Đình 300 tuổi bị bê tông hóa: Cứu được không?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam, điều cần làm bây giờ là phải bảo quản, giữ gìn các mảng đục chạm có giá trị.

Những ngày qua, sự kiện ngôi đình Lương Xá 300 tuổi ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội bị phá dỡ và thay thế bằng ngôi đình bê tông cốt thép khiến các nhà nghiên cứu và dư luận bức xúc.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, ngôi đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đình làng. Đình có hệ thống cánh gà được chạm rất đẹp và cách đây 2 năm hầu như chúng vẫn còn nguyên vẹn.

Thế nhưng, khi ông quay lại ngôi đình vào hôm 28/7 thì ngôi đình đã được bê tông hóa như một sự đã rồi.

Đình Lương Xá 300 tuổi đã biến thành bê tông cốt thép. Ảnh nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam chụp hôm 28/7

"Các cấu kiện để mưa nắng đã mục mủn gần hết. Vị trí đình cũ đang xây một ngôi đình bê tông. Tôi được biết ngôi đình cũ này chưa được xếp hạng di tích. Bởi chưa được xếp hạng di tích nên người ta cho rằng muốn làm gì thì làm", ông Nam cho biết.

Nhà nghiên cứu thẳng thắn gọi việc phá ngôi đình cổ 300 tuổi để dựng lên một ngôi đình toàn bê tông cốt thép là hành vi phá hoại.

Sau phản ánh của các nhà nghiên cứu và báo chí, ngày 30/7, Sở VH-TT TP Hà Nội đã có văn bản gửi huyện Ứng Hòa đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng ban chức năng UBND xã Liên Bạt, Ban Quản lý di tích cơ sở đình chỉ hoạt động vi phạm tu bổ di tích. Tuy nhiên, phản ánh của nhiều tờ báo cho thấy, vào sáng 31/7, các công nhân vẫn thi công bình thường. Việc trộn xi măng, hàn cắt, lắp ráp các cột bê tông vẫn diễn ra.

Cấu kiện gỗ khắc chạm thời Lê Trung Hưng để mặc nắng mưa. Ảnh nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam chụp ngày 28/7

"Sở đã yêu cầu đình chỉ thi công, trách nhiệm của huyện là phải theo dõi, chỉ đạo thực hiện. Thực tế, huyện đã được giao quản lý các di tích chưa được xếp hạng như đình Lương Xá, nhưng xem ra huyện chưa được sâu sát", ông Nam nói.

Theo nhà nghiên cứu, việc cần làm bây giờ là phải bảo quản các cấu kiến gỗ đã bị hạ giải.

"Ngôi đình bây giờ đã thành đình bê tông thì đành chấp nhận tất cả là bê tông, không có cách nào khác. Còn các cấu kiện gỗ trước mắt phải đưa vào các nhà có tường, mái, tốt nhất là 1 nhà kho thoáng mát. Còn phương án xử lý sau này, theo tôi, nên đưa các mảng chạm về Bảo tàng Hà Nội để họ lưu giữ, trưng bày phát huy giá trị. Với ý thức của địa phương như thế khó trông mong họ sẽ phát huy giá trị", ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất.

Vị chuyên gia không tán thành với đề xuất gắn các mảng đục chạm lên cấu kiện bê tông vừa xây vì như vậy "rất khập khiễng và không phải giá trị nguyên gốc".

"Đưa vào như thế là phản cảm, chỗ gỗ, chỗ bê tông, không có sự kết hợp từ đầu.

Trong thiết kế của những người xây dựng đình Lương Xá vừa qua, họ đưa ra đình bê tông chứ không phải đình gỗ và cũng không hề có ý thức kết hợp từ ban đầu. Bây giờ đã đổ lên như thế rồi đưa vào rất khó", ông giải thích.

Đối với ý kiến của huyện Ứng Hòa muốn đưa các cấu kiện gỗ vào hậu cung, ông Nguyễn Hoài Nam cũng thấy không thỏa đáng bởi đó là các cấu kiện của tòa đại bái chứ không phải tòa hậu cung.

Về lịch sử, tòa hậu cung thường được xây dựng sau tòa đại bái. Đặc trưng của đình làng thời Lê Trung Hưng là chưa có hậu cung. Phải sang đến thế kỷ 18 người ta mới lác đác tạo ra hậu cung ở đằng sau để thờ thánh, còn trước đó ban thờ được đặt trên gác lửng trong không gian giữa hàng cột cái và hàng cột quân phía sau của gian đại bái.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam chỉ ra một thực tế đau lòng, đó là trường hợp đình Lương Xá không phải là duy nhất, nhiều di tích cứ trùng tu là phá.

"Trình độ của các cán bộ xã - những nơi trực tiếp có di tích còn hạn chế, nhiều khi họ không hiểu rõ giá trị các di tích, trừ khi di tích đó quá nổi tiếng, được nhiều người nói đến và được công nhận.

Chính vì thế, Sở Văn hóa cần phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu mở các lớp diễn giải để trước mắt các cán bộ thôn, xã có được sự hiểu biết nhất định đối với di tích. Đơn giản nhất là cách phân biệt niên đại, sau đó đến giá trị nghệ thuật.

Đối với người dân, không ai cũng hiểu biết hết được giá trị của di tích nên cần quản lý sát sao hơn.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm. Xưa nay, nhiều vụ sai phạm như đình Lương Xá cuối cùng cũng "đánh bùn sang ao", chưa thấy ai bị xử lý hình sự, chưa có sự răn đe nhất định.

Cần sửa Luật Di sản, trong đó bổ sung các di tích chưa được xếp hạng cũng cần phải có sự quản lý của Nhà nước", ông Nam đề xuất.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dinh-300-tuoi-bi-be-tong-hoa-cuu-duoc-khong-3362923/