh-huong-am-nhac-trong-gioi-tre-571685