Định giá startup nên dựa trên mục đích mua, bán

Theo các nhà đầu tư, trước khi rót tiền vào startup sẽ phải tính toán, định giá doanh nghiệp. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên phải xác định mục đích mua bán hay làm gì, sau đó dựa vào con số và yếu tố con người để đưa ra quyết định.

Xác định mục đích mua - bán để định giá startup

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thế kỷ CenGroup cho rằng, nguyên tắc đầu tiên khi định giá là phải xác định mục đích mua bán hay mục đích khác? Là người bán thì phải biết người ta mua để làm gì?

“Nếu bây giờ một doanh nghiệp đang ở giai đoạn tương lai sáng ngời thì người ta sẽ mua để đầu tư tài trợ. Còn doanh nghiệp sắp sửa chết đi thì người ta mua để lấy giấy phép, có khi là lấy mấy năm thâm niên của doanh nghiệp. Đôi khi có những doanh nghiệp mua lại để diệt. Thẩm định giá phụ thuộc vào mục đích bạn kêu gọi vốn và mục đích của người bỏ tiền ra đầu tư cái đó sẽ quyết định tất cả”, Shark Hưng nói.

Là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ, nói về định giá đối với startup, ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng), Giám đốc Quỹ Đầu tư Cyber Agent Việt Nam và Thái Lan thì cho rằng khi định giá, việc nhìn về thị trường rất quan trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng), Giám đốc Quỹ Đầu tư Cyber Agent Việt Nam và TháiLan. Ảnh Internet

Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng), Giám đốc Quỹ Đầu tư Cyber Agent Việt Nam và TháiLan. Ảnh Internet

“Đối với lĩnh vực công nghệ, tôi thường nhìn vào ý tưởng kinh doanh đấy là gì, làm gì, phục vụ cho ai, đối tượng nào, lợi thế cạnh tranh là gì và ai đang làm điều đấy, có người làm tốt không? Nếu không có người làm tốt thì mình làm tốt không, chiến lược để ra mắt thị trường là gì? Tiếp theo là làm sao chiếm lĩnh thị trường... Tất cả những cái đấy đều được chúng tôi cân nhắc và đưa vào các cuộc thảo luận rất kĩ”, Shark Dũng nói.

Nói về các thương vụ trên Shark Tank, ông Dũng nói rằng startup bị ông ép giá nhiều hơn bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi thẩm định có thể tăng giá.

“Góc nhìn đầu tư của mỗi người sẽ khác nhau, thông thường tôi không bình luận về góc nhìn của người khác. Tôi chỉ quan tâm đến góc nhìn của tôi thôi. Trong quá trình lựa chọn và đưa ra quyết định tôi sẽ tính toán dựa trên các con số mà các startup đang nói và quan trọng hơn là tôi sẽ nhìn thấy tiềm năng trong tương lai nhiều hơn ở hiện tại. Và tôi đưa ra con số phù hợp”, ông Dũng nói.

Định giá dựa trên yếu tố con người

Còn đối với “cá mập” Hưng, việc định giá doanh nghiệp được chia thành 2 loại chính. Thứ nhất, mua nhằm mục đích bổ sung vào hệ sinh thái của công ty.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thế kỷ CenGroup. Ảnh Internet

“Tôi kinh doanh bất động sản thế nên những gì có liên quan đến bất động sản thì tôi thường xởi lởi hơn trong việc ra giá. Tôi thấy rằng cái đó có giá trị đối với tôi. Còn nếu đầu tư vào lĩnh vực khác tôi thường đứng vào quan điểm của nhà đầu tư tài chính thuần túy. Mặc dù có thể tôi hướng dẫn các bạn nhưng không giúp được nhiều vì hệ sinh thái của chúng tôi không có tiềm lực, không bổ sung cho nhau được. Cái gì mang tính cộng hưởng thông thường tôi sẽ trả giá cao hơn so với cái đầu tư tài chính thông thường”, ông nói.

Ngoài ra Shark Hưng cũng lựa chọn cách định giá dựa trên con số các startup nói bởi vì định giá thị trường thì phải có nguyên tắc. Chúng ta tạm gọi là so sánh nhưng trong thực tế chả có startup nào giống nhau cả. Mô hình đó quá mới thì chưa có con số nào để so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành. Vì vậy đối với các bạn startup thật sự, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và những lĩnh vực mới thì việc định giá này thông thường các Shark cũng khá cảm tính.

Chủ yếu là đầu tư vào con người, bởi vì họ cũng đáng tin cậy, trong những mô hình mới như vậy tất cả các con số đều rất khó kiểm chứng. Các bạn đi gọi vốn thì cái tính đúng sai chưa chắc đã quan trọng bằng tính logic. Các bạn bị bóc phốt bởi vì cái bạn không logic với chính bản thân mình, cái đó quan trọng hơn là tính đúng sai.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/dinh-gia-startup-nen-dua-tren-muc-dich-mua-ban-d165083.html