Đình 300 tuổi bị bê tông hóa: Di tích kêu cứu

Một ngôi đình có tuổi đời 300 năm từ thời vua Lê Trung Hưng đã bị chính những người dân ở làng đồng thuận phá dỡ và bê tông hóa từ nhiều tháng nay. Sự nhiệt tình cộng với thiếu hiểu biết của người dân đã khiến một di sản 300 năm tuổi biến mất. Điều đáng nói, đây không phải là sự việc hy hữu ở nước ta.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân trong Hội thảo “Đình làng Xứ Đoài - Những điều còn mất”, tổ chức tháng 12/2015 tại Bảo tàng Hà Nội đã phát biểu: “Chưa trùng tu thì chết từ từ, trùng tu thì chết ngay”. Lời phát biểu của ông đầy chất khôi hài nhưng nó hoàn toàn đúng với sự việc ở đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Một sự “bức tử” di sản diễn ra trong một thời gian dài từ đầu năm nhưng đến nay, mới được nhiều người bên ngoài biết đến. Điều đáng nói là nó được sự ủng hộ của những người dân Lương Xá với mong muốn “làm lại” một cái đình to, rộng, chắc chắn mà không quan tâm gì đến giá trị lịch sử của ngôi đình hơn 300 năm tuổi này.

Tại đình Lương Xá, các cấu kiện gỗ chất thành từng đống đã được che bạt kín, tuy nhiên vẫn thấy những chiếc đấu gỗ rất lớn chèn lên bạt để khỏi bay, một số chỗ vẫn chưa che bạt, bằng mắt thường có thể thấy các cấu kiện chạm khắc tinh xảo.

Người dân ở đây cho rằng, đình của làng mình, thì mình có quyền xây như thế nào tùy ý. Mỗi khẩu đóng 800.000 đồng để xây đình. Thậm chí có nhiều người sẵn sàng cung tiến tiền tỷ để xây lại đình to và đẹp hơn.

Đây là một trong số những ngôi đình hiếm hoi còn lại ở Ứng Hòa nói riêng và miền Bắc nói chung vẫn còn hệ thống cánh gà nguyên bản và có từ thời khởi dựng của ngôi đình này (vào khoảng cuối thế kỷ XVII). Hiện nay, đình có hệ thống chạm kỹ và đẹp như đình này rất hiếm.

Đình trước khi trùng tu.

Vậy vì sao một ngôi đình đẹp, có giá trị lịch sử như đình Lương Xá lại ngang nhiên bị phá bỏ và xây mới như thế? Thực tế, việc đình làng Lương Xá bị hư hại, xuống cấp là có thật, minh chứng là các cột rỗng ruột.

Theo dân làng thì nếu các cụ vào đình mà đình đổ gây chết người thì ai chịu trách nhiệm? Vì thế dân làng Lương Xá quyết tâm xây lại đình bằng bê tông cho chắc chắn. Điều đáng nói là đình Lương Xá đến nay vẫn chưa được công nhận là di tích quốc gia, vì thế, nó nằm ngoài Luật Di sản trong vấn đề sửa chữa, trùng tu.

Trước hiện trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã vào cuộc thanh, kiểm tra những sai phạm trong việc phá bỏ ngôi đình lịch sử. Nhưng rõ ràng, câu chuyện ở đình Lương Xá một lần nữa lại đặt ra nhiều câu hỏi trong vấn đề quản lý di tích ở nước ta.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng: “Sự việc ở đình Lương Xá nói lên sự bất cập trong công tác quản lý di sản hiện nay. Cán bộ quản lý di sản ở các cấp rất yếu, thiếu trình độ chuyên môn và thiếu cả tình yêu văn hóa truyền thống. Rất nhiều cán bộ cấp xã đã bật đèn xanh cho việc đưa hiện vật, đồ thờ mới vi phạm Luật Di sản, rồi cho tô vẽ, sơn mới di tích, cho tu bổ di tích không đúng quy trình, phá cũ, xây mới.

Cán bộ cấp huyện thì thiếu trách nhiệm, thường làm việc theo mệnh lệnh hành chính chứ không có sự sâu sát với di sản. Một ngôi đình to, đẹp, giá trị như Lương Xá mà đến giờ chưa được xếp hạng là lỗi của người quản lý chứ không phải lỗi của dân”.

Và không chỉ câu chuyện của đình Lương Xá. Còn nhớ, cách đây không lâu, một chiếc cầu khủng ngang nhiên được xây dựng trong vùng lõi của danh thắng di sản thế giới Tràng An.

Ai chịu trách nhiệm về những sự xâm hại di tích nghiêm trọng đó. Nếu luật pháp không có những hành động mang tính răn đe thì chắc chắn, câu chuyện của Tràng An, của đình Lương Xá sẽ vẫn còn diễn ra trong phong trào trùng tu đang rầm rộ trên khắp đất nước.

Và khi đã bị bê tông hóa.

Giáo sư Đặng Văn Bài: Cần cơ chế chính sách phù hợp để ngăn chặn những việc tương tự như ở Lương Xá

Việc trùng tu sai, trùng tu ẩu, sự vô tình thiếu hiểu biết của cộng đồng thì đã có nhiều ví dụ điển hình, chẳng trường hợp nào giống trường hợp nào nhưng tóm lại DI SẢN BỊ TÀN PHÁ KHÔNG THƯƠNG TIẾC luôn trở thành chuyện đã rồi, chẳng có ai chịu trách nhiệm cả.

Xin được nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” tổ chức ngày 27/7/2018: "Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”.

Trường hợp phá đình làng Lương Xá có tuổi đời 300 năm, một trong kiến trúc có giá trị nghệ thuật mà trong nó chứa đựng tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam để thay thế bằng kiến trúc bê tông là hành động gì? Sau nhiều di tích cứ trùng tu là phá, sau trường hợp đình Lương Xá này rất mong các cơ quan quản lý nhà nước đề ra các cơ chế chính sách phù hợp với thực tế để kịp thời ngăn chặn sự việc tương tự như ở Lương Xá. Có người nói rằng, do đình Lương Xá chưa được xếp hạng, chưa có hành lang pháp lý ngăn chặn, chế tài xử lý...

Vậy ai đã cấp phép cho xây dựng mới đình Lương Xá? Tại sao đình làng Lương Xá giá trị như vậy mà bao năm chưa được xếp hạng?

Đến nay, hình như mọi lỗi đều được đổ cho người dân Lương Xá trong khi đó, lỗi chắc chắn không hoàn toàn thuộc về người dân vì người dân sẽ không có quyền tự ý phá dở, xây mới mà không có sự cấp phép của lãnh đạo địa phương. Cần phải làm sáng rõ sự việc này để ngăn chặn việc xâm hại di tích đang tràn làn ở nước ta hiện nay. Đừng để di sản biến mất rồi mới bàn câu chuyện trùng tu.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Đức Bình: Cán bộ văn hóa địa phương cần có trình độ, sâu sát với di tích

Đình làng to, chắc chắn là nguyện vọng hết sức chính đáng của người dân, không riêng gì làng Lương Xá. Nhưng qua đây cũng thấy sự thiếu hiểu biết về di sản, kỹ thuật xây dựng của người dân thuộc về số đông, kể cả cán bộ quản lý của địa phương.

Đình Lương Xá bằng gỗ đã tồn tại được 300 năm (tất nhiên là có các đợt tu bổ), nhưng khi xây dựng bằng vật liệu bê tông thế thì ngôi đình mới này có tuổi thọ được bao nhiêu năm? Ngôi đình Lương Xá cũ chứa đựng những tác phẩm nghệ thuật tài hoa của các cụ. Vậy đình Lương Xá mới có thể tạo ra những sản phẩm nghệ thuật kiến trúc tuyệt vời để lại cho thế hệ sau hay không? Chắc chắn không bao giờ có được.

Còn về trách nhiệm: Để người dân hồ hởi xin xếp hạng, hoặc hồ hởi bảo vệ giữ gìn đình làng mình, thực hiện đúng luật là trách nhiệm của cán bộ quản lý văn hóa địa phương. Nếu cán bộ văn hóa ở địa phương có trình độ, luôn sâu sát với di tích thì chắc chắn đình Lương Xá không đến nỗi như hôm nay.

Tình hình cán bộ như vậy, dân trí còn thấp thì liệu phân cấp quản lý di sản cho cấp xã, huyện liệu có ổn hay không? Một ngôi đình cổ 300 tuổi vẫn có thể đứng vững thêm 300 năm nữa nếu không bị dân làng phá bỏ để thay thế bằng ngôi đình bê tông cốt thép. Toàn bộ cấu kiện gỗ chạm khắc thời Lê Trung Hưng đang bị biến thành củi đun bán đồng nát.

Sự ngu dốt này đã phá hoại di sản vô giá của chính ông cha họ để lại. Năm ngoái đến thăm đình, cụ từ có nói không muốn để đình xếp hạng, cũng có thể họ đã có ý định phá bỏ từ trước cho đến lúc đủ tiền xây đình mới... Vụ việc này cần được điều tra làm rõ chứ không thể “để lâu cứt trâu hóa bùn”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam: Lãnh đạo địa phương là người chịu trách nhiệm chính

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao hiểu biết về di sản cho người dân. Hiện nay, theo quan sát của tôi thấy có rất ít người tâm huyết với di sản của ông cha. Cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phải hiểu công việc mình làm.

Những người đứng đầu chính quyền cấp thôn, xã, huyện phải là những người chịu trách nhiệm chính trong việc không quản lý, sát sao với di sản. Nhà nước đang chủ trương xã hội hóa trùng tu di tích. Nói riêng ở Hà Nội, đã có gần 6.000 di tích. Với một lượng di tích lớn như vậy, khi trùng tu, cần nhiều tỉ đồng, ngân sách nhà nước không thể kham được, cũng không thể trùng tu đồng loạt được.

Trong khi đó, hư hỏng hoặc xuống cấp thường diễn ra cùng một lúc. Chủ trương xã hội hóa là đúng. Song do lượng di tích quá nhiều, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải siết lại quản lý về mặt hồ sơ, thiết kế, giám sát, thi công của những công trình như thế.

Xã hội hóa không có nghĩa là bỏ tiền ra, thích làm gì thì làm. Vẫn phải làm theo nguyên tắc tôn trọng cấu kiện gốc đã cấu thành di tích ấy. Đó mới là cách gìn giữ di sản.

Việt Hà

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/dinh-300-tuoi-bi-be-tong-hoa-di-tich-keu-cuu-505215/