Điếu văn đọc trong tang lễ nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách

Văn hiến trân trọng đăng toàn văn điếu văn của Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, đọc trong tang lễ nhà thơ - nhà văn Nguyễn Phan Hách.

Kính thưa gia đình nội ngoại của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách

Kính thưa các gia đình thông gia của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách

Kính thưa đại diện các cơ quan đoàn thể trung ương và địa phương

Kính thưa các nhà văn, nhà thơ và các nghệ sỹ

Kính thưa bạn bè cùng những bạn đọc yêu quí nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách

Vào hồi 15h 33 phút ngày 21 tháng 04 năm 2019 ( tức ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Hợi ), một con người đã rời bỏ thế gian đi về cõi vĩnh hằng. Con người đó là nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách của chúng ta.

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách, tên khai sinh là Nguyễn Xuân Hách, sinh ngày 13 tháng Giêng năm 1944, tức năm Giáp Thân tại làng Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là tác giả của 17 tác phẩm bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhiều bài báo và 18 ca khúc.

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học và thấu hiểu đạo làm người. Ông nội nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách là một nhà nho, mở lớp dạy học nổi tiếng trong vùng. Cụ là một người yêu thích văn chương và làm thơ. Hai cụ thân sinh ra nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách là những người yêu lẽ phải, giàu lòng thương người và luôn sống với một tấm lòng lương thiện. Tất cả những điều ấy đã dựng lên nền tảng tâm hồn và nhân cách của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách.

Sau khi được đào tạo qua nghành sư phạm, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách về dạy học tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang từ năm 1962. Từ năm 1967, ông là cán bộ Ty Văn hóa Hà Bắc. Từ năm 1973, ông là biên tập viên Tổ thơ của Tuần báo Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Và từ năm 1978 đến năm 2000, ông chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam làm biên tập viên, rồi được giao trọng trách với các vị trí Phó Giám đốc, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sau khi nghỉ hưu ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, với uy tín văn chương, với nhân cách sống và những kinh nghiệm xuất bản quí báu của mình, ông được mời về làm Tổng biên tập Nhà xuất bản dân trí.

Ngay từ thuở ấu thơ cho tới lúc trường thành, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách đã được thừa hưởng những vẻ đẹp truyền thống của gia đình và của vùng văn hóa Kinh Bắc. Những vẻ đẹp ấy cùng với một trái tim nhiều trắc ẩn, yêu thương con người và với một kiến văn sâu sắc cùng trách nhiệm xã hội của mình, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách đã cầm bút sáng tạo văn chương và trở thành một trong những nhà văn tên tuổi của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Ngay từ khi còn là một học sinh lớp năm trường phổ thông cấp 2 Gia Lương, ông đã bước lên bục vinh quang đón nhận Giải thưởng truyện ngắn của Tuần báo Văn Nghệ Việt Nam, một tờ báo lâu đời và uy tín nhất của văn học nghệ thuật nước nhà với truyện ngắn ‘’ Khỏi ốm’’. Giải thưởng đó là cánh cửa lớn mở ra con đường sáng tạo văn học nghệ thuật của ông. Và ông đã đi trên con đường của sự sáng tạo vì con người, vì cái đẹp cho đến phút cuối cùng của cuộc đời mình.

Trong cuộc đời sáng tạo của mình, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách đã để lại nhiều tác phẩm ở các thể loại thơ, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, báo chí và ca khúc như : Những ngôi sao tuổi thơ, Cô gái đầm sen, Quà tặng của thiên nhiên, Cuồng phong, Hoa hoàng lan, Hoa Sữa, hạt bụi, tuyển ca khúc nhạc và lời Nguyễn Phan Hách... Với sự sáng tạo không mệt mỏi và đầy lương tâm, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách đã được trao những giải thưởng văn học uy tín của Tuần báo Văn nghệ , Hội Nhà văn Việt Nam, của tạp chí Thế giới mới. Một số tác phẩm của ông đã được dạy trong nhà trường ở nhiều cấp. Nhưng Giải thưởng lớn nhất giành cho ông trọn đời và cả sau khi ông rời bỏ thế gian là giải thưởng của những người yêu văn học Việt Nam. Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách không chỉ đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại bằng chính những tác phẩm của mình mà còn đóng góp như một bà đỡ tinh tế, đầy trách nhiệm và bản lĩnh cho nhiều tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc ra đời trong thời gian ông ở cương vị một cán bộ biên tập và cương vị của một Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng như Nhà xuất bản Dân Trí sau này. Với vị trí quan trọng trong lĩnh vực xuất bản, ông đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng của mình vào công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam hiện đại.

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách là một tác giả viết nhiều thể loại và cũng thành công trong tất cả các thể loại mà ông sáng tạo. Đấy không chỉ là tài năng của ông mà bởi ông không chọn lựa một thể loại riêng biệt nào, ông chọn tất cả những gì có thể mang đến cho ông cơ hội tốt nhất để ngợi ca cái đẹp, để sẻ chia và cảm thông với những kiếp người, để lên tiếng về những bất công trong xã hội, để gieo vào lòng bạn đọc những giấc mơ đẹp đẽ về cuộc đời còn biết bao khó khăn và thách thức.

Trong những năm tháng chiến tranh đầy đe dọa của bom đạn và cái chết, những câu thơ của ông đã vang lên như một bản tuyên ngôn về tình yêu bất diệt của con người Việt Nam, về niềm kiêu hãnh của vùng đất Kinh Bắc, cũng là của cả một dân tộc: ‘’ Làng quan họ quê tôi/ Những năm bom Mỹ dội/ Loan phượng vẫn ăn xoài/ Chị cả tựa mạn thuyền/Anh hai ngồi bẻ lái/Quan họ về trao duyên’’. Những vần thơ ấy cùng với âm nhạc của cố nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trong Tạo đã vang lên bản tình ca lãng mạn và kiêu hãnh của con người Việt Nam trước mọi đe dọa kể cả cái chết. Tất cả những gì ông đã sáng tạo và đã để lại cho bạn đọc là bởi trái tim ông ngập tràn tình yêu thương mãnh liệt và khát vọng lớn lao. Đó là yêu thương gia đình nội ngoại của mình, yêu thương làng Mão Điền của mình, yêu thương xứ Kinh Bắc của mình và yêu thương tổ quốc mình. Chỉ như thế mới hiểu vì sao trước mọi khó khăn, thách thức trong cuộc đời, trong công việc và cả trong những ngày bệnh nặng, ông vẫn luôn luôn nở nụ cười thanh thản. Trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh, người thân, bạn bè và bạn đọc đến thăm ông, không ai nhận ra nỗi sợ hãi trong ánh mắt ông, trong giọng nói ông. Ông vẫn nói như từng nói trong suốt cuộc đời mình với một đức tin về những điều tốt đẹp cho con người. Bởi ông đã hiểu lẽ sống chết này, bởi ông hiểu giá trị đích thực của một kiếp người và bởi ông đã hoàn thành sứ mệnh của một con người đối với gia đình, dòng họ, quê hương và sứ mệnh cao cả của một nhà văn đối với con người và đất nước.

Cuộc sống là một con đường mà mọi con người đều phải đi qua với bao điều tốt đẹp nhưng cũng không ít những bất trắc, những phiền muộn và khổ đau. Như mọi con người sinh ra trong cuộc đời này, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách đã đi trên con đường ấy nhưng với một tấm lòng nhân ái, với một trái tim yêu thương trong sáng và mãnh liệt cùng với những khát vọng lớn lao trong đời sống và trong sáng tạo. Sống chết là lẽ đương nhiên đối với mọi kiếp người, nhưng sự ra đi của ông vẫn làm chúng ta bàng hoàng và đau đớn. Và sự ra đi của ông đã để lại trong gia đình ông, trong bạn bè ông và trong đời sống văn học nước nhà một khoảng trống.

Nhà thơ, văn Nguyễn Phan Hách đã rời bỏ thế gian đi về cõi vĩnh hằng, nhưng tinh thần sống và sáng tạo mang tên ông không rời bỏ chúng ta, ông vẫn ở lại với những người thân yêu trong gia đình, trong dòng tộc, trong bạn bè và quê hương, ông vẫn ở lại với con người trong những trang tiểu thuyết, trong mỗi truyện ngắn, trong những vần thơ, trong những giai điệu và trong chính những hành động nhân văn đối với con người quanh ông khi ông còn sống.

Xin cúi đầu vĩnh biệt ông, một con người, một nhà thơ, nhà văn chân chính.

Công viên tưởng niệm Thiên Đức, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, nơi an nghỉ của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách

Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà Xuất bản Hội Nhà văn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dieu-van-doc-trong-tang-le-nha-tho-nha-van-nguyen-phan-hach-68933