Định hình những công trình bảo vệ Tổ quốc

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, bước chân của cán bộ, nhân viên Trung tâm Tư vấn Khảo sát Thiết kế công trình quốc phòng (TVKSTK CTQP) thuộc Binh chủng Công binh đã in dấu khắp mọi miền Tổ quốc để nghiên cứu, định hình những công trình xây dựng với mục tiêu tăng cường phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Những bước chân không mỏi

Đến Trung tâm TVKSTK CTQP những ngày cuối tháng 5, chúng tôi chứng kiến không khí thi đua sôi nổi của các phòng, đội trong đơn vị hướng đến chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, lại gặp đúng lúc đoàn công tác của đơn vị chuẩn bị lên đường tới vùng biên giới. Ngoài máy móc, trang bị kỹ thuật phục vụ công việc, hành trang của các anh còn có bịch cá khô, mấy lọ muối vừng, mắm, muối, gạo... Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Trung tá Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng phòng Thiết kế cầu đường, giải thích: “Đây là chuyến công tác đi khảo sát tuyến đường tuần tra biên giới (TTBG) ở tỉnh Lạng Sơn, dự kiến kéo dài 20 ngày, phải dựng lán làm việc và sinh hoạt trong rừng núi, xa khu dân cư nên anh em phải chuẩn bị hậu cần chu đáo. Trong thời gian đó, chúng tôi khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, thu thập đầy đủ, chính xác các dữ liệu mang về tiến hành thí nghiệm xác định các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật phục vụ kịp thời cho thiết kế cơ sở, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công-tổng dự toán công trình”. Nhấc chiếc ba lô nặng trĩu thiết bị chuẩn bị bước lên xe, anh Sơn bảo: “Ba lô này khi về còn nặng hơn vì trong đó toàn đất, đá, mẫu vật nhà báo ạ”.

Để tìm được vị trí bảo đảm yêu cầu chiến thuật, phù hợp với điều kiện tác chiến xây dựng các công trình quốc phòng, bước chân những người lính khảo sát, thiết kế đã in dấu trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt biển, thậm chí đến những nơi chưa hề có dấu chân người. Biết bao công sức, bao giọt mồ hôi đã rơi ở những nơi rừng sâu, núi cao, đảo xa... để có thể vẽ nên hình dáng những công trình, những con đường phục vụ cho mục tiêu phòng thủ đất nước. Nhiệm vụ khẩn trương, yêu cầu cao nhưng cán bộ, nhân viên của đơn vị luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các anh đã có nhiều đêm thức trắng để hoàn thành những bản vẽ thiết kế thi công, hoàn thành các mẫu thí nghiệm cho kịp tiến độ.

 Cán bộ, nhân viên Trung tâm Tư vấn Khảo sát Thiết kế công trình quốc phòng trên hành trình đi khảo sát đường tuần tra biên giới Lạng Sơn (tháng 12-2009). Ảnh: HOÀNG NGỌC

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Tư vấn Khảo sát Thiết kế công trình quốc phòng trên hành trình đi khảo sát đường tuần tra biên giới Lạng Sơn (tháng 12-2009). Ảnh: HOÀNG NGỌC

Thượng tá Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm TVKSTK CTQP, bộc bạch: "Trong những năm qua, đơn vị đã trực tiếp thực hiện hoặc tham gia nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Quy hoạch, khảo sát, thiết kế các công trình phòng thủ; khảo sát, thiết kế các công trình huấn luyện chiến đấu... Bên cạnh đó, đơn vị còn được giao nhiệm vụ bảo quản một số công trình trọng điểm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng; hỗ trợ các đơn vị công binh toàn quân xử lý những sự cố, tình huống khó trong quá trình thi công. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển biển, đảo quê hương, những người chiến sĩ khảo sát, thiết kế cũng vượt sóng ra Trường Sa để làm nhiệm vụ"...

Góp sức vẽ tuyến đường mang dáng hình Tổ quốc

Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Binh chủng Công binh, cán bộ, nhân viên Trung tâm TVKSTK CTQP đã và đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được cấp trên giao tham gia thực hiện dự án xây dựng đường TTBG. Đây là tuyến đường mang dáng hình đất nước, kéo dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đi qua 25 tỉnh có biên giới đất liền.

Xây dựng đường TTBG là công việc đầy khó khăn, nguy hiểm vì tuyến đường qua địa bàn biên giới, khu vực trọng điểm chiến lược, núi cao, rừng rậm, vực sâu, địa chất không ổn định, thời tiết khắc nghiệt, dễ xảy ra mất an toàn... Trên “công trường vạn dặm” ấy, khó có thể nói hết những gian khổ mà các anh phải đối mặt: Những đêm nằm lán, ngủ rừng với bữa cơm đạm bạc nấu vội; những cơn mưa rừng xối xả và cả lũ ống, lũ quét; những đêm giá rét thấu xương trên những mỏm đá tai mèo sắc nhọn; những khu vực là địa bàn hoạt động của đối tượng phản động, có cả thú dữ, bom mìn sót lại sau chiến tranh; nhiều anh em đã "trải nghiệm" đau ốm, sốt rét giữa rừng sâu...

Hành trình đi khảo sát mở tuyến, các anh phải khám phá, vượt qua nhiều nơi chưa ai biết tới, chưa có lối đi, chưa rõ phía trước là gì, có gì. Địa hình hiểm trở, vận chuyển khó khăn nên ngoài thiết bị phục vụ công việc, đoàn công tác chỉ ưu tiên mang gạo, muối, lạc, đồ khô để ăn trong cả chuyến công tác, có khi kéo dài vài tháng. Rau thì tìm trong rừng, nếu may mắn bắt được cá suối thì bộ đội được bữa tươi cải thiện. Có những khi công việc phát sinh, lương thực mang theo đã cạn mà đang ở rất sâu trong rừng, các anh phải chọn phương án chia gạo ra nấu cháo, hoàn thành nhiệm vụ mới quay về. Còn chuyện bị voi rừng đuổi, bị ong đốt, đồng đội đau ốm phải khiêng bộ hơn chục cây số đường rừng đưa đi cấp cứu là “chuyện thường” trong hành trình của những người lính làm nhiệm vụ khảo sát, thiết kế công trình quốc phòng.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Ban, Trưởng phòng Tham mưu kế hoạch, từng là Đội trưởng Đội Khảo sát-Bảo quản, bồi hồi nhớ lại: “Tuyến đường đầu tiên mà đơn vị thực hiện khảo sát thiết kế là đường TTBG tỉnh Bình Phước. Khi nhận lệnh lên đường, chúng tôi chỉ được biết đó là đường quân sự, cần làm gấp. Công tác mở tuyến gặp nhiều khó khăn vì đây là tuyến độc đạo, không có đường ngang đi vào. Thời điểm đó, các thiết bị định vị vệ tinh hiện đại chưa có, chúng tôi phải nhờ người dân dẫn đường và dựa vào kinh nghiệm của bản thân để phát rừng mở tuyến. Chúng tôi chia thành nhiều tổ và nhiều đoạn để mở tuyến cho kịp tiến độ. Có những đoạn địa hình hiểm trở, hai tổ ở hai đầu đã nghe thấy tiếng gọi của nhau mà phải hai ngày làm việc cật lực mới thông được tuyến để gặp đồng đội. Khu vực khảo sát chính là “rốn” sốt rét của Bình Phước nên đoàn có 20 người thì hơn một nửa bị sốt rét”.

Có thể nói, mỗi chuyến công tác đối với những người lính khảo sát, thiết kế công trình quốc phòng là mỗi lần ra trận. Hiểm nguy, vất vả là thế nhưng giá trị và ý nghĩa lớn lao của tuyến đường TTBG, con đường khắc họa dáng hình Tổ quốc, góp phần quan trọng bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế-xã hội cho vùng biên cương đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp họ giữ vững quyết tâm, vượt mọi gian khó, hiểm nguy, tiến lên phía trước.

Tính đến nay, Trung tâm TVKSTK CTQP đã khảo sát thiết kế gần 500km đường TTBG thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Kon Tum, Gia Lai... Hiện, đơn vị đang triển khai thực hiện các tuyến tiếp theo thuộc tỉnh Lạng Sơn (một số đoạn tuyến còn lại), Cao Bằng, Sơn La, An Giang, Tây Ninh... giúp nối liền tuyến đường biên ải của Tổ quốc, góp phần hiện thực hóa chiến lược bảo vệ an ninh biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước, quân đội. Nhờ những con đường này, nhiều vùng biên cương hẻo lánh, xa xôi thuận lợi hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nối miền ngược với miền xuôi, giúp bà con nơi biên giới được gần hơn với thị thành...

Dù mới tròn 20 tuổi, nhưng Trung tâm TVKSTK CTQP đã đạt được nhiều thành tích tiêu biểu, được Đảng, Nhà nước, quân đội ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Nhiều năm liền, trung tâm được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nhiều tập thể và cán bộ, nhân viên được các cấp khen thưởng.

Ghi chép của NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dinh-hinh-nhung-cong-trinh-bao-ve-to-quoc-661848