Đình chỉ thi công đầm ở Đồng Rui do nằm trong quy hoạch Khu Bảo tồn đất ngập nước

Vừa qua, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh nhận được đơn kiến nghị của ông Vũ Văn Sáu, thôn Trung, xã Đồng Rui, Tiên Yên về việc ông tiến hành đắp đầm nuôi trồng thủy sản, nhưng bị cán bộ xã đình chỉ thi công không đúng quy định. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Có hay không việc đình chỉ không đúng quy định?

Đưa cho chúng tôi xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng 5000m2 đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản do UBND huyện Tiên Yên cấp ngày 7/1/2003, ông Sáu cho biết: “Mấy năm đầu sau khi được cấp giấy chứng nhận, gia đình tôi có đắp đầm và nuôi vạng. Tuy nhiên, do bão, thiên tai tàn phá nên toàn bộ đê điều do gia đình tự đắp đã bị hỏng. Nhằm phát triển kinh tế gia đình, vừa qua, gia đình tôi thuê máy về cải tạo lại đê điều, đầm trong diện tích mà gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng để chuẩn bị nuôi trồng thủy sản thì thấy đoàn của xã do ông Ngô Thành Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã đến đình chỉ không cho thi công mà không biết rõ lý do”.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản mà UBND huyện Tiên Yên cấp cho Ông Vũ Văn Sáu, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên vào năm 2003.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản mà UBND huyện Tiên Yên cấp cho Ông Vũ Văn Sáu, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên vào năm 2003.

Làm việc với chính quyền xã về vụ việc trên, vào ngày 12/12/2020, ông Đoàn Văn Tuyến (thời điểm ngày 8/12/2019 về trước đang là Chủ tịch UBND xã, hiện mới chuyển công tác sang làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên), cho biết: “Ngày 30/9/2019, gia đình ông Sáu đã đắp đê chiều dài 38m, cách chân đê ngăn mặn 21m và đoàn của xã đã đến yêu cầu dừng thi công và có lập biên bản làm việc”.

Sau khi có đơn đề nghị của ông Sáu, đoàn của huyện và xã cũng đã tiến hành kiểm tra thực địa, làm việc với công dân. Qua hồ sơ giấy tờ cho thấy, đúng là ông Vũ Văn Sáu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 5.000m2 đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản từ tháng 1/2003, tại thửa 125 thuộc thôn Trung, xã Đồng Rui. Một số người ở thôn Trung cũng khẳng định: Năm 2003, gia đình ông Sáu có đắp trạch nuôi vạng ở khu đất trên đến năm 2005. Từ năm 2006 đến nay, gia đình ông Sáu chưa tác động vào đất nhưng có thả vạng giống để kiếm thêm thu nhập. Kiểm tra thực tế tại khu vực đất mà gia đình ông Sáu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho thấy: Đất còn nguyên thổ bãi triều, không có tác động gì vào đất. Trong tổng số 5000m2 đất bãi triều thì khoảng 2.233m2 có rừng ngập mặn tự nhiên và khoảng 2.767m2 không có cây rừng ngập mặn.

Tổ tự quản bảo vệ rừng các thôn thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện hành vi xâm hại rừng ngập mặn. Ảnh Lê Nam

Theo ông Tuyến, lý do mà xã đình chỉ thi công đầm là bởi theo Quy hoạch nuôi trồng thủy sản được phê duyệt tại Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 9/1/2015 của UBND huyện Tiên Yên, thì vị trí thửa đất trên do ông Sáu đang quản lý không phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, ngày 19/9/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 3722/QĐ-UBND “Về kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và vị trí thửa đất của ông Sáu nằm trong Quy hoạch khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, Tiên Yên thuộc “phân khu phục hồi sinh thái”. Mà theo quy định thì đất nằm trong quy hoạch không được tác động, làm thay đổi hiện trạng rừng ngập mặn.

Cần công khai quy hoạch và nâng cao nhận thức cho người dân

Được biết, thời điểm trước năm 1975, xã Đồng Rui có diện tích rừng ngập mặn khoảng hơn 3.000ha với hệ sinh thái đa dạng và có giá trị nhất cả nước. Thế nhưng đến năm 2000, do việc quy hoạch, cấp bãi triều, đất ngập nước cho các hộ dân trong xã, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản; cộng thêm việc đắp đầm, khai thác cây làm củi dẫn đến diện tích rừng ngập mặn nơi đây bị thu hẹp, chỉ còn khoảng 1.523ha . Để giữ gìn và khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ năm 2000, xã Đồng Rui đã bước đầu có những điều chỉnh trong chính sách, thực hiện kêu gọi một số dự án đầu tư của Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ để khôi phục, trồng phục hồi lại diện tích rừng ngập mặn. Tới nay, công tác khôi phục rừng ngập mặn của Đồng Rui đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện đã có trên 3.200ha rừng được trồng phục hồi. Sản lượng thủy sản cũng như đa dạng loài cũng dần được nâng lên.

Khách du lịch tham quan rừng ngập mặn ở Đồng Rui (Tiên Yên). Ảnh: Nguyễn Duy

Điều này cho thấy, vấn đề bảo vệ rừng ngập mặn là rất quan trọng. Hiện nay, phần lớn diện tích bãi triều, đất ngập nước ở Đồng Rui nằm trong quy hoạch ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 3722/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về Bảo tồn và Sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (có hiệu lực thi hành 15/9/2019), thì các hoạt động diễn ra trong từng khu bảo tồn đất ngập nước phải tuân thủ Quy chế quản lý cụ thể của khu bảo tồn do cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định. Còn Khoản 2 Điều 29 của Nghị định này cũng có một số quy định như: Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đều có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thông tin liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật; được đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng và sự tham gia trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước cho mọi tầng lớp nhân dân bằng các phương thức truyền thông...

Người dân được hưởng lợi từ việc bảo vệ rừng ngập mặn ở Đồng Rui. Ảnh: Xuân Thao (CTV)

Tuy nhiên, qua vụ việc trên cho thấy, việc công khai quy hoạch cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân Đồng Rui về vùng bảo tồn đất ngập mặn và ý thức tham gia bảo vệ vùng bảo tồn này chưa được triển khai tốt. Mặc dù đất mà ông Sáu được cấp chứng nhận quyền sử dụng không còn nằm trong quy hoạch thủy sản của huyện, và lại nằm trong quy hoạch khu bảo tồn, huyện cũng không thu hồi lại diện tích đất đã cấp, đồng thời cả huyện và xã cũng chưa hướng dẫn cho gia đình trong việc vừa nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và rừng ngập mặn nơi đây.

Được biết, UBND xã Đồng Rui cũng đã đề xuất UBND huyện Tiên Yên hướng giải quyết đối với trường hợp của gia đình ông Sáu, đó là vẫn tiếp tục để gia đình ông nuôi trồng thủy sản theo hình thức tự nhiên cho đến hết thời hạn thuê đất (năm 2022), hoặc UBND huyện xem xét cho chủ trương thu hồi theo quy định của pháp luật hiện hành. Mong rằng, huyện Tiên Yên sẽ có phương án tối ưu nhất để vừa đảm bảo lợi ích của bản thân gia đình ông Sáu, vừa bảo vệ được rừng ngập mặn, hệ sinh thái trong khu bảo tồn.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/dinh-chi-thi-cong-dam-o-dong-rui-do-nam-trong-quy-hoach-khu-bao-ton-dat-ngap-nuoc-2464713/