Đinh Công Tường - Người lưu giữ vẻ đẹp của 'một thời vang bóng'

Kỷ lục gia Đinh Công Tường được Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao bằng kỷ lục Châu Á về người sở hữu Bộ sưu tập Gốm Bản địa Việt Nam lớn nhất châu Á (hơn 1.500 hiện vật).

Trong các thú vui của con người thì có thể nói rằng thú sưu tầm đồ cổ là một trong những thú tiêu khiển tao nhã nhưng cũng không kém phần đắt đỏ. Thông thường khi nhắc đến sưu tầm đồ cổ người ta thường hay nghĩ đến những người rất đặc biệt. Bởi vì để sở hữu được một món đồ cổ có giá trị không chỉ tốn tiền mà còn phải tốn công sức săn lùng và cả tình cảm tâm huyết lòng say mê đối với cổ vật ấy. Có lẽ anh Đinh Công Tường – nhà sưu tầm đồ cổ ở Quận 12, là một trong số ít những người đặc biệt hiếm hoi ấy.

Kỷ lục gia Đinh Công Tường nhận bằng xác lập Kỷ lục châu Á (4-2019)

Kỷ lục gia Đinh Công Tường nhận bằng xác lập Kỷ lục châu Á (4-2019)

Sinh ra ở Hà Nội nhưng sau ngày đất nước thống nhất anh chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Khởi đầu với hai bàn tay trắng, cũng như bao nhiêu người lao động thời đó anh cũng chật vật từ việc đi bán báo, thu gom rác, làm bồi bàn, bán trái cây ... để mưu sinh. Ai đã từng tiếp xúc với Đinh Công Tường đều ấn tượng bởi vẻ ngoài chất phác, giản dị và cả cách nói chuyện rất bình dân dễ gần. Đinh Công Tường vẫn thường tự nhận mình là nông dân và có lẽ trong những tháng ngày vất vả của thời niên thiếu chưa bao giờ anh nghĩ rằng có ngày mình sở hữu được một bộ sưu tập hơn 100.000 cổ vật và trở thành kỷ lục gia về bộ sưu tập gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương. Bước vào cơ ngơi của Đinh Công Tường (Khu phố 5, Phường Hiệp Thành, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh) ta như lạc vào một thế giới khác. Ngôi nhà giản dị xanh mát tọa lạc trên diện tích đất khoảng 600 mét vuông nhưng chứa không biết cơ man nào là đồ cổ. Cổ vật nhiều đến nỗi chúng nằm ở khắp mọi nơi, từ gầm giường, gầm tủ, góc nhà có khi tràn ra tận ngoài vườn, trên lối đi... Điều đó cho thấy sự bình dị cũng như niềm say mê mãnh liệt về đồ cổ của nhà sưu tầm Đinh Công Tường. Cổ vật của anh rất đa dạng và nhiều chủng loại không giống như những nhà sưu tầm khác là chỉ chuyên về một loại hay một dòng nào đó. Các cổ vật gốm sứ đều thuộc hàng độc và lạ từ tô, chén, dĩa, ché, bình, chum, thìa, chân đèn, bình trà..., không chỉ là đồ cổ Việt Nam mà còn xuất xứ từ nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Singapo, Pháp, Nhật bản, Hồng Kông... Ngoài các cổ vật gốm sứ anh còn sưu tập nhiều cổ vật bằng đồng, bạc, đá quý, gỗ hiếm...

Kho cổ vật với hàng trăm ngàn hiện vật quý hiếm

Nhiều cổ vật của anh thuộc hàng cực hiếm không phải ai cũng dễ có được như bình gốm men lục thời Lý, đĩa cổ Mai Hạc thời Nguyễn, tượng Chăm… Nhưng tuy nhiên đối với anh mỗi món đồ mà anh sưu tầm được nó không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn thỏa mãn niềm đam mê gần như đã thấm vào máu thịt. Bởi lẽ để sở hữu được một món đồ cổ anh phải bỏ công sức lặn lội đi tìm mà không màng xa xôi cách trở nhưng cũng lắm khi trở về tay trắng. Ông bà ta nói đúng “Nghề chơi cũng lắm công phu” nhưng trong cái thú sưu tầm đồ cổ này công phu lại tốn nhiều vô kể, có sẵn tiền, có sẵn đam mê nhưng chưa chắc có được món đồ ưng ý bởi vật đến tay người còn phải là duyên. Thấu hiểu được điều đó nên nhà sưu tầm Đinh Công Tường chưa bao giờ nản chí, hơn hai mươi năm mải miết tìm kiếm, mỗi một món cổ vật mà anh tìm thấy là một nguồn động viên để anh tiếp tục con đường của mình. Bộ sưu tập của anh nhiều như thế nhưng anh có thể kể rành rọt gốc gác của từng món cũng như cơ duyên mà anh tìm thấy được. Hơn hai mươi năm qua dấu chân anh in khắp xuôi ngược khắp miền đất nước thậm chí ở những nơi hải đảo xa xôi và cả nước ngoài nữa. Đi đến đâu anh cũng dành thời gian truy tìm cổ vật để làm giàu thêm “kho tàng” của mình. Nhiều người vẫn nghĩ rằng anh là “đại gia” nhưng với anh, anh chưa bao giờ cho rằng mình giàu có. Gặp ai anh cũng thân tình cởi mở tâm sự chuyện đời hoặc cùng chia sẻ thú vui đồ cổ, niềm hạnh phúc rất bình dị nhưng cũng không kém phần tinh tế khi thưởng lãm cái đẹp của người xưa.

Kỷ lục gia Đinh Công Tường đến với chiến sĩ tại đảo Đá Lát - Trường Sa

Vốn xuất thân từ nghèo khó cho nên bây giờ tạm gọi là thành đạt anh vẫn không quên giúp đỡ những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Ngoài việc sưu tầm đồ cổ Đinh Công Tường còn là một nhà hảo tâm giàu lòng nhân ái. Anh là một gương mặt quen thuộc trong những chuyến đi làm thiện nguyện không chỉ ở Việt Nam mà còn sang Lào và Campuchia. Mơ ước lớn nhất của anh là mở một bảo tàng tư nhân để lưu giữ những cổ vật cho thế hệ sau chiêm ngưỡng, tìm hiểu về các nền văn hóa cổ xưa. Từ cách sống của anh, ta chợt liên tưởng đến một triết lý nhân sinh vô cùng đơn giản nhưng ý nghĩa: đừng tham lam như con kiến chỉ biết lấy của thiên hạ về làm của riêng mình, nhưng cũng đừng ngu ngốc như con nhện chỉ biết rút ruột nhả tơ mà phải như con ong cần mẫn đi tìm mật rồi lại tạo ra mật ngọt và trao lại cho đời.

Độc bình cổ quý hiếm trong kho đồ cổ của Đinh Công Tường

Có lẽ cái thú nhất của việc sưu tầm đồ cổ là không thể biết trước mình sẽ tìm được thứ gì, giá trị đến đâu. Và cũng có lẽ không có nhà sưu tầm đồ cổ nào có thể định giá hết được bộ sưu tập của mình. Giá trị của một cổ vật không bao giờ là cái hữu hình có thể nhìn thấy được bởi có khi nó còn “gánh vác” cả tinh hoa của một nền văn hóa. Thật đáng quý biết bao những nhà sưu tầm đồ cổ như Đinh Công Tường – Người tìm tòi, gìn giữ vẻ đẹp của “Một thời vang bóng”.

CHÂU TRƯỜNG THANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dinh-cong-tuong---nguoi-luu-giu-ve-dep-cua-mot-thoi-vang-bong-d96627.html