'Điều ước cho em' phải được coi là nhiệm vụ, trách nhiệm hàng đầu

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa tổ chức Lễ phát động Chương trình 'Điều ước cho em'. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã tham dự lễ phát động. Sự kiện này được tổ chức đúng vào 'Ngày làm việc tốt trên toàn cầu'.

Tháng 11/2020, tại cuộc gặp mặt Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” bày tỏ mong ước các trường, các điểm trường đều có điện, có nước sạch, học sinh có lớp học đầy đủ, được ăn trưa, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, có đủ sách vở, quần áo, …để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Từ sự quan tâm, lắng nghe những điều ước giản dị của các thầy cô trong buổi gặp gỡ đó của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chương trình “Điều ước cho em” đã ra đời.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố. Nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất là 58%; tiếp đến là THCS hơn 67%; mầm non hơn 70% và THPT cao nhất là hơn 80%.

Chương trình “Điều ước cho em” với nền tảng công nghệ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em) sẽ cho phép kết nối dòng chảy thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm.

Hiện đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em); gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các “điều ước”. Đến nay, nhiều điểm dừng chân tại những nơi khó nhất của 16 tỉnh trên cả nước (như Bắc Kạn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Bình, Điện Biên, Hà Giang), nhiều công trình “trường đẹp cho em”, “nhà bán trú cho em”, “nhà hạnh phúc cho học sinh mồ côi”; hàng vạn bữa ăn dinh dưỡng, nhiều suất học bổng, phần quà quý báu, có ý nghĩa dành cho các em học sinh và thầy cô giáo, nơi mà hành trình đi qua đã được thực hiện. Với xuất thân là người dân tộc thiểu số tại một buôn làng khó khăn của tỉnh Đăk Lăk, Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê là tấm gương điển hình cho sự nỗ lực của bản thân. H’Hen Niê đã trở thành Đại sứ của Chương trình “Điều ước cho em”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Chương trình “Điều ước cho em”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Chương trình “Điều ước cho em”

Tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xúc động khi xem những thước phim trong phóng sự, ghi nhận nhiều điểm trường còn khó khăn thiếu thốn đủ bề; các em chưa được ăn trưa đầy đủ, thiếu nhà vệ sinh.

“Tôi tin, chúng ta đều có chung một cảm xúc để thôi thúc chúng ta làm điều gì đó cho các em, để những ước mơ giản dị của thầy – trò trở thành hiện thực. Nếu ai đó, ở đâu đó chưa chú ý tới việc đó thì chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người, để cùng chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ ” – Phó Thủ tướng bày tỏ.

Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện “Điều ước cho em”, không chỉ trông vào nhà tài trợ mà các cấp ủy, chính quyền phải coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm hàng đầu, dù nghèo, dù khó, nếu chúng ta chú ý hơn đến các cháu và những nơi còn khó khăn thì chúng ta chắc chắn vẫn có thể dành dụm đầu tư quan tâm nhiều hơn tới các em học sinh. Trực tiếp nhất là ngành giáo dục, là các thầy cô giáo, Bộ GD & ĐT phải chỉ đạo ngay để toàn ngành tham gia chương trình này.

Các nhà tài trợ đã dành hàng chục tỉ đồng để xây trường, lớp, tài trợ bữa ăn bán trú cho hàng ngàn học sinh khó khăn

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình này không chỉ mong ước nhận được bao nhiêu tỉ đồng đóng góp từ các nhà tài trợ, mà sẽ trở thành điểm để kết nối không chỉ các nhà hảo tâm, kết nối cả các cấp ủy đảng, chính quyền bằng cách phát động tất cả các trường, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, tình nguyện viên hãy cập nhật những yêu cầu thiết thực nhất của học sinh nơi trường mình, lớp mình, để những yêu cầu đó được chuyển tải, phân thành từng nhóm, cái nào là chính quyền, cái nào là cộng đồng hỗ trợ, cái nào là ngành giáo dục tham gia. Tất cả sự hỗ trợ đó được kết nối lại, được thực hiện không trung lắp và được sử dụng tối ưu nhất. Đây là hành động rất cụ thể để thể hiện cả nhà trường, gia đình và xã hội cùng chăm lo cho tương lai của con em chúng ta.

Tại Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã trao biển cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng “Điều ước cho em” trao tặng 16 công trình “Trường đẹp cho em”, “Nhà bán trú cho em”; 1.000 “Nhà vệ sinh cho em”; bữa ăn trưa cho 30 nghìn em; 20.000 suất quà tặng cho học sinh trị giá gần 127 tỷ đồng. Trong đó Tập đoàn TH và Quỹ Tầm Vóc Việt đã ký thỏa thuận triển khai 1.000 công trình “Nhà vệ sinh cho em” trị giá 60 tỷ đồng cho học sinh tại các địa bàn khó khăn trong 10 năm từ 2021-2030…

Thu Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dieu-uoc-cho-em-phai-duoc-coi-la-nhiem-vu-trach-nhiem-hang-dau-637035/