Điều vạn quân tới Trung Đông: Thời khắc ông Trump hành động

Lầu Năm Góc chuẩn bị đệ trình lên Nhà Trắng kế hoạch gửi thêm 10.000 quân tới Trung Đông, một động thái quân sự có thể gây chấn động.

Hãng AP dẫn lời một số quan chức quốc phòng nước này cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đệ trình lên Tổng thống nước này kế hoạch tăng 10.000 quân tới khu vực Trung Đông và có thể sẽ có câu trả lời từ Nhà Trắng vào ngày 24/5.

Chưa rõ Nhà Trắng sẽ chấp nhận tất cả đề nghị này hay chỉ một số lực lượng ở trong đó. Tuy nhiên, các nguồn tin khẳng định động thái này không chỉ sử dụng kìm chế Iran mà còn liên quan đến những quốc gia khác.

Trên đài CNN, trong cuộc họp của Bộ Tư lệnh Trung ương, hoạt động như một cơ quan giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ hồi đầu tuần cho rằng việc tăng quân ở Trung Đông thời điểm này là cực kỳ cần thiết.

Trong khi đó, tại phiên họp của Quốc hội Lưỡng viện hôm 22/5, các nghị sĩ về lĩnh vực quốc phòng của Mỹ cho rằng không cần thiết phải tăng quân và gây thêm khó khăn với Iran vào thời điểm này.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đều tuyên bố chỉ muốn kìm chế, không muốn kích động chiến tranh với Iran.

Quân đội Mỹ tác chiến ở Iraq

Quân đội Mỹ tác chiến ở Iraq

Thậm chí, việc tăng quân này cũng đi ngược với những gì ông Trump tuyên bố: Không đổ thêm lực lượng vào Trung Đông và đẩy mạnh việc kết thúc những cuộc chiến vô nghĩa và tốn kém của Mỹ ở khu vực này.

Vậy 10.000 quân này và điểm nóng Iran vừa hình thành mang lại những toan tính gì của chính quyền Donald Trump?

Đây là hành động tiếp theo trong chuỗi nỗ lực xóa sổ "di sản Obama" và xây dựng ấn tượng Trump trong chính sách "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Bất đắc dĩ đến thời điểm này Tổng thống Trump mới có thể thực hiện tái cơ cấu theo định hướng của mình.

Vì sao phải hết 2 năm đầu của nhiệm kỳ, chuẩn bị bước vào giai đoạn nhạy cảm tiếp theo của cuộc bầu cử Tổng thống, ông Trump mới tiến hành chỉnh sửa bản đồ căn cứ quân sự Trung Đông?

Thời điểm Tổng thống Mỹ nắm quyền năm 2017, tình hình Syria chưa ngã ngũ. Tổng thống Trump buộc phải theo đuổi cuộc chiến này. Đó là lý do vì sao ông Trump luôn nói mình "không phải là người bắt đầu cuộc chiến" hoặc "khi tôi ngồi chiếc ghế này (ghế Tổng thống), mọi thứ ở đó đã bung bét như vậy".

Cho đến cuối năm 2018, Mỹ kịp hoàn thiện chỉ tiêu thâu tóm hoàn toàn miền Đông Syria với lực lượng ủy nhiệm Dân chủ Syria (SDF), để lại cho Nga-Syria 60% lãnh thổ và 10% bị kiểm soát bởi khủng bố. Đến thời điểm này, coi như cục diện Syria đã kết thúc với người Mỹ.

Tổng thống Trump và Nhà vua Arab Saudi trong một lễ khởi động dự án giữa hai quốc gia

Sau khi về đích an toàn với bãi lầy Syria. cũng là lúc công cuộc tái cơ cấu Trung Đông của ông Trump được thực hiện, Tổng thống Mỹ đã úp mở về một "Trung Đông mới", một "sách lược mới".

Ở đây có hai yếu tố, thứ nhất, ông Trump muốn sắp xếp lại Trung Đông theo ý mình, thu lại lợi ích cao nhất với chi phí ít nhất. Cần nhớ rằng nước Mỹ sở hữu ngành công nghiệp vũ khí lớn nhất thế giới. Nếu quốc tế không có chiến sự, không có điểm nóng, Mỹ không thể chào hàng, không có nhiều hợp đồng mới...

Từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay, cần nhớ rằng họ không duyệt binh. Họ khoe vũ khí của mình qua thực tế chiến trường, qua các cuộc tập trận với đồng minh.... Chiến tranh, mâu thuẫn, xung đột, điểm nóng, đây là những từ khóa nuôi sống nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Với Tổng thống doanh nhân, đây là cuộc đầu tư, ông muốn bỏ ra ít vốn nhất có thể ở Afghanistan và Syria, nhưng thu về lợi nhuận cao nhất, doanh số bán hàng vẫn được đảm bảo. Đó là lý do vì sao Mỹ tiến hành đàm phá với Taliban trong khi xây mới 4 căn cứ và mở rộng 7 căn cứ trên đất Iraq.

Thứ hai, chia lại Trung Đông để ông Trump mang lại lợi ích trực tiếp. Trung Đông hiện tại, Donald Trump tuyên bố Syria là miếng bánh thừa, hay vùng đất chỉ còn cát và cái chết. Afghanistan là tổ quốc của khủng bố và "bãi lầy khổng lồ cho nước Mỹ".

Ông Trump có mặt ở căn cứ tại Iraq dịp Lễ Năm mới và tuyên bố "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại"

Trung Đông mới của Trump là trọng tâm kìm chế Iran. Quốc gia này là kẻ thù của Israel, của Arab Saudi, và các đồng minh Ả Rập vùng Vịnh khác của Washington.

Cần nhớ rằng ông Trump được sự ủng hộ của giới tài phiệt gốc Do Thái. Còn các nước vùng Vịnh là những đối tác giàu có nhất cho ngành vũ khí của Mỹ hiện tại.

Quay trở lại với câu chuyện 10.000 quân sắp được tăng cường. Rất có thể, 2.000 quân ở Syria chưa kịp về nước đã nhận được lệnh tiếp tục ở lại để kìm chế quân lực nước ngoài, lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria?

Không cần quá chú ý đến việc kế hoạch 10.000 quân này có được thông qua hay không, chỉ cần nhìn nhận sự thật: nước Mỹ của ông Trump không bao giờ buông mảnh đất Trung Đông. Họ chỉ đơn thuần đang dàn xếp mọi thứ theo một thứ tự mới, nước Mỹ trên hết và lợi ích Trump trên hết.

Đến bây giờ, sách lược Trung Đông của Donald Trump gần như lộ diện: giành thành tích với tuyên bố chiến thắng khủng bố, dàn xếp lại Trung Đông với trọng tâm quân sự Iraq, kẻ thù chính là nhà nước Iran, đồng minh quan trọng là Israel và Arab Saudi...

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dieu-van-quan-toi-trung-dong-thoi-khac-ong-trump-hanh-dong-3380572/