Diễu võ giương oai

Biển Đông lại nóng lên với các cuộc tập trận của Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đối đầu chiến lược gia tăng, tình hình trong mỗi nước có nhiều vấn đề, không loại trừ cả hai bên còn muốn thị uy sức mạnh trên Biển Đông trong thời gian tới.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hai tàu sân bay của Mỹ là USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã tiến hành tập trận trên Biển Đông, với các bài tập chiến thuật nhằm tối đa hóa năng lực phòng không và mở rộng tầm tấn công chính xác tầm xa trên biển từ tàu sân bay. Cuộc tập trận bắt đầu đúng Ngày Độc lập của Mỹ (4/7). Đây là lần đầu kể từ 2014 và lần thứ hai kể từ 2001 có cùng lúc hai tàu sân bay Mỹ đến vùng biển này.

Trên mỗi tàu sân bay có hơn 60 chiếc máy bay, ngoài ra nhóm tàu sân bay này còn các tàu khu trục và tàu tên lửa dẫn đường. "Nimitz và Reagan tạo nên lực lượng chiến đấu hiệu quả và sắc bén nhất trên thế giới, hỗ trợ các kết quả Mỹ với các thỏa thuận phòng vệ chung với các đồng minh và đối tác trong khu vực, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết.

Ngoài ra, một máy bay ném bom B-52 bay liên tục 28 giờ đồng hồ từ căn cứ ở bang Louisiana đã tới Biển Đông tham gia cuộc diễn tập của máy bay trên tàu sân bay. Chuyến bay của B-52 cho thấy Không quân Mỹ có thể đưa lực lượng tới các điểm nóng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới một cách nhanh chóng. Có vẻ sự hiện diện này là một tuyên bố rõ ràng rằng Washington sẽ không nhượng bộ Trung Quốc bất kỳ ảnh hưởng nào trong khu vực.

Trước đó, Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận hải quân của họ gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đã bị Việt Nam lên tiếng phản đối. Báo chí Trung Quốc nói rằng cuộc tập trận nhằm khuếch trương khả năng sẵn sàng đẩy lùi bất kỳ thách thức nào từ Mỹ. Căng thẳng diễn ra cả trên thực địa lẫn trong khẩu chiến.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, sự có mặt của Mỹ trong khu vực sẽ gây bất ổn. "Có những quốc gia ngoài khu vực đi hàng nghìn dặm tới Biển Đông để tham gia các hoạt động quân sự quy mô lớn và thể hiện sức mạnh, đó là lý do cơ bản ảnh hưởng tới sự ổn định trên Biển Đông" - ông Triệu nói.

Đáp lại, Hải quân Mỹ nói rằng, cuộc tập trận của phía Mỹ là "để ủng hộ các cam kết lâu dài bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia được bay qua, dong buồm qua và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Mâu thuẫn Mỹ - Trung đã được đẩy lên cao độ trong những tháng qua, khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc về cách ứng phó với dịch Covid-19 và lợi dụng dịch để đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông. Trước đó, thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai bên vừa đạt được nhằm ngăn cản thương chiến còn chưa kịp thực hiện thì đã xảy ra đại dịch.

Trong bối cảnh đối đầu gay gắt đó, cả hai bên đều muốn diễu võ giương oai với nhau để thể hiện sức mạnh của mình. Việc Mỹ đưa 2 tàu sân bay đến một lúc là ngụ ý rằng, ít nhất lúc này, chỉ Mỹ có sức mạnh như vậy. Hiện Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay hoạt động đầy đủ, chiếc thứ hai mới gần đạt quy mô đó, nhưng cả hai chiếc đều không có kích cỡ và năng lực mang nhiều máy bay như tàu của Mỹ. Còn Trung Quốc, họ vẫn đang từng bước thực hiện âm mưu lâu dài độc chiếm Biển Đông.

Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc có lẽ muốn thể hiện với chính nội bộ của nước họ. Covid-19 đã phơi bày nhiều vấn đề trong nước, từ năng lực ứng phó đến suy thoái kinh tế, nên việc muốn trấn an người dân về sức mạnh của chính quyền là rất quan trọng để bù đắp cho những thất bại trong Covid-19.

Dịch còn kéo dài, trong lúc hình ảnh của Trung Quốc xấu đi rõ ràng trên toàn cầu và Mỹ còn chuẩn bị bầu cử, nên không loại trừ việc hai bên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên Biển Đông trong thời gian tới.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-vo-giuong-oai-20200707131324670.html