Dinh dưỡng và vận động cho trẻ thừa cân, béo phì sau khi mắc Covid-19

Khi trẻ thừa cân, béo phì mắc Covid-19, các hệ cơ quan và sức khỏe tinh thần dễ chịu ảnh hưởng bởi virus. Do đó, sau khi khỏi bệnh, trẻ cần có chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.

Không nên cắt giảm, gia tăng lượng thức ăn: Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ bị thừa cân béo phì khi mắc Covid-19 có nguy cơ diễn biến nặng và chậm hồi phục hơn những trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường. Do vậy, trong giai đoạn bị bệnh và sau khi khỏi Covid-19, phụ huynh không nên cắt giảm hoặc gia tăng lượng thức ăn đối với trẻ thừa cân, béo phì đang điều trị tại nhà, nên ăn đúng, ăn đủ theo nhu cầu lứa tuổi. Việc này giúp đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng giúp cơ thể chống đỡ với bệnh tật và hồi phục sức khỏe.

Chế độ ăn đủ năng lượng và chất đạm: Cụ thể, để có cơ thể và hệ miễn dịch khỏe mạnh, trẻ cần có chế độ ăn đủ năng lượng và chất đạm theo nhu cầu lứa tuổi. Chế độ ăn cần đa dạng nhiều loại thực phẩm, cung cấp đủ các vitamin và chất khoáng tham gia vào hệ miễn dịch như vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm, selen, flavonoid, omega-3, probiotic…

Tham khảo tháp dinh dưỡng: Các phụ huynh nên tham khảo Tháp dinh dưỡng theo lứa tuổi (khuyến nghị bởi Viện Dinh dưỡng quốc gia) để ước tính lượng thực phẩm phù hợp theo nhu cầu ở độ tuổi đó, đảm bảo đủ lượng rau củ quả. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đảm bảo đủ 3 bữa chính, bữa phụ sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho trẻ. Đồng thời, việc phân bố bữa ăn hợp lý trong ngày, ăn nhiều hơn vào bữa sáng, bữa trưa và ít hơn vào bữa tối cũng giúp trẻ kiểm soát cân nặng.

Thực đơn đa dạng: Gợi ý một số món ăn cân bằng dinh dưỡng cho trẻ thừa cân, béo phì sau khi khỏi Covid-19, PGS.TS Bùi Thị Nhung cho biết nên chế biến các món ăn lành mạnh, phù hợp với khẩu vị của trẻ: Ít đường, muối và chất béo. “Trẻ thường không thích ăn rau, nhất là rau luộc. Do đó, khi chế biến các món rau xào, cần phối hợp thực phẩm giúp trẻ ăn ngon miệng nhưng lại không có nhiều dầu mỡ. Ví dụ món rau cải ngọt nấm xào tôm, canh bắp cải bí đỏ nấu thịt, thịt kho rau củ, trứng chiên tôm thịt rau củ, rau muống cà rốt xào thịt bò, canh rau thập cẩm nấu tôm, canh cải xanh nấu ngao…”, PGS.TS Nhung chia sẻ.

Kết hợp chế độ luyện tập: Để có cơ thể khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt, ngoài ăn uống hợp lý, trẻ còn cần có chế độ luyện tập thích hợp. Theo đó, trẻ nên duy trì tập luyện hàng ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, bệnh nhân sau mắc Covid-19 cần có tham khảo bác sĩ để có thể quay lại tập luyện đúng cách sau khi hết triệu chứng.

Tập luyện với cường độ tăng dần: Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, thời điểm tập luyện tối ưu và an toàn được khuyến cáo là sau 7-10 ngày hết triệu chứng Covid-19. Khi tập trở lại, trẻ nên tập với cường độ thấp và tăng dần cường độ. Cha mẹ nên chia 5 giai đoạn tập luyện (mỗi giai đoạn 7 ngày) bắt đầu từ mức nhẹ với cường độ tăng dần, để trẻ thừa cân, béo phì sau mắc Covid-19 có thể thích ứng dần dần với tập luyện. Đây cũng là khuyến cáo từ các y bác sĩ thể thao tại Bệnh viện Phẫu thuật đặc biệt (HSS), New York, Mỹ.

Sắp xếp lịch sinh hoạt phù hợp: Sau khi mắc Covid-19, nhiều trẻ thừa cân, béo phì có các triệu chứng như ho, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn hành vi, mất vị giác… kéo dài. “Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ thừa cân, béo phì cũng như người bệnh sau Covid-19 lúc này rất quan trọng. Khi có chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý, cơ thể dần hồi phục khỏe mạnh hơn, sức khỏe tinh thần của trẻ cũng sẽ tốt hơn”, PGS.TS Nhung cho ý kiến.

Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình truyền thông “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam” vì một thế hệ trẻ em cao lớn, thông minh vượt trội, chuẩn BMI.

Giang Tiểu San

Đồ họa: Dương Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dinh-duong-va-van-dong-cho-tre-thua-can-beo-phi-sau-khi-mac-covid-19-post1317158.html