Đình chỉ thi công cổng chùa Bổ Đà

Việc tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là những di tích tâm linh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Mới đây, việc xây dựng thêm Tam quan tại chùa Bổ Đà - Tứ Ân (tỉnh Bắc Giang) nhận được nhiều ý kiến trái chiều, băn khoăn từ dư luận. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra văn bản gửi tỉnh Bắc Giang đề nghị giải quyết.

Tam quan chùa Bổ Đà - Tứ Ân mới xây dựng. Ảnh: P.V

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Đặng Thị Bích Liên đã có văn bản ký gửi UBND tỉnh Bắc Giang về việc xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang có chỉ đạo cơ quan chức năng đình chỉ thi công hạng mục cổng chùa Bổ Đà và đề xuất phương án xử lý công trình đang xây dựng theo hồ sơ đã được Bộ VHTTDL thỏa thuận; kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc buông lỏng quản lý hoạt động tu bổ di tích trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, huyện Việt Yên rà soát, bổ sung quy hoạch toàn bộ quần thể di tích chùa Bổ Đà với một số hạng mục: Khu di tích chùa Bổ Đà; khu đền thờ Thạch Linh Thần Tướng...; Đến năm 2020 huyện Việt Yên còn bổ sung quy hoạch khu đất dự phòng thu hút đầu tư phát triển du lịch xung quanh khu vực chùa Bổ Đà...

Tuy nhiên, đáng chú ý, việc xây dựng Tam quan mới cho ngôi chùa cổ này khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc này chưa thực sự phù hợp. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, chuyên gia về bảo tồn di sản, phân tích: “Được coi là một chốn tổ, tổ tiên cha ông nhiều đời chắc chắn không lơ đễnh đến mức “quên” không dựng Tam quan ở chùa Bổ Đà - Tứ Ân”. Theo ông Nguyễn Hồng Kiên, trong lịch sử chùa Việt Nam có một số chùa không có tam quan; và “đây là một điểm rất riêng, độc đáo không chỉ về kiến trúc mà cả về tôn giáo - tín ngưỡng” - TS Nguyễn Hồng Kiên nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hồng Kiên bình luận thêm, hành động tôn tạo di tích này chưa có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, thận trọng mà đang có sự cẩu thả, dễ dãi. Đặc biệt, trong cuốn “Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn Di tích” vừa mới xuất bản đầu năm 2018, nhóm tác giả biên soạn có chú trọng đến điểm đặc biệt của chùa Bổ Đà (mà ít người để ý) là chùa không có Tam quan, dù có đến hai lớp cổng nối nhau bằng các tường trình bằng đất...

Chùa Bổ Đà ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa. Tương truyền chùa có từ thời Lý và được tu bổ, tôn tạo rồi mở rộng vào thời vua Lê Dụ Tông (1720 - 1729), gồm các đơn nguyên kiến trúc chính là chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, ao Miếu và khu vườn chùa.

Hiện nay, chùa Bổ Đà còn lưu giữ hơn 40 pho tượng Phật, trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, tòa Cửu Long, tượng Tam Châu… Đặc biệt, chùa Bổ Đà cũng đang lưu giữ 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục bộ Mộc bản Kinh phật khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam (2016). Vào ngày 22.12.2016, Chính phủ ra Quyết định số 2499/QĐ-TTg công nhận chùa Bổ Đà là Di tích quốc gia đặc biệt.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quần thể di tích chùa Bổ Đà, UBND huyện Việt Yên và ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang tham mưu với UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng quy hoạch tổng thể khu di tích trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở pháp lý để phát huy vai trò quản lý, bảo tồn, huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo, đưa di tích thành điểm thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch văn hóa - tâm linh trong và ngoài tỉnh.

KHẢI VĂN - TRẦN VƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/dinh-chi-thi-cong-cong-chua-bo-da-601196.ldo