Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời ảnh hưởng lớn tới tầm vóc, thể lực

Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời chính là nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế phối hợp cùng Mạng lưới các Tổ chức xã hội vì Dinh dưỡng Việt Nam (SUN CSA) tổ chức hội thảo thúc đẩy triển khai Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam".

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng trong 1.000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai.

Phân tích về vai trò của dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em cho biết, 1.000 ngày vàng chính là thời điểm từ lúc người mẹ có thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Do vậy, đầu tư vào dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này (1.000 ngày đầu đời) chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của bé.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng trong 1.000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai.

Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành.

Ngược lại, trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ.

Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Ngược lại, nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ sẽ trở thành một người trưởng thành cao lớn.

Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: Bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày- nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2).

Dù có vai trò quan trọng như vậy song theo Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, hiện nay, có nhiều bà mẹ vẫn chưa được trang bị tốt các kiến thức cần thiết này do hạn chế trong công tác tuyên truyền của các địa phương. Đặc biệt, việc tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ vẫn còn hạn chế.

Theo Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” do Thủ tướng ký ban hành đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 11%. Riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dưới 15%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%;

Mục tiêu quan trọng được đặt ra là 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 70% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.

Đến năm 2030, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 19%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 7%;

Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 20%, riêng ở vùng miền núi dưới 23,5%; 85% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 30% bà mẹ cho trẻ mẹ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 70% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 80% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dinh-duong-1000-ngay-dau-doi-anh-huong-lon-toi-tam-voc-the-luc-d141161.html