Diệu vợi Cà Lò

Sẽ không ngoa khi nói rằng, đời sống hiện đại còn khá xa vời với người dân xóm Cà Lò, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Cho tới bây giờ, Cà Lò vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ với núi non hùng vĩ và những phong tục truyền thống của cộng đồng người Dao sinh sống nơi đây. Cà Lò chính là 'món quà' bất ngờ cho những người ưa tìm tòi, khám phá văn hóa bản địa nhưng cũng khiến người ta không khỏi chạnh lòng vì độ nghèo khó của xóm biên giới xa xôi này.

Xóm biên giới Cà Lò. Ảnh: Bích Nguyên

Xóm biên giới Cà Lò. Ảnh: Bích Nguyên

Trầm mặc trong gió sương

Đường vào Cà Lò khiến tôi sởn gai ốc. Dù đã nhiều lần đi trên những cung đường biên giới khấp khểnh nhưng con đường này thực sự là một thử thách với tôi. Mặt đường nhỏ hẹp, toàn đá hộc, ghập ghềnh, nhấp nhô. Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút, chúng tôi chỉ sơ sẩy một chút là xe có thể bị lật, rơi xuống vực. Đường dài hun hút, càng đi càng thăm thẳm, cây cỏ mọc um tùm, không một vết xe đi khiến tôi có cảm giác choáng ngợp, lo lắng.

Có một điều khá thú vị là ở khu vực núi non này có những khe nước nhỏ mà ở đó, năm 2019, lần đầu tiên một phượt thủ tên Bùi Tuấn Hùng đã tình cờ phát hiện ra loài cá lạ có 4 chân, đuôi dài, da lưng sần sùi như da cóc, bụng có hoa gấm cóc. Sau đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam xác định đó là cá cóc quý hiếm, có thể sống được cả trên cạn và dưới nước. Đây là loài cá đã từng được phát hiện ở Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Sau khoảng gần 3 tiếng đồng hồ đánh vật với con đường dài hơn chục km, chúng tôi đã tới đích đến. Trước mặt tôi là những võng núi. Giữa võng núi ấy hiện lên những ngôi nhà mái ngói rêu phong, trầm mặc dưới ráng chiều. Ngay lúc này, dưới bầu trời trong xanh, nắng vàng, Cà Lò khoe mình với vẻ đẹp rực rỡ, lung linh sác màu tựa một bức bức tranh cổ. Vẻ đẹp của Cà Lò nằm ở những nếp nhà sàn truyền thống, mái ngói rêu phong nhuốm màu thời gian giữa không gian của núi non hùng vĩ. Cư dân làm nhà trên sườn núi, nhìn từ xa cứ như thể chúng được xếp chồng lên nhau, lớp trước, lớp sau. Ở đây có những ngôi nhà sàn có lẽ tới cả 100 tuổi, là nơi sinh sống của 3-4 thế hệ trong gia đình.

Cư dân sinh sống ở Cà Lò 100% là người Dao. Họ sống chan hòa, thân thiện với thiên nhiên. Mặt trời xuống thấp dần, chẳng mấy chốc đã khuất sau đỉnh núi. Chỉ còn lại những mảng sáng vàng nhạt sáng từ phía chân trời. Khói bếp bắt đầu vấn vương trên nóc nhà. Lúc này, Cà Lò càng trở lên huyền bí. Chúng tôi bước lên cầu thang, vào thăm nhà ông Chảo Khì Nhàn, 60 tuổi. Ông cùng vợ và một người đàn ông đang nấu bữa tối. Cả 3 người đều không biết nói tiếng Việt. Trong nhà không có một thứ tài sản gì đáng giá. Trên bếp là một nồi cháo ngô đang sôi sùng sục.

Những đứa trẻ lem luốc ở Cà Lò. Ảnh: Bích Nguyên

Một lúc sau, con trai ông Nhàn mang về một con lợn đã được mổ thịt. Anh con trai bầy nguyên con lợn lên chiếc bàn, đặt trước nơi thờ cúng của gia đình, rồi lấy giấy bản, bày biện chuẩn bị cho một lễ cúng. Chúng tôi hỏi chuyện người con trai, mới biết họ cùng chuẩn bị mọi thứ để làm lễ cúng mừng lúa mới, cơm mới. Lễ mừng lúa mới được người Dao tiến hành trước khi bước vào vụ gặt. Đây là nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người dân nơi đây, vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa là dịp để con cháu, họ hàng sum họp.

Nói về truyền thống của dân tộc mình, anh Chảo Vần Sang, trưởng xóm Cà Lò bảo rằng, người dân ở đây vẫn giữ những phong tục truyền thống do tổ tiên để lại. Trong xóm có vài người biết rõ các nghi thức cúng lễ. Bản thân anh Sang cũng biết các bài cúng của người Dao và thực hành cúng lễ trong những nghi lễ quan trọng của gia đình và cộng đồng. Gia đình anh vẫn còn lưu giữ 2 bức tranh thờ - một trong những di sản thể hiện thế giới tâm linh và nhân sinh quan của người Dao. Cũng theo anh Sang, người dân Cà Lò vẫn còn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng như bọc răng vàng, sử dụng bạc làm đồ trang sức, nhà nào cũng có trang phục truyền thống dùng để mặc khi có đám cưới hoặc lễ, tết… và những nghi thức lễ lạt kỳ bí mà bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để khám phá.

Mong mỏi có một con đường

Trong quá trình khám phá Cà Lò, có một thực tế khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng là người dân Cà Lò rất nghèo. Cái nghèo thể hiện ở ngay trong những ngôi nhà trống trải, không có đồ đạc gì đáng giá, ở những bữa ăn chỉ có rau và cháo ngô. Chúng tôi bước vào ngôi nhà sàn nhỏ ở giữa xóm khi trời đã nhá nhem tối. Trong ngôi nhà trống huơ, trống hoác, anh Chảo Sành Cao đang cùng vợ chuẩn bị bữa cơm tối. Họ tước bẹ chuối để nấu canh ăn với cháo ngô. Bữa tối nhà anh Cao chỉ đơn giản có thế. Anh Cao bộc bạch: “Có cái ăn là may lắm rồi. Chúng tôi không được ăn thịt cá vì không có tiền mua. Gà có 12 con phải để dành đến tết”.

Anh Cao năm nay 35 tuổi, thuộc diện hộ nghèo nhất Cà Lò. Cái nghèo xuất phát từ việc có ít nương, chỉ trồng được ngô một vụ trong cả năm. Nhà anh lại đông con, những 3 gái, 1 trai. Tất cả các con anh đều được sinh tại nhà. Anh Cao kể: “Ở đây không có đất làm nương. Chúng tôi phải đi làm nương ở cách xa 10km, đi bộ 2 tiếng mới tới nơi. Mỗi năm, chúng tôi thu được 40 bao ngô. Cả nhà 6 người ăn không đủ, đến tháng 3 là hết ngô rồi”.

Cùng trò chuyện với chúng tôi, anh Chảo Sành Và bảo rằng, khu vực này toàn núi đá, đồi trọc, có được ít đất trồng ngô là may lắm rồi. “Khí hậu ở Cà Lò rất khắc nghiệt, trồng nhiều ngô cũng không lên. Qua Tết là nhà tôi hết ngô ăn. Nuôi lợn thì 1-2 năm mới được 60kg. Nhiều nhà nuôi lợn cứ đến tháng 11-12 là chết hết vì lạnh quá” - anh Và giãi bày về sự khó khăn của gia đình mình.

Thăm thú mọi ngóc ngách của Cà Lò mới thấy rằng, xóm biên giới này như một thế giới xưa cũ, tách biệt hẳn với thế giới hiện đại. Mọi nếp sống đều rất nguyên sơ, giản dị. Cả xóm Cà Lò có 31 hộ dân với gần 200 nhân khẩu đều là người Dao Tiền. 100% hộ dân ở đây đều là hộ nghèo. Gọi Cà Lo là xóm đa không cũng không sai bởi ở đây không hộ dân nào có nhà vệ sinh, không đường, không điện lưới, không nước sạch, không sóng truyền hình, không sóng di động… Thực tế, ở Cà Lò có một hệ thống điện mặt trời do một tổ chức xây dựng tặng nhưng hiện giờ đã hỏng.

Anh Chảo Vần Sang bảo rằng nguồn nước ở rất xa, ngày xưa chúng tôi phải đi gánh nước từ cách đây 1 giờ đi bộ. Từ ngày Nhà nước xây cho 46 bể chứa nước này thì việc lấy nước đỡ vất vả hơn, nhưng vẫn không đủ dùng quanh năm. “Chúng tôi vẫn bị thiếu nước dùng từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Đất sản xuất cũng rất thiếu. Người dân chỉ có thể trồng lúa, ngô một vụ, vì vậy luôn thiếu ăn từ tháng 2 đến tháng 4”- Anh Sang cho biết.

Bữa tối của gia đình ông Chảo Khì Nhàn chỉ có nồi cháo ngô. Ảnh: Bích Nguyên

Cũng theo anh Sang, nhà anh cũng như nhiều hộ dân khác trong xóm đều bị thiếu ăn do nương ít, chủ yếu trồng ngô 1 vụ. Cái đói, cái nghèo cứ thế đeo bám các hộ dân ở Cà Lò năm này sang năm khác. “Mỗi năm, nhà tôi thu được 20-30 bao ngô, mặc dù gieo giống rất nhiều nhưng năng suất thấp. Muốn nuôi bò cũng không được vì địa hình ở đây toàn núi đá, khô cằn, cỏ không có nhiều”- Anh Sang kể.

Có một điều đáng quý là dù nghèo khó, song bà con xóm Cà Lò rất đoàn kết và tự giác tham gia bảo về đường biên, cột mốc. Xóm này có 5km đường biên giới với 5 cột mốc. “Bà con trong xóm đi làm nương vẫn quan sát đường biên cột mốc. Khi phát hiện có người lạ đi vào khu vực đường biên đều tìm cách báo cho BĐBP. Khi cần, chúng tôi cũng đi tuần tra đường biên, cột mốc cùng BĐBP” - anh Sang cho biết.

Trước khi chúng tôi rời đi, anh Sang giãi bày, hằng năm, Nhà nước vẫn hỗ trợ người dân con giống, cây trồng, nhưng Cà Lò vẫn còn thiếu rất nhiều thứ để giúp người dân có thể thoát khỏi đói nghèo. Trong đó, điều người dân Cà Lò mong mỏi nhất là một con đường. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, sẽ có một con đường đúng nghĩa đi vào Cà Lò để người dân nơi biên giới xa xôi này đi lại thuận lợi hơn, có cơ hội kết nối giao thương với bên ngoài.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dieu-voi-ca-lo-post440318.html