Đình công tại Pháp nổ ra trên toàn quốc vì lạm phát tăng cao

Ngày 18/10, các công đoàn Pháp bắt đầu đình công trên toàn quốc, yêu cầu mức lương cao hơn trong bối cảnh lạm phát ở mức cao nhất nhiều thập kỷ. Đây là thách thức khó khăn nhất của chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ khi tái đắc cử hồi tháng 5.

Người dân Pháp xuống đường biểu tình vì lạm phát tăng cao. Ảnh: Reuters

Người dân Pháp xuống đường biểu tình vì lạm phát tăng cao. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các cuộc đình công và biểu tình được lên kế hoạch trên khắp nước Pháp, trong đó người lao động sẽ bắt đầu xuống đường tại thủ đô Paris lúc 12h địa phương (tức 19h giờ Việt Nam). Hoạt động tuần hành trên các tuyến đường được dự báo sẽ ảnh hưởng đến các dịch vụ công cộng như trường học và giao thông.

Đây là một phần của phong trào biểu tình vốn kéo dài nhiều tuần qua tại Pháp, làm gián đoạn hoạt động tại các nhà máy lọc dầu lớn và khiến nguồn cung của các trạm xăng dầu bị rối loạn. Nhiều trạm xăng không còn hàng để bán cho người dân và chỉ 30% số trạm được cung ứng xăng dầu.

Học sinh Pháp chặn lối vào trường trung học Lycee Montaigne để biểu tình trong khuôn khổ ngày đình công toàn quốc ở Paris, ngày 18/10. Ảnh: Reuters

Trước đó, Chính phủ Pháp hôm 17/10 đề nghị người lao động quay trở lại làm việc, nhưng một số nghiệp đoàn vẫn kêu gọi tiếp tục đình công. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố thời gian đàm phán giữa chính phủ và các công đoàn đã kết thúc. Giới chức nước này buộc phải sử dụng quyền hạn khẩn cấp để yêu cầu công nhân tại kho dầu ở khu vực Đông Nam trở lại làm việc.

“Không biết sẽ có thêm bao nhiêu yêu cầu được cho là cần thiết. Việc tiếp tục phong tỏa các nhà máy lọc dầu ngay cả khi đã đạt được thỏa thuận về tiền lương - đây không phải là một tình huống bình thường”, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran cho biết.

Trong khi đó, công đoàn CGT - công đoàn lớn nhất nước Pháp – tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc đình công tại TotalEnergies vào ngày 19/10, mặc dù tập đoàn dầu mỏ này cuối tuần trước đã đạt được thỏa thuận bao gồm mức tăng lương 7% và tiền thưởng. CGT cho biết, mức lương cần tăng thêm 10% với lý do người lao động đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tập đoàn này đang thu lợi nhuận khổng lồ.

Công đoàn CGT tuyên bố kéo dài các cuộc đình công tại TotalEnergies. Ảnh: Reuters

Trước diễn biến có thể xảy ra từ cuộc đình công, công ty đường sắt Eurostar hôm nay thông báo đang hủy một số chuyến tàu giữa London và Paris do ảnh hưởng của cuộc đình công trên. Cùng ngày, nhà điều hành đường sắt công cộng SNCF của Pháp cho biết lưu lượng trên các tuyến liên tỉnh đã giảm 50%, nhưng các tuyến quốc gia không xảy ra sự gián đoạn lớn.

Tình trạng căng thẳng gia tăng trong nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực đồng tiền chung Eurozone khiến các cuộc đình công đã lan sang các bộ phận khác của ngành năng lượng, bao gồm cả tập đoàn hạt nhân khổng lồ EDF. Việc gián đoạn hoạt động ở đây có thể làm trì hoãn công việc bảo trì quan trọng đối với nguồn cung cấp điện của châu Âu.

Hàng dài ô tô xếp hàng chờ đổ xăng trong bối cảnh các cuộc biểu tình kéo dài khiến nguồn cung gián đoạn. Ảnh: Reuters

Một đại diện của liên minh công đoàn FNME-CGT hôm 17/10 cho biết, các cuộc đình công đang ảnh hưởng đến hoạt động tại 10 nhà máy điện hạt nhân của Pháp, cũng như gây ra tình trạng trì hoãn việc bảo trì 13 lò phản ứng. Điều này khiến sản lượng điện của Pháp giảm tổng cộng 2,2 Gigawatt.

Trước đó, hôm 16/10, hàng nghìn người dân Pháp đã xuống đường ở Paris để phản đối tình trạng giá cả tăng vọt. Lãnh đạo đảng cực tả La France Insoumise (France Unbowed), ông Jean-Luc Melenchon đã tuần hành cùng với người đoạt giải Nobel Văn học năm nay, bà Annie Ernaux.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dinh-cong-tai-phap-no-ra-tren-toan-quoc-vi-lam-phat-tang-cao-post12895.html