Đình cổ trên đất Ngọc Sơn

Đình Phúc Xá mang trong mình những giá trị với thời đại, song hành với tiến trình lịch sử hình thành tên ấp, tên làng của vùng đất Thanh Chương nói chung, Ngọc Sơn nói riêng.

Đình Phúc Xá

Theo “Lý lịch di tích đình Phúc Xá”, dù các tài liệu ghi chép về lịch sử xây dựng đình không còn, nhưng các cụ cao niên trong vùng cho biết: Việc xây dựng đình đã được bàn kĩ qua nhiều cuộc họp, mục đích là chọn hướng, chọn thợ và chi phí dựng đình. Để chọn được vị trí thích hợp xây dựng, làng đã mời các thầy địa lý giỏi về nghiên cứu địa hình. Sau khi xem xét địa thế của làng, thầy địa lý đã chọn rú Đấng làm nơi dựng đình (nay là làng Lam Hồng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương).

Dưới thời Nguyễn, đình Phúc Xá được xây dựng với một tòa kiến trúc đồ sộ gồm năm gian, hai chái.

Cho đến năm Mậu Thìn (1928), đình được tôn tạo lại.

Đình ngoảnh mặt theo hướng Tây Nam, lấy sông Gang hiền hòa làm minh đường. Lưng đình có rú Đấng bao bọc, vừa làm hậu chẩm, thế “tọa sơn vọng thủy”. Qua các thời kỳ lịch sử, tuy vị trí của đình được giữ nguyên nhưng địa danh hành chính gắn với di tích có sự thay đổi.

Thời vua Tự Đức (1848 - 1883), di tích thuộc thôn Phúc Xá, xã Đông Liệt, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, tỉnh Nghệ An. (Đầu thời Nguyễn lấy lại tên cũ là trấn Nghệ An, năm Minh Mệnh thứ 12 (1832) chia đặt tỉnh hạt trong toàn quốc, lúc này gọi là tỉnh Nghệ An).

Đến thời vua Đồng Khánh (1886 - 1888), xã Đông Liệt đổi tên thành xã Văn Lâm, huyện Nam Đường đổi thành huyện Nam Đàn.

Năm Đồng Khánh thứ nhất, vì kỵ húy (tên cúng cơm của vua Đồng Khánh là Nguyễn Phúc Đường) đổi Nam Đường thành Nam Đàn.

Đình Phúc Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An

Đình Phúc Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An

Niên hiệu Duy Tân năm thứ nhất (1907), cắt tổng Nam Kim ở phía đông huyện Thanh Chương nhập vào huyện Nam Đàn. Đồng thời cắt phần lớn tổng Xuân Lâm và tổng Đại Đồng nhập vào huyện Thanh Chương. Thời điểm này di tích thuộc thôn Phúc Xá, xã Văn Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 1945, xã Văn Lâm đổi thành xã Mai Lâm. Di tích thuộc thôn Phúc Xá, xã Mai Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 1954, xã Mai Lâm chia thành 3 xã: Thanh Lam, Thanh Nam, Thanh Trường. Di tích thuộc thôn Phúc Xá, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Theo “Thanh Chương xưa và nay”, Trần Kim Đôn chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 2010, tr 68).

Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh tách thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cũng từ đó, di tích đình Phúc Xá thuộc làng Lam Hồng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho đến tận bây giờ.

Mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa

Sách Khâm định Việt sử không giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi, Mai Thúc Loan là “người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc”.

Làng Mai Phụ xưa nay thuộc xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Mai Phụ, bà mẹ họ Mai đã dời lên Ngọc Trừng, nay thuộc xã Nghĩa Thái, huyện nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhiều truyền thuyết dân gian, gia phả, văn tế, hát chầu văn… đều xác nhận quê hương của họ Mai từ Mai Phụ dời lên Ngọc Trừng.

Đình thờ thần chủ Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế...

Đình thờ thần chủ Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế...

Mai Thúc Loan (sinh khoảng cuối thế kỷ 7, mất 722) ở động Cồn Chèm (làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, Nam Đàn).

Theo truyện Hương lãm Mai Đế ký trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh, thì Mai Thúc Loan có cha tên là Mai Sinh và mẹ là Vương Thị. Khi sinh ra Mai Thúc Loan, ông bà Mai Sinh đã căn cứ vào một giấc mộng của bà lúc sắp sinh. Chồng bà bèn đặt tên con là Phượng, tên tự là Thúc Loan, để ghi lại cái điềm được thấy trong giấc mộng.

Hầu hết các tư liệu đều cho rằng, năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi hái củi bị hổ giết hại, chẳng bao lâu cha mất, vị vua tương lai rơi vào cảnh mồ côi. Điều may mắn là một người bạn của cha Mai Thúc Loan là Đinh Thế đã đem Mai Thúc Loan về nuôi, coi ông như con đẻ và sau đó gả con gái Ngọc Tô cho ông.

Tháng 4/713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, sử gọi ông là Mai Hắc Đế (Mai Hắc Đế mang mệnh thủy tức là nước, mà nước được tượng trưng là màu đen. Vì vậy, ông lấy hiệu là Hắc Đế để hợp với mệnh của mình (theo Việt điện u linh) chứ không phải là do màu da đen mà nhiều người tưởng nhầm). Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sỹ.

Cuộc nổi dậy của ông được hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và có cả sự liên kết với Lâm Ấp và Chân Lạp. Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào năm Khai Nguyên thứ nhất đời vua Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, tức năm Quý Sửu (năm 713). Khởi nghĩa nổ ra tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (Nghệ An).

Từ thời điểm đánh chiếm Hoan Châu, lên ngôi vua, củng cố lực lượng, Mai Thúc Loan đã giải phóng toàn bộ đất nước và giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713 - 722), không phải cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo nổ ra và bị dập tắt ngay trong cùng một năm 722 như các tài liệu phổ biến hiện nay.

Đánh giá cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, sách “Lịch sử Việt Nam” của Trần Bá Chi chép: “... Trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử Nghệ Tĩnh, Mai Thúc Loan là nhân vật kiệt xuất, là tấm gương hi sinh, đấu tranh anh dũng, quả cảm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập tự chủ cho đất nước... Mai Hắc Đế và cái tên nước Vạn An đã đi vào lịch sử Việt Nam thành sự kiện rất đỗi tự hào, thành những thiên hùng ca bất hủ...”.

Theo truyền thuyết của nhân dân làng Phúc Xá, trong quá trình xây dựng căn cứ và phát triển lực lượng chống lại quân nhà Đường, Mai Thúc Loan đã chọn vùng rú Đấng (nằm trong dãy Hùng Sơn chạy dài từ Thanh Chương xuống Nam Đàn) làm căn cứ luyện binh và nuôi nhốt voi, ngựa của nghĩa binh. Nghĩa quân của vua Mai được nhân dân nơi đây che chở và giúp đỡ về lương thực. Trước ngày xuất quân, dân trong vùng đã mang trâu, bò, rượu đến để vua Mai tổ chức khao quân. Chính vì vậy, sau khi Mai Hắc Đế và Mai Thiếu Đế mất, dân chúng nơi đây đã lập đền thờ phụng. Thời Nguyễn, dân làng Phúc Xá xây dựng đình và đã tôn hai cha con vua Mai làm Thành hoàng làng.

Đình được xây vào thời Nguyễn

Đình được xây vào thời Nguyễn

Theo lý lịch di tích Đình Phúc Xá, Mai Thúc Huy còn gọi là Mai Thiếu Đế hay Đức Chúa Ba, người con trai thứ 3 của Mai Thúc Loan. Theo truyền thuyết, từ nhỏ, Mai Thúc Huy theo cha đi khắp nơi, lớn hơn ông theo cha ra chiến trận, kề vai sát cánh với vua cha. Cũng vì vậy ông được rèn luyện, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy. Trước khi mất, vua Mai đã giao lại sự nghiệp đánh đuổi quân Đường cho Mai Thúc Huy.

Theo di huấn của vua Mai, tướng sỹ đã lập con út là Mai Thúc Huy (Vua Mai có 3 người con trai: Mai Bảo Sơn, Mai Kỳ Sơn, Mai Thúc Huy. Hai người anh đã hi sinh trong trận chiến với quân nhà Đường) lên kế vị, hiệu Mai Thiếu Đế. Sau khi Mai Thiếu Đế mất, các nghĩa binh thương tiếc chôn cất Mai Thiếu Đế bên cạnh mộ vua cha.

Tưởng nhớ công lao và tài năng của Mai Thiếu Đế, nhân dân thôn Phúc Xá đã tôn hai cha con ông làm Bản cảnh Thành hoàng của làng. Ngoài thờ thần chủ Mai Hắc Đế và Mai Thiếu Đế, tại đình Phúc Xá còn phối thờ thần Cao Sơn, Cao Các, thần Lâm Sơn, thần Kim Sơn, thần Phúc Sơn, thần Nam Sơn và thần Bạch Sơn.

Được xây dựng vào thời Nguyễn, năm Mậu Thìn (1928) đình được tôn tạo lại với 1 tòa năm gian, hai chái, mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch đá ong. Đình gồm các hạng mục: Cổng, sân và nhà đình. Cổng xây với chất liệu chủ yếu là gạch, vôi, vữa tam hợp, hai cột đăng đối nhau. Trụ gồm 3 phần: Đỉnh, thân và phần đế. Tiếp đến là sân và tắc môn. Sân nền được lát gạch đất nung, tắc môn được xây bằng gạch chỉ, vữa tam hợp, mặt trước đắp nổi hình cuốn thư. Nhà đình gồm 5 gian, 2 chái với 4 bộ vì. Nền nhà lát gạch đất nung. Hai gian cuối cùng ba phía xây tường bao bằng gạch dùng làm nơi bài trí ban thờ.

Hệ mái kết cấu gồm 4 mái (2 mái chính, 2 mái phụ) che phủ kín công trình. Mái lợp ngói âm dương, rải rui bản. Bờ nóc bờ giải không trang trí hình tượng, chỉ đắp bằng chất liệu vôi vữa làm cho hệ mái thêm vững chãi, chắc chắn. Hệ khung nhà đình được làm bằng gỗ lim, 4 bộ vì kết cấu theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyển”. Toàn bộ nhà đình có 24 cột, trong đó có 12 cột cái, 12 cột quân, 4 cột trốn. Tất cả cột quân, cột cái đều được kê trên các chân tảng bằng đá hình tròn. Ở giữa các chân được tạo rãnh để chống mối mọt. Nhà đình được trang trí khá nhẹ nhàng. Họa tiết trang trí chủ yếu là hoa lá, vân mây cách điệu tập trung chủ yếu trên bẩy hiên và đầu rường...

Tại đình Phúc Xá, hàng năm đều diễn ra các hoạt động truyền thống: Lễ khao vọng, yến lão, lễ tế thần linh, cầu an... với sự tham gia của đông đảo mọi người. Trong tâm thức của mỗi người, cây đa, giếng nước, sân đình luôn hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Đình Phúc Xá không có giếng nước, nhưng dù có ngàn đời sau, khi trở về cố hương, người dân Nghệ An nói chung, Ngọc Sơn (Thanh Chương) nói riêng có quyền tự hào về hồn cốt của mình.

Nguyễn Diệu

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dinh-co-tren-dat-ngoc-son-a27905.html