Định hình phát triển vùng cửa ngõ giao thông
Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức được UBND tỉnh phê duyệt. Đây được xem là 'bản vẽ' định hình phát triển của khu vực đầu mối giao thông cửa ngõ của Đồng Nai trong tương lai.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà đồ án quy hoạch đặt ra là đến năm 2025, TT.Dầu Giây sẽ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh trong giai đoạn 2026-2030 trở thành vùng phát triển đô thị và công nghiệp của tỉnh.
Sẽ có 3 phân khu đô thị
Theo lộ trình được đề ra trong đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, TT.Dầu Giây sẽ được phát triển, trở thành đô thị loại IV vào năm 2025.
Đánh giá về tiềm năng phát triển đô thị của TT.Dầu Giây, đại diện Công ty CP Kiến trúc, đầu tư và thương mại Việt Nam (VARIC), đơn vị tư vấn lập đồ án cho rằng, đô thị Dầu Giây có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, xã hội để chuyển dần từ đô thị loại V lên loại IV trong tương lai. Bởi, đây là đô thị có vị trí chiến lược, nằm trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, đô thị Dầu Giây nằm ở vị trí tiếp cận thuận lợi với các đô thị lớn của tỉnh như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, TT.Trảng Bom, TT.Long Thành. TT.Định Quán… nên sẽ có sự ảnh hưởng phát triển của các đô thị trên. Cùng với đó, một lợi thế nữa của TT.Dầu Giây là quỹ đất phát triển đô thị còn nhiều và thuận lợi cho xây dựng, phát triển các khu thương mại dịch vụ mang tính chất tiểu vùng.
Theo đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TT.Dầu Giây có diện tích hơn 1,4 ngàn ha; quy mô dân số đến năm 2025 là 50 ngàn người và đến năm 2030 sẽ đạt 65 ngàn người.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, so sánh với một số đô thị như Gia Ray, Long Giao, Tân Phú, đô thị Dầu Giây có điều kiện thuận lợi để phát triển nhất.
Với những lợi thế đó, về tầm nhìn phát triển, đồ án quy hoạch chung điều chỉnh cũng xác định, trong tương lai, TT.Dầu Giây sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ đầu mối hạ tầng lớn của H.Thống Nhất và tỉnh Đồng Nai, động lực quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng tỉnh Đồng Nai và vùng TP.HCM.
Về định hướng phát triển đô thị, đồ án cũng phân chia đô thị Dầu Giây thành 3 phân khu gồm: phân khu 1 - khu trung tâm hành chính huyện; phân khu 2 - khu trung tâm giáo dục - đào tạo và phát triển đô thị; phân khu 3 - khu công nghiệp và đô thị.
Trong đó, phân khu 1 được xác định sẽ là khu trung tâm cửa ngõ phía Tây, phát triển đô thị với chức năng chính là trung tâm hành chính, giáo dục - đào tạo, nhà ở và công trình dịch vụ đô thị như: thương mại, dịch vụ, công viên cây xanh…
Đối với phân khu 2, sẽ là khu trung tâm cửa ngõ phía Đông, phát triển đô thị với chức năng chính là trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm hỗn hợp, thương mại dịch vụ và nhà ở.
Trong khi đó, với Khu công nghiệp Dầu Giây, phân khu 3 được xác định sẽ là khu trung tâm công nghiệp, phát triển với chức năng chính là công nghiệp, nhà ở, thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội.
Phát huy lợi thế “đầu mối” giao thông
Huyện Thống Nhất được xem là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất không chỉ của tỉnh Đồng Nai mà còn của cả nước. Với vị thế là đô thị trung tâm của H.Thống Nhất, TT.Dầu Giây thừa hưởng hầu như tất cả các lợi thế của một đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của cả nước.
Hiện nay, TT.Dầu Giây là đầu mối của hàng loạt tuyến giao thông kết nối huyết mạch của quốc gia như: tuyến đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 20, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Cùng với đó, thời gian tới, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng sẽ được triển khai thực hiện.
Ngoài các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, theo ông Vũ Xuân Dự, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Sở GT-VT), trong quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ có thêm nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được mở mới đi qua địa bàn. Cụ thể, trong 4 tuyến đường mở mới được bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh sẽ có 3 tuyến đường đi qua địa bàn H.Thống Nhất gồm: đường tỉnh 770B; đường tỉnh 763B và đường tỉnh 780B. Như vậy có thể thấy, hạ tầng giao thông sẽ là một trong những động lực phát triển quan trọng của TT.Dầu Giây trong tương lai.
Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất cho hay, trên địa bàn huyện hiện có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng sắp được triển khai xây dựng. Cùng với đó, theo quy hoạch giao thông của tỉnh, sẽ có 3 tuyến đường tỉnh mở mới đi qua địa bàn huyện. Chính vì vậy, việc quy hoạch các tuyến đường huyện để đón đầu và phát huy lợi thế từ các dự án giao thông này là hết sức quan trọng. Do đó, địa phương cũng đã rà soát, bổ sung quy hoạch các tuyến đường huyện nhằm tạo ra liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.