'Đình chiến' thương mại 90 ngày Trung-Mỹ: tấm màn che giấu sóng gió đối đầu?

Thỏa thuận trì hoãn áp thuế mà Trung Quốc và Mỹ đạt được liệu có khả năng thực sự giải quyết những xung đột mà hai nước đang vướng phải?

Trong cuộc gặp mặt song phương bên lề Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Buenos Aires, Argentina vào cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được một thỏa thuận trì hoãn cuộc chiến đánh thuế giữa hai nước. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm những căng thẳng thương mại song phương mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt.

Hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ tại thượng đỉnh G20

Tuy nhiên, tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định, mặc dù thỏa thuận mới có thể mở ra cánh cửa cho các cuộc thảo luận, nó vẫn là một thách thức lớn cho các nhà đàm phán tiến tới một giải pháp toàn diện đối với các vấn đề nóng, đặc biệt là trong thời hạn "đình chiến" 90 ngày. Đây có lẽ là lý do tại sao Tổng thống Trump một mặt dành những lời lẽ tích cực về kết quả cuộc gặp với Chủ tịch Tập, mặt khác lại đe dọa sẽ áp thêm thuế nếu hai nước không đạt được một hiệp định vào đúng thời hạn.

Có vẻ như, Trung Quốc đang tỏ ra là bên sẵn lòng thực hiện những nhượng bộ với Mỹ, nhằm đi tới một hiệp định chung. Các quan chức Mỹ tiết lộ, Bắc Kinh đã đề xuất một văn kiện dài ba trang; trong đó các nhà đàm phán Trung Quốc chia nhỏ 53 "vấn đề cốt lõi" mà Mỹ đã đưa ra thành 142 vấn đề nhỏ hơn; và phân loại chúng theo "có thể đồng ý nhượng bộ lẫn nhau", "có thể thảo luận" và "không thể chấp nhận được".

Dựa trên các thông tin có được, tờ SCMP đã nhóm phần lớn các vấn đề trên thành ba hạng mục lớn.

Hạng mục đầu tiên bao gồm những lời hứa của Bắc Kinh mua một khối lượng "rất đáng kể" các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp từ Mỹ. Nhà Trắng đã tiết lộ, Trung Quốc đồng ý mua 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Không khó để Trung Quốc tiếp tục mua những hàng hóa từ Mỹ mà họ đã dừng nhập khẩu trong những tháng gần đây, trong đó có cả đậu nành, dầu thô và cao lương. Không ai nghi ngờ "thiện chí" của Bắc Kinh trong những nỗ lực thu hẹp mức thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bắc King được cho là sẵn sàng thực hiện những điều mà họ đã muốn làm trước đó, như cấm xuất khẩu các loại thuốc giảm đau và phê chuẩn vụ sáp nhập đang bị trì hoãn của Qualcomm và NPX… Những động thái này, không nghi ngờ đem lại lợi ích cho Trung Quốc.

Thỏa thuận 90 ngày có đủ để giải quyết bất đồng Trung - Mỹ?

Hạng mục thứ hai bao gồm những thứ Trung Quốc sẵn lòng thảo luận; điển hình như những thay đổi mang tính cơ cấu liên quan tới chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, tấn công và ăn cắp trên không gian mạng, cũng như tiếp cận thị trường…

GIới lãnh đạo Bắc Kinh có động cơ chính trị để giải quyết hầu hết các vấn đề trên, vốn là những thách thức trong công cuộc đổi mới kinh tế, thoát khỏi mô hình đầu tư và xuất khẩu thiếu bền vững, để tiến tới một nền kinh tế được thúc đẩy chủ yếu bởi sáng tạo, dịch vụ và tiêu dùng.

Trung Quốc sẽ đồng ý đẩy mạnh thị trường bằng cách "mở cửa" một số nền công nghiệp – điều đáng lẽ trước đây họ đã phải làm khi trở thành một thành viên của WTO. Những lĩnh vực này là dịch vụ, thiết bị viễn thông, sản xuất ô tô, nông nghiệp và sinh học.

Bắc Kinh hy vọng, quyết định mở cửa thị trường sẽ giúp giải quyết các quan ngại của Mỹ liên quan tới việc ép chuyển giao công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Từ lâu, Trung Quốc đã hứa sẽ mở rộng hệ thống luật pháp liên quan tới sở hữu trí tuệ, và đưa ra các biện pháp trừng phạt hành động vi phạm. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp còn chưa hoàn chỉnh của Trung Quốc sẽ khiến việc thi hành những cải cách như vậy trở nên vô cùng khó khăn, đặc biệt nếu chúng phải đối mặt với những xung đột lợi ích chính trị.

Hạng mục thứ ba bao gồm những vấn đề không khoan nhượng ngay từ đầu của Trung Quốc, do chúng liên quan tới hệ thống chính trị…, như ưu tiên và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước hay các chính sách công nghiệp tham vọng của Trung Quốc mà "Made in China 2025" là một ví dụ điển hình.

Theo SCMP, kể từ khi nắm quyền lãnh đạo, một trong những ưu tiên cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình, đó là cam kết đưa các doanh nghiệp nhà nước trở nên "lớn hơn, mạnh hơn và tốt hơn", với mục tiêu thiết lập những đế chế lớn, sở hữu sức mạnh cạnh tranh toàn cầu.

Ông Tập từng nhiều lần tuyên bố rằng vai trò của doanh nghiệp nhà nước phải được củng cố, chứ không phải làm yếu đi, bởi đó là những nền tảng của hệ thống lãnh đạo cộng sản. Việc duy trì quan điểm này là hoàn toàn không thể thương lượng hay trao đổi được.

Trong khi các thị trường trên thế giới có thể cảm thấy phần nào "nhẹ nhõm" trước thỏa thuận đình chiến ngắn hạn giữa Bắc Kinh và Washington, về dài hạn, sự mơ hồ, không chắc chắn vẫn còn đó, đặc biệt khi nhìn vào khác biệt lớn giữa hai bên trong một số vấn đề.

SCMP nhận định, Trung Quốc và Mỹ có thể giải quyết các xung đột kinh tế một cách hòa hoãn, giống như cách Mỹ và Nhật Bản tháo gỡ căng thẳng trong những năm 1980. Giờ đây Tokyo và Washington đang là hai đồng minh an ninh thân cận.

Tuy nhiên, thượng đỉnh cuối tuần qua hầu như không đề cập đến khía cạnh chiến lược trong mối quan hệ giữa hai đối thủ chính trị lớn của thế giới – như những gì mà Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhận xét trong một bài phát biểu gần đây.

Điều này rất có thể đồng nghĩa với việc: cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc mới chỉ đang bắt đầu.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dinh-chien-thuong-mai-90-ngay-trung-my-tam-man-che-giau-song-gio-doi-dau-20181209133632601.htm