Định hình tầm nhìn mới cho ASEAN

Tăng cường năng lực ASEAN, thông qua Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, tăng cường cấu trúc y tế, tình hình Myanmar cũng như các vấn đề quan trọng khác trong và ngoài khu vực sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, khai mạc hôm nay 9.5 tại Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia.

Một ASEAN tầm vóc: tâm điểm của tăng trưởng

Diễn ra trong 3 ngày 9 - 11.5 với chủ đề: “Một ASEAN tầm vóc: tâm điểm của tăng trưởng”, Hội nghị lần này thể hiện mong muốn và nỗ lực của các nước đưa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực tăng trưởng với vai trò dẫn dắt trong các tiến trình hợp tác và liên kết ở khu vực, đóng góp vào mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phồn vinh.

Indonesia đã sẵn sàng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: ANTARA FOTO

Indonesia đã sẵn sàng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: ANTARA FOTO

Hội nghị sẽ gồm 6 cuộc họp cấp cao, trong đó có phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp. Theo thông lệ lâu nay trong ASEAN, phiên họp toàn thể sẽ là dịp lãnh đạo các nước bàn và đưa ra các chỉ đạo thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng; còn tại phiên họp hẹp, các lãnh đạo sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Điểm mới của hội nghị lần này là sự phong phú và đa dạng hơn trong các phiên đối thoại của các lãnh đạo với các nhóm, giới về những vấn đề quan tâm trong tiến trình xây dựng cộng đồng; trong đó có phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), đại diện thế hệ trẻ ASEAN và Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV).

Ngoài ra, sẽ có 2 cuộc họp bên lề khác là Hội nghị thượng đỉnh Tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Thái Lan (IMT-GT) và Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei Darussalam - Indonesia - Malaysia - Philippines (BIMP-EAGA).

Tầm nhìn đến năm 2045

Trong số 3 trụ cột mà Indonesia đề ra cho nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, ở trụ cột thứ nhất “Các vấn đề của ASEAN", Indonesia đã chuẩn bị tầm nhìn ASEAN đến năm 2045 cũng như thúc đẩy thảo luận về dự thảo Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN.

Dự thảo Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 - sáng kiến được Việt Nam đưa ra khi đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và được các nước chủ tịch tiếp nhiệm theo đuổi hiện đang được Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 (HLTF-ACV) tiến hành nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo, đưa ASEAN hoạt động hiệu quả hơn và có khả năng thích ứng để vượt qua các thách thức trong 20 năm tới. Các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị cấp cao có cuộc họp với Nhóm HLTF-ACV để cho ý kiến hoàn thiện văn kiện trước khi thông qua tại phiên họp cấp cao.

Tại hội nghị cấp cao lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ một lần nữa khẳng định các tiêu chí xây dựng Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng hòa bình, ổn định, an toàn, thịnh vượng và tự cường, đồng thời bổ sung những yếu tố mới như tập trung vào con người, định hướng phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm và là đối tượng thụ hưởng từ quá trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN.

Tâm điểm của tăng trưởng

Trên trụ cột thứ hai “Tâm điểm Tăng trưởng”, các ưu tiên như củng cố cấu trúc y tế thông qua sáng kiến “Một sức khỏe”, tăng cường an ninh lương thực và năng lượng, bao gồm cả việc phát triển hệ sinh thái xe điện đã và sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị. Ngoài ra, cam kết sử dụng đồng tiền ASEAN trong các giao dịch thương mại và kết nối các cơ chế thanh toán trong khu vực cũng sẽ được thống nhất nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về phòng chống tội phạm buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ; bảo vệ lao động di cư trong thời kỳ khủng hoảng; phát triển mạng lưới làng ASEAN…

Thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Cùng với chương trình nghị sự về kinh tế, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các đại biểu sẽ thảo luận về việc thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) trên các khía cạnh chính là hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khác. Để đạt được mục tiêu đó, Indonesia sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC

Một số vấn đề quan trọng trong trụ cột thứ nhất là vấn đề đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Trong cuộc họp kín hồi đầu tháng 2, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận này dựa trên việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) trong 21 năm qua.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây cho rằng để bảo đảm COC hiệu quả, cần dựa vào các quốc gia thành viên sẽ đàm phán trực tiếp giữa ASEAN và Trung Quốc. “Tất nhiên, chắc chắn điều gì tạo nên hiệu quả sẽ là điều gì đó khiến COC có ý nghĩa, thực chất, có thể được các quốc gia thành viên tham gia đàm phán COC nhất trí. Và đó là lý do tại sao quá trình đàm phán là rất quan trọng. Không chỉ là kết quả, mà còn là quá trình đàm phán, nơi cần tập trung vào quá trình ngay bây giờ, để bảo đảm rằng lợi ích và nhu cầu của các quốc gia khác nhau, các quốc gia thành viên khác nhau của COC sẽ phải được giải quyết”.

Mở rộng sau 24 năm

Hội nghị cấp cao lần thứ 42 cũng chứng kiến Đông Timor lần đầu tiên tham dự và dự kiến sẽ thông qua Lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên đầy đủ tại hội nghị lần này. Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 hồi tháng 11 năm ngoái, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về mặt nguyên tắc kết nạp Đông Timor làm thành viên thứ 11 của ASEAN, bắt đầu với tư cách quan sát viên. Như vậy, đây sẽ là lần mở rộng đầu tiên của ASEAN sau 24 năm, kể từ khi kết nạp quốc gia mới nhất là Campuchia năm 1999.

Đông Timor đã giành độc lập vào năm 1999 và được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận vào năm 2002, trở thành quốc gia trẻ nhất châu Á. Nước này ngay sau đó đã bắt đầu tiến trình gia nhập ASEAN, nhưng đến năm 2011 mới chính thức gửi đơn xin gia nhập.

Tuy chưa được kết nạp chính thức, song việc Đông Timor được phép hoặc được mời tham dự các cuộc họp của ASEAN ở các cấp khác nhau bao gồm cả hội nghị cấp cao thực sự là cam kết và quyết định chính trị của các nhà lãnh đạo ASEAN, đồng thời khẳng định rằng ASEAN sẽ hỗ trợ Dili xây dựng năng lực để có sự chuẩn bị tốt nhằm khai thác lợi thế từ việc trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN trong tương lai rất gần.

Việc kết nạp Timor Leste sẽ đóng góp vào quá trình hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, đưa Hiệp hội trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn tại khu vực. Nâng số thành viên của "mái nhà chung" lên 11 cũng sẽ giúp ASEAN ứng phó hiệu quả các thách thức trong tương lai, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Những ý tưởng, sáng kiến hợp tác được đưa ra và nhất trí tại Hội nghị lần này được kỳ vọng góp phần giúp các nước thành viên tiếp tục hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cũng như xây dựng tầm nhìn sau năm 2025. Thông qua đó, ASEAN tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong ứng phó các thách thức, đồng thời đưa ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng tại khu vực và trên thế giới.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/dinh-hinh-tam-nhin-moi-cho-asean-i327169/