Dinh dưỡng đầy đủ mà con vẫn thấp lùn, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân quan trọng

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận từ 30-50 trẻ được gia đình đưa đến khám vì chậm tăng trưởng chiều cao, dù chế độ ăn uống, dinh dưỡng rất đầy đủ…

Mỗi ngày có 30-50 trẻ đến BV Nhi Trung ương khám vì chậm tăng trưởng chiều cao

Mỗi ngày có 30-50 trẻ đến BV Nhi Trung ương khám vì chậm tăng trưởng chiều cao

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày, các bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết-Chuyển Hóa-Di truyền của bệnh viện này tiếp nhận từ 30-50 trẻ được gia đình đưa đến khám chậm tăng trưởng chiều cao.

Nhiều phụ huynh đến viện trong tình trạng rất lo lắng, vì dù đã bổ sung dinh dưỡng tốt nhất nhưng chiều cao của trẻ vẫn tăng trưởng chậm, trong khi đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ.

Chẳng hạn bé gái Nguyễn L.A (17 tháng tuổi, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì chỉ cao 59 cm (chiều cao của trẻ cùng độ tuổi là 74 -86 cm), tức dưới -7.6 SD (trẻ bình thường chiều cao nằm trong khoảng -2SD đến 2SD).

Tương tự, bé trai Trần Văn M. (6 tuổi 3 tháng, ở Hải Phòng) đến khám với chiều cao 94 cm (chiều cao bình thường của trẻ độ tuổi này là 117 – 127 cm), dưới -4,7SD…

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như: suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng…

Trong đó, thiếu hóc môn tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ dù ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nhưng vẫn chậm tăng trưởng chiều cao, tỷ lệ mắc bệnh này khoảng 1/4000 – 1/10.000 trẻ.

Lý do vì hóc môn tăng trưởng là hóc môn cần thiết để giúp cơ thể trẻ phát triển chiều cao. Ngoài ra, hóc môn tăng trưởng còn giúp chuyển hóa làm giảm khối mỡ, tăng khối cơ trong cơ thể. Trẻ em thiếu hóc môn tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch.

Nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hóc môn tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành.

Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, việc theo dõi chiều cao của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng là rất cấn thiết, giúp bố mẹ biết được chiều cao và tăng trưởng của con có bình thường hay không. Từ đó cần đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán.

Với trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hóc môn tăng trưởng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Với bệnh này, tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/dinh-duong-day-du-ma-con-van-thap-lun-bac-si-chi-ra-nguyen-nhan-quan-trong/814422.antd