Định danh người phóng tác vở kịch nổi tiếng

Vở kịch 'Cậu đồng' là một trong những tác phẩm đầu tiên làm nên thương hiệu Sân khấu IDECAF - TPHCM. Vở kịch 'Cậu đồng' được đạo diễn Trần Minh Ngọc dàn dựng và công diễn vào năm 1998. Suốt 22 năm qua, vở kịch 'Cậu đồng' vẫn thường xuyên tái diễn theo yêu cầu của khán giả. Sau đợt giãn cách xã hội tháng 4/2020, sân khấu IDECAF vừa mở màn trở lại thì vở kịch 'Cậu đồng' cũng đã cháy vé, khi giới mộ điệu nối nhau đến rạp để xem diễn viên Thành Lộc trổ tài. Tuy nhiên, điều đó không khiến những người thực hiện vở kịch 'Cậu đồng' hớn hở bằng việc họ tìm ra người phóng tác kịch bản này.

Một cảnh trong vở kịch "Cậu Đồng".

Một cảnh trong vở kịch "Cậu Đồng".

Tấm biển quảng cáo mới nhất của Sân khấu IDECAF vừa giới thiệu vở kịch “Cậu đồng” với dòng chữ lớn “Dịch giả và chuyển thể Việt hóa: Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Sự hớn hở ấy bắt nguồn từ đâu? Lâu nay, vở kịch “Cậu đồng” được dàn dựng dựa theo một tập kịch bản đánh máy không ghi tên tác giả, nên được mặc định là người vô danh cảm tác từ hài kịch Molier. Mới đây, giới sưu tầm sách cũ đã phát hiện cuốn sách “Cậu đồng” do Nhà xuất bản Hương Quê ấn hành tại Sài Gòn năm 1958. Trên cuốn sách chú thích “Việt hóa hài kịch Le Tartuffe của Molier”. Người đứng tên cuốn sách “Cậu đồng” là Nhất Hạnh, trong lời tựa đã chứng minh hoàn thành việc phóng tác vào mùa xuân năm 1953.

Sự hân hoan loan báo “Dịch giả và chuyển thể Việt hóa: Thiền sư Thích Nhất Hạnh” của Sân khấu IDECAF có gì bất ổn không? Tìm được tác giả hoặc dịch giả cho một tác phẩm khuyết danh luôn là việc đáng mừng. Thế nhưng, khái niệm “dịch giả và chuyển thể Việt hóa” quá rông dài và hơi chệch choạc. Mặt khác, ai cũng biết Nhất Hạnh là bút danh của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhưng không thể đồng nhất danh phận và đạo phận. Khi viết lách, thì chỉ có tác giả hoặc dịch giả Nhất Hạnh. Còn khi tu hành, thì chỉ có thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hai tư cách khác biệt của một con người, phải được tôn trọng tuyệt đối. Trừ khi chính tác giả tự chỉnh sửa việc ký tên trên tác phẩm, ngoài ra không ai được phép thay thế hoặc hoán đổi bút danh “Nhất Hạnh” và “Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Lẽ ra, nỗi hân hoan “Dịch giả và chuyển thể Việt hóa: Thiền sư Thích Nhất Hạnh”, cần gọn gàng và đúng đắn hơn là “Phóng tác: Nhất Hạnh”. Hãy lưu ý, thời điểm công bố "Cậu đồng", thì vai trò của người phóng tác cũng chưa được xưng tụng là "Thiền sư Thích Nhất Hạnh".

Phải gọi “Cậu đồng” là sản phẩm phóng tác hài kịch Molier, vì “Cậu đồng” không hề đảm bảo 100% nội dung của nguyên tác “Le Tartuffe”. Vở kịch “La Tartuffe” được nhà hài kịch vĩ đại nhất của nước Pháp - Molier (1622-1673) viết năm 1664. Vở kịch “Le Tartuffe” (Bịp bợm) được biểu diễn ở các quốc gia khác với tên tiếng Anh là “The Impostor” (Kẻ mạo danh) hoặc “The Hypocrite” (Đạo đức giả).

LTN

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dinh-danh-nguoi-phong-tac-vo-kich-noi-tieng-133226.html