Dinh dưỡng trong điều trị ung thư đầu cổ và thực quản

Nói đến ung thư vùng đầu cổ là nói đến những khối u ác tính ở vùng đầu và cổ, bao gồm miệng, mũi, họng, thanh quản và các xoang.

Biểu hiện thường gặp của ung thư đầu cổ và ung thư thực quản là những vết loét khó liền, nuốt khó và nổi hạch vùng cổ.

Ung thư vùng đầu cổ có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt trên 90%, nhưng nếu ở giai đoạn tiến triển thì tiên lượng rất xấu. Ở Việt Nam, ung thư đầu cổ đứng hàng thứ 3 và ung thư thực quản đứng hàng thứ 5 trong số các loại ung thư thường gặp. Ung thư vùng đầu cổ và thực quản đặc biệt có ảnh hưởng không nhỏ tới dinh dưỡng của người bệnh. Các vấn đề về dinh dưỡng thường gặp ở người bệnh ung thư vùng đầu cổ và thực quản.

Sụt cân và suy dinh dưỡng: Sụt cân không chỉ ảnh hưởng tới tiên lượng bệnh mà còn liên quan tới giảm hoạt động chức năng và giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới liệu trình điều trị. Sụt cân trong khi xạ trị vùng đầu cổ có thể làm mất tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp này. Trong hóa trị, sụt cân còn cản trở người bệnh không nhận được liều điều trị tối ưu.
Viêm tuyến nhày, cứng hàm, khô miệng, xơ hóa thanh quản dẫn tới thay đổi mùi vị, giảm thèm ăn. Với bệnh nhân ung thư thực quản, các biểu hiện thường gồm viêm tuyến nhày, đau thực quản và nuốt khó, trong đó nuốt khó gặp phải trên 90% bệnh nhân ung thư thực quản khiến biểu hiện này trở nên đặc hiệu ở nhóm bệnh nhân này.

Sưng, đau, nhai khó, nuốt nghẹn tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt khẩu phần. Giảm hứng thú ăn uống cũng là một vấn đề ở bệnh nhân ung thư đầu cổ và thực quản. Bệnh nhân nuốt khó sau điều trị liên quan tới giảm rõ rệt chất lượng cuộc sống và tăng lo âu, hồi hộp cho người bệnh. Do đó bệnh nhân ung thư thực quản và dạ dày nên được hỗ trợ về tiết chế và chức năng ngôn ngữ trong vài tháng sau khi kết thúc điều trị và họ cũng không thể quay lại được chế độ ăn bình thường mà không cần bổ sung dinh dưỡng.

Tiêu chảy, buồn nôn và nôn: Tiêu chảy, nôn và buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp do một số loại hóa chất gây nên. Nếu không kiểm soát tốt, tiêu chảy có thể gây mất dịch, điện giải, suy dinh dưỡng và kéo dài thời gian nằm viện. Tuyến nhày đường ruột và quá trình tiêu hóa thực phẩm cũng bị ảnh hưởng, do đó ảnh hưởng tới sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở các mức độ khác nhau, làm giảm chuyển hóa năng lượng, protein và vitamin.

Một số lời khuyên dinh dưỡng: Duy trì cân nặng khỏe mạnh, cung cấp chế độ ăn giàu năng lượng và protein mỗi ngày; ăn đa dạng các loại thực phẩm. Thay vì sử dụng các thực phẩm thông thường gây khó nhai, nuốt nghẹn có thể chế biến các thực phẩm dưới dạng lỏng, nhuyễn mịn như súp, sữa, sinh tố, nước ép hoa quả tươi.

Bệnh nhân cũng nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày có thể từ 6 - 8 bữa thay vì ăn 3 bữa chính để cung cấp được nhiều năng lượng hơn.

Cử nhân Nguyễn Thị Loan - Khoa Dinh dưỡng, BV Ung bướu Hà Nội

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuocdinh-duong-dinh-duong-trong-dieu-tri-ung-thu-dau-co-va-thuc-quan-362885.html